Chấm thi THPT quốc gia, trường đại học có thoát được sức ép địa phương?
- 16:18 02-05-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trường ĐH Hà Nội được Bộ GD-ĐT phân công chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại Hòa Bình.
“Nhà trường đã cử 2 cán bộ đi tập huấn do Bộ tổ chức mới đây ở Nha Trang. Những người được cử đi đều rất sành công nghệ, phần mềm và có kinh nghiệm trong việc làm giám thị, tổ chức thi. Trong tháng 5 này, 2 cán bộ sẽ tập huấn lại cho toàn trường” - ông Nguyễn Văn Trào, Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho biết.
Chấm thi THPT quốc gia |
Tiếp quản công tác chấm thi cho Hòa Bình, ông Trào cho hay cán bộ nhà trường "không hẳn lo" mà tập trung hơn cho công việc sắp tới.
“Tôi khá tự tin, bởi từ trước đến nay cán bộ nhà trường làm việc thường không bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài. Tất nhiên, vẫn phải tỉnh táo, bởi dù sao hoàn cảnh thực tế có thể khác, có sự chi phối không thể lường trước”, ông Trào nói.
Ông Trào nhìn nhận có thể cũng gặp nguy cơ về sức ép, sự tác động của địa phương. Tuy nhiên, cán bộ sẽ nêu cao tính độc lập bởi chính bản thân mỗi người cũng sẽ bị xã hội để ý. Chính các sở cũng phải cẩn thận hơn.
“Các trường đại học một cách rất tự nhiên họ hoạt động độc lập, không bị chi phối bởi những thứ như quyền lợi, lợi ích này khác. Như trường tôi không ở Hòa Bình, không có cơ sở ở đây và thí sinh của Hòa Bình cũng thường ít vào".
“Hình như Bộ GD-ĐT cũng có những tính toán trong việc sắp xếp trường đại học nào về địa phương nào, khi ít có những sự ràng buộc nhau về mặt điều kiện tự nhiên và thực tế như không có cơ sở đặt tại địa phương, thí sinh địa phương ít vào trường”, ông Trào phân tích.
Nên công bố đáp án sau khi chấm, trao đổi chéo cán bộ an ninh
Ông Phùng Quán, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) nói rằng muốn ngăn chặn tiêu cực, tất cả các quy trình đều phải giám sát và kiểm tra chặt chẽ. Việc giao các trường ĐH chủ trì, giám sát toàn bộ các khâu của kỳ thi THPT quốc gia 2019 là cần thiết. Tuy nhiên, để chặt hơn nữa thì sau khi quét bài thi trắc nghiệm xong, lưu trữ bài thi, Bộ GD- ĐT mới công bố đáp án các môn thi trên các phương tiện truyền thông. Đồn thời, nên trao đổi chéo cán bộ an ninh PA83 giữa các tỉnh trong quá trình tham gia chấm thi trắc nghiệm.
Ông Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho rằng bảng phân công chấm thi năm nay có thể thấy Bộ GD-ĐT đã chọn trường có kinh nghiệm để chấm trắc nghiệm nên xã hội có thể yên tâm. Dù có áp lực nhưng "vì nhiệm vụ quốc gia" nên sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhất.
"Chấm trắc nghiệm phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt và sự giám sát chặt chẽ 24/24, có camera giám sát nên độ tin cậy rất cao" - ông Lý nói.
Ông Lý cũng lưu ý toàn bộ cơ sở vật chất chấm thi trắc nghiệm địa phương lo; do đó các bên liên quan nên xem đây là trách nhiệm chung, hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Và quan trọng là không được chủ quan. "Kinh nghiệm cho thấy, các sai sót dễ đến từ cán bộ lâu năm nhưng chủ quan".
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM phân tích chấm thi là công đoạn rất tốn kém, nhưng để trường ĐH chấm trắc nghiệm là cần thiết trong thời điểm này. Để xảy ra gian lận như năm ngoái là do những người tham gia trong quá trình đó cấu kết lại để vi phạm.
Ông Sơn khẳng định giao cho trường đại học chủ trì sẽ khách quan và được tin tưởng bởi: Thứ nhất, nhân sự tham gia chấm hoàn toàn không bị ảnh hưởng hoặc có cơ hội câu kết. Thứ hai, kết quả chấm thi không có tác động đến các trường nên không có áp lực về kết quả. Thứ ba, do các trường đại học cần kết quả chính xác phục vụ cho công tác xét tuyển nên sẽ cần kết quả chặt chẽ hơn.