Ngành Trịnh Công Sơn học: "Quan niệm cực kỳ ấu trĩ"
- 08:06 01-05-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Quan niệm mở ngành “ấu trĩ”
Trước một ngành học mới đang được nghiên cứu để mở tại trường đại học Văn Lang này, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó vụ Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT cho biết: “Hiện nay, ở Việt Nam, ít có người hiểu được nguyên tắc mở một ngành học mới, ngay cả những người quản lý của bộ GD&ĐT cũng ít ai hiểu được những yêu cầu, điều kiện.
Ở các nước trên thế giới, có những ngành học liên quan đến lịch sử, đến những hoạt động về học thuật của các bậc vĩ nhân, nhưng cũng rất hiếm hoi. Nếu mở một môn học thì có thể dễ hơn, còn mở một ngành học thì phải có hệ thống nhiều môn học và phải mang tính chất lý luận chứ không phải chỉ đơn giản đưa vào ngành học ấy các bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đó là một quan niệm cực kỳ ấu trĩ”.
Đại học Văn Lang đang nghiên cứu mở ngành Trịnh Công Sơn học. |
Ông phân tích: “Tôi không biết chương trình của trường đưa ra cụ thể như thế nào, nhưng ở Liên Xô hay một số nước trên thế giới có những ngành như ngành opera, ngành thanh nhạc, piano,… Nếu ở Việt Nam, tại sao không đề nghị mở những ngành như chèo, tuồng, vì hiện nay mới chỉ đang biểu diễn, cao nhất chỉ có thể đào tạo trình độ cao đẳng, chưa thấy trình độ đại học, hay đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ… bởi các công trình nghiên cứu lý luận của Việt Nam hầu như rất ít.
Tương tự như vậy, về nguyên tắc, có thể mở ngành Trịnh Công Sơn học, nhưng chương trình đào tạo phải đảm bảo những nội dung giảng dạy hay không, những nội dung đó có mang tính chất học thuật hay không, hay chỉ đơn thuần là các bài hát của người nhạc sĩ này. Nếu chỉ đào tạo ra các ca sĩ hát nhạc Trịnh, thì đó không phải đào tạo đại học, chỉ là đào tạo nghề”.
Theo ông, bước đầu, phải có quá trình nghiên cứu tìm hiểu thật kỹ về Trịnh công Sơn, đưa ra hệ thống rất nhiều môn học khác nhau chứ không phải là một vài bài hát.
TS. Lê Viết Khuyến nhận định: “Nếu là một môn học thì được chứ nếu là một ngành học thì tôi nghi ngờ tính khả thi”.
“Đội ngũ giảng viên sẽ là các nhà nghiên cứu về Trịnh Công Sơn và có những công trình nghiên cứu về Trịnh Công Sơn. Hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều công trình nghiên cứu như vậy, vì vậy chưa đảm bảo được chương trình học chứ đừng nói đến đảm bảo đội ngũ giảng dạy.
Sinh viên tốt nghiệp các ngành này sẽ lại tiếp tục nghiên cứu lý luận, còn hoạt động thực tiễn thì công cần thiết phải chính là những nhà nghiên cứu này.
Tôi không rõ những người quản lý ở bộ GD&ĐT có cái nhìn như thế nào đối với ngành này chứ tôi thì thấy ngành này cũng hơi lạ”, ông khẳng định.
Ngành học khó khả thi
PGS.TS Lâm Nhân, Phó Hiệu trưởng trường đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh cũng nhận định: “Trước đây, đã có các học viện về Khổng Tử, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng đó đều là các vĩ nhân, còn việc mở một ngành học nghiên cứu về một nhân vật thì tôi chưa từng nghe”.
“Việc mở ngành học phải có trong danh mục cấp IV và dựa theo Thông tư 22/2017 của bộ GD&ĐT. Trong đó, có yêu cầu về một tiến sĩ và 10 thạc sĩ ngành đúng và ngành gần. Nếu mở ngành không nằm trong danh mục cấp IV thì cũng có thể đào tạo thí điểm, và đội ngũ phải đáp ứng yêu cầu của Thông tư 22.
TS. Lê Viết Khuyến cho rằng đó là tư duy mở ngành "ấu trĩ". |
Đối với các công trình nghiên cứu về Trịnh Công Sơn thì tôi cũng thấy có nhiều, tiếp cận ở nhiều góc độ, nhưng đào tạo một ngành học thì tôi e rằng khó khả thi.
Trường đại học Văn Lang là trường tư, đã tự chủ thì cũng có quyền mở ngành theo luật Giáo dục đại học mới. Tuy nhiên, việc mở ngành mới cũng đòi hỏi có minh chứng rõ ràng, nếu trong danh mục cấp IV không có thì có thể minh chứng ở nước ngoài có đào tạo ngành học tương tự và có quyền đào tạo thí điểm”, ông chỉ ra.
Theo Thông tư 22/2017 của Bộ, các cơ sở đào tạo được mở ngành đào tạo trình độ đại học khi bảo đảm các điều kiện: Ngành đăng ký đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học; phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, miền và cả nước; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sở đào tạo. Việc mở ngành đào tạo đã được xác định trong phương hướng, kế hoạch phát triển của cơ sở đào tạo. Tên ngành đăng ký đào tạo có trong danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV theo quy định. Trường hợp ngành đăng ký đào tạo chưa có trong danh mục đào tạo (gọi là ngành mới), cơ sở đào tạo phải làm rõ: Luận cứ khoa học, nhu cầu của xã hội về ngành mới này (trong đó có ít nhất 2 ý kiến về sự cần thiết đào tạo của 2 cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo); Thực tiễn và kinh nghiệm đào tạo của một số nước trên thế giới kèm theo ít nhất 2 chương trình đào tạo tham khảo của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận về chất lượng hoặc cho phép thực hiện và cấp văn bằng (trừ các ngành chỉ có đào tạo ở Việt Nam hoặc các ngành liên quan đến an ninh, quốc phòng). Đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu cơ hữu bảo đảm về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu để tổ chức đào tạo trình độ đại học ngành đăng ký đào tạo, không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện đào tạo trình độ đại học của các ngành khác đang đào tạo, trong đó có ít nhất 1 tiến sĩ cùng ngành chịu trách nhiệm chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo trước cơ sở đào tạo và xã hội. Có ít nhất 10 giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo, trong đó có ít nhất 1 tiến sĩ và 4 thạc sĩ, hoặc 2 tiến sĩ và 2 thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo… |