Nghệ An: Gần 1.500ha đất rừng tự nhiên sẽ bị “xóa sổ” để phục vụ dự án?
- 15:45 29-04-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo đó, trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ có 6 nhóm dự án thuộc lĩnh vực an ninh – quốc phòng với tổng diện tích rừng tự nhiên xin được chuyển đổi là 354,99ha; 07 dự án thuộc nhóm phát triển kinh tế - xã hội với tổng diện tích 243,947ha; 14 dự án thuộc nhóm công trình phúc lợi xã hội với tổng diện tích 856,659ha.
Đây là số liệu được xác nhận tại một văn bản do ông Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký, trình Bộ NN&PTNT vừa qua.
Còn theo thống kê thì hiện nay Nghệ An có tổng số 902.171 ha diện tích đất có rừng, rừng tự nhiên chiếm tỷ lệ lớn với diện tích 735.423 ha, rừng trồng chiếm 166.748 ha, độ che phủ đạt 54,71%.
Tổ chức Văn hoá, khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận và xếp hạng khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An gồm rừng nguyên sinh - vườn quốc gia Pùmát có diện tích 93.523 ha, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống có diện tích 41.127 ha, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt có diện tích trên 34.723 ha với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm có tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. Khu dự trữ này trải dài trên 9 huyện miền núi của tỉnh.
Hàng năm, tại các huyện phía Tây của tỉnh Nghệ An vẫn thường xảy ra tình trạng phá rừng, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sai mục đích diễn ra rất phổ biến.
Các dự án khai thác khoáng sản tại huyện Quỳ Hợp, Nghệ An hàng năm cũng góp phần “xóa sổ” hàng trăm ha rừng tự nhiên |
Thậm chí, nhiều công trình, dự án xây dựng trên diện tích đất rừng tự nhiên với diện tích lớn khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cho phép đã ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sống, làm giảm diện tích đất rừng. Mặt khác, nhiều dự án xây dựng trên đất rừng được các cơ quan chức năng ở đây “bật đèn xanh” theo kiểu cho xây dựng trước, xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sau.
Thực trạng này đã khiến cho rừng tự nhiên ở Nghệ An ngày càng cạn kiệt, nguy cơ thiên tai do nhân tai gây ra đã khiến cho môi trường sống tại nhiều địa phương bị xáo trộn.
Đặc biệt, việc phát triển thủy điện một cách ồ ạt đã xóa sổ hàng nghìn ha đất rừng khiến dư luận đặc biệt quan tâm trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, khi được chất vấn về vấn đề này tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri, đại diện lãnh đạo nhiều Sở, ban ngành vẫn không đưa ra được các giải pháp cụ thể.
Một số dự án thuộc nhóm phát triển kinh tế - xã hội được xây dựng trên diện tích đất rừng tự nhiên lớn như: Thủy điện tại xã Tiền Phong, huyện Quế Phong; Thủy điện tại xã Lạng Khê, huyện Con Cuông; 04 dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.
Được biết, đây là 27 trong tổng số 67 dự án xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất được UBND tỉnh Nghệ An rà soát, tổng hợp đề nghị Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Trước vấn đề này, các nhà khoa học cho rằng, nếu các cơ quan liên quan không có những bước rà soát, đánh giá được – mất khi tiến hành chuyển đổi hàng nghìn ha đất rừng tự nhiên để phục vụ dự án thì hệ lụy sẽ khó lường hết cho mai sau.