Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Mới nắng mấy ngày hoá đơn điện tăng vọt: Cách tính khiến tiền tăng gấp đôi

Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo 6 bậc thang đã áp dụng được khoảng 6 năm, bậc cao nhất có giá gần gấp đôi bậc thấp nhất. Giờ đây, việc xem xét lại biểu giá là điều cần thiết.

6 năm đã qua, biểu giá bậc thang vẫn giữ nguyên

Cuối năm 2017, sau 4 năm áp dụng, Bộ Công Thương lấy ý kiến dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Dự thảo nêu rõ, giá bán lẻ điện được quy định chi tiết cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện, bao gồm: Sản xuất, kinh doanh, cơ sở lưu trú du lịch, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt.

Đối với giá bán lẻ điện sinh hoạt, biểu giá điện khi đó vẫn chia thành 6 bậc. Bậc thấp nhất là 0-50 “số điện”, bậc cao nhất là từ 401 “số điện” trở lên. Bậc cao nhất có giá gần gấp đôi bậc thấp nhất.

 Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm 6 bậc thang trước và sau khi tăng giá điện ngày 20/3

Các bậc này có mức giá tăng dần, có nghĩa, càng dùng nhiều giá điện càng cao.

Mục đích được đưa ra là nhằm khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Tuy nhiên, sau đợt lấy ý kiến này, tháng 7/2018 Quyết định về cơ cấu biểu giá bán lẻ được ban hành, Bộ Công Thương vẫn giữ nguyên 6 bậc.

Biểu giá điện sinh hoạt theo bậc thang này áp dụng từ đầu năm 2014 đến nay, bất chấp giá điện đã nhiều lần tăng.

Bộ Công Thương giải thích biểu giá này “nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả”. Ngoài ra, việc này còn dựa trên kinh nghiệm các nước trên thế giới cũng như trong khu vực ASEAN như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Nam Phi, Indonesia, Thái lan, Malaysia đều áp dụng giá điện sinh hoạt bậc thang.

Đánh giá thực tế áp dụng những năm qua, Bộ Công Thương cho rằng việc áp dụng giá bán điện sinh hoạt theo các bậc là “đơn giản trong áp dụng” nhưng vẫn đạt được mục tiêu khuyến khích “sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả”.

Tuy nhiên, khi đó, trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, vị chuyên gia này đã chỉ ra nhiều điểm chưa hợp lý của biểu giá điện sinh hoạt 6 bậc.

“Bây giờ hộ nghèo chăng nữa cũng còn rất ít hộ dùng dưới 50 kWh, đời sống đã khác hơn, có nhiều thiết bị điện hơn... khác lắm rồi, nên phải tính làm sao đại đa số người dân được hưởng mức giá tương đối hợp lý hơn”.

Góp ý cho biểu giá điện bậc thang này, Hội Điện lực Việt Nam cũng bày tỏ không lấy bậc 1 là 50kWh mà nên lấy “mốc” từ 101 số điện đến 200 số điện làm bậc 1, vì đây là mức tiêu thụ trung bình của đại đa số các hộ sử dụng điện sinh hoạt tiêu thụ.

 Ngày càng nhiều thiết bị điện được sử dụng để đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân.

Lấy ý kiến nhưng vẫn chưa thay đổi

Trên thực tế, vào tháng 3/2015, sau khi biểu giá điện bán lẻ 6 bậc đưa vào áp dụng, nhiều cuộc tranh cãi đã nổ ra. Khi ấy, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải tổ chức hội thảo khắp 3 miền để lấy ý kiến đóng góp cho đề án cải tiến biểu giá điện.

Thời điểm đó, Dự thảo đề án đã đề xuất 3 phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Một là giữ nguyên 6 bậc thang như hiện nay. Hai là quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá). Ba là rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc xuống 3 bậc (hay 4 bậc) theo 5 kịch bản.

Tuy nhiên, đến nay, bản dự thảo này chưa rõ số phận ra sao, chỉ biết biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn như cũ.

Bản thân Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng từng đánh giá: Biểu giá sinh hoạt có 6 bậc thang đã gây phức tạp trong công việc thanh toán tiền điện với khách hàng. Tiền điện thanh toán mỗi tháng phụ thuộc vào lượng điện sử dụng của khách hàng, điện sử dụng càng nhiều bị áp ở mức giá càng cao là ngược với logic tiêu dùng hàng hoá thông thường (càng mua nhiều càng rẻ), dễ làm cho khách hàng khó hiểu, khó kiểm tra, theo dõi dẫn đến khó thông cảm.

“Do có nhiều nấc thang nên việc ghi chỉ số, nếu không cẩn trọng, dễ gây sai sót khi tính toán số lượng tiền điện thanh toán, tạo dư luận trong xã hội,... ”, Tập đoàn Điện lực từng đánh giá trong dự thảo đề án cải tiến biểu giá điện.

Vì sao càng dùng nhiều giá điện càng cao? Điều này là có lý do. Điện là một trong những loại hàng hóa đặc thù. Về cơ bản là điện là sản phẩm không tái tạo, nên nguồn tài nguyên tạo ra điện là khan hiếm, phải có chính sách khuyến khích tiết kiệm.

Ngoài ra, điện không có tồn kho, không chuyển giao từ người tiêu dùng nọ sang người tiêu dùng kia. Mặt khác, thực tiễn nhu cầu tăng trưởng điện rất cao, trong khi nguồn cung chưa đủ nên điện mới càng dùng nhiều giá càng cao. Không phải chỉ có nước mình mới thế, mà nhiều nước cũng phải như vậy.

Tuy nhiên, 6 năm đã trôi qua, đời sống người dân đã khác. Các thiết bị sử dụng điện trong gia đình đã nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Biểu giá điện bậc thang gồm 6 mức cần được xem lại để phù hợp hơn với thực tế, đảm bảo lợi ích cho người dân. Đặc biệt là khi giá điện vừa tăng, kéo theo mức chi trả cho mỗi mức điện bậc thang của người dân tăng lên đáng kể.