Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cần tuyển bổ sung thí sinh trượt oan do bị chiếm chỗ vì gian lận thi cử

Xử lý hậu quả của việc nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 là trách nhiệm chung. Những gì các trường đại học làm được để hạn chế oan sai thì nên làm ngay.

Liên quan đến vụ gian lận thi cử, tại hai tỉnh Sơn La, Hòa Bình có 108 thí sinh đã và đang bị xử lý. Cụ thể, Bộ Công an đã trả về hơn 50 thí sinh liên quan đến bê bối thi cử; khối trường quân đội cũng trả về 7 thí sinh; ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương… cũng lần lượt buộc thôi học những người có tên trong danh sách nâng điểm.

Tuy nhiên, tất cả các trường này đều chưa có động thái tuyển bổ sung, thay thế những thí sinh bị trượt oan vào chỗ những thí sinh bị đuổi vì gian lận.

Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Nếu không giải quyết đến cùng liệu có công bằng cho những thí sinh bị mất đi cơ hội vào đại học?

Khó trả lại công bằng vì “hiệu ứng dây chuyền”

Trước câu hỏi “Có nên tuyển lại thí sinh đã bị trượt oan hay không?”, ông Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, khẳng định về mặt lý thuyết, cần xét tuyển bổ sung các thí sinh bị trượt oan.

Đây là những “nạn nhân” vì sự gian lận đã bị tước mất “chỗ”. Những thí sinh này thậm chí có điểm xét tuyển chỉ thấp hơn điểm chuẩn 0.01 nhưng vẫn bị trượt.

 Ông Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM khẳng định về mặt lý thuyết, cần xét tuyển bổ sung các thí sinh bị trượt oan

Tuy nhiên, theo ông Lý, thực tế không phải trường nào tuyển cũng đúng chỉ tiêu mà luôn có tỷ lệ vượt cho phép theo quy chế. Vì vậy, một số trường hợp lượng thí sinh gian lận bị đuổi có thể vẫn không ảnh hưởng đến chỉ tiêu của trường. Chưa kể, đã gần một năm học trôi qua, nếu hạ điểm chuẩn sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền, “rối từ trên xuống dưới, rất phức tạp”.

TS. Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam, cũng đồng tình với việc nên tuyển lại những thí sinh trượt oan; nhưng "rất khó". Nếu thí sinh rút hồ sơ trường này để chuyển sang trường kia lại khiến nhiều trường khác thiếu chỉ tiêu. Cứ thế, sẽ tạo ra “hiệu ứng domino” rất khó dừng lại".

Còn theo ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, về tình nên tuyển lại thí sinh bị trượt oan để tránh sự bất công nhưng về lý sẽ rất khó khăn.

Nguyên nhân bởi tuyển sinh là do các trường tự chủ chứ không chịu ảnh hưởng của Bộ GD-ĐT. Vì vậy, chính Bộ cũng không thể can thiệp để cho các thí sinh được trúng tuyển.

Vấn đề có tuyển hay không thuộc thẩm quyền của trường và trường phải tự quyết. “Dư luận kêu gọi Bộ GD-ĐT phải tạo công bằng cũng có lý, nhưng Bộ không thể can thiệp được do những quy định đã có về việc tự chủ trong tuyển sinh của trường”.

Thứ hai, về phía các trường bây giờ sẽ rất khó thực hiện. Nếu tuyển lại theo điểm thi THPT quốc gia thì không được. Còn nếu làm đề án tuyển sinh năm nay thì không thể tuyển vài em bị trượt oan.

“Nếu có thể, hội đồng tuyển sinh trường xem xét xét đặc cách những thí sinh này. Nhưng nếu xét đặc cách cũng khó vì năm nay thì không biết điều kiện của các em đó có đủ hay không. Hơn nữa, chắc gì các em bị rớt đó có nguyện vọng học lại các trường đã đăng ký”.

Với những lý do trên, theo ông Sơn, việc tuyển sinh lại thí sinh bị trượt oan là không thể do kéo theo một dây chuyền ảnh hưởng từ trên xuống dưới.

Giải quyết chỉ 30 phút, tại sao không làm?

Ngược lại với quan điểm trên, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, cho rằng trong quy chế tuyển sinh không có điều nào cấm tuyển bổ sung các em trượt oan. Việc này chỉ phụ thuộc vào các hiệu trưởng. Còn nhập học hay không phụ thuộc vào thí sinh.

“Các trường có thể gửi thông báo cho thí sinh bị trượt oan rằng nếu vẫn còn mong muốn vào trường hoàn toàn có thể nhập học. Tuy nhiên, do hiện tại đã gần kết thúc năm học nên có thể nhập học theo khoá 2019. Nếu cần thiết, trường có thể giảm bớt chỉ tiêu của năm sau”.

“Xử lý hậu quả của việc nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 là trách nhiệm chung. Những gì các trường đại học làm được để hạn chế oan sai thì nên làm ngay”, ông Tùng khẳng định.

 Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT cho hay, quy chế tuyển sinh không có điều nào cấm tuyển bổ sung các em trượt oan.

Việc xử lý theo ông Tùng cũng rất đơn giản: Đầu tiên, cần kiểm tra xem có bao nhiêu thí sinh bị đuổi về vì gian lận. Sau đó rà soát và thống kê danh sách những thí sinh có điểm lẽ ra phải đỗ vào trường. Bước thứ ba là làm hồ sơ gửi cho thí sinh và thông báo trong vòng 30 ngày có thể đến trường nhập học.

“Giải quyết việc này chỉ vỏn vẹn 30 phút là xong. Thủ tục rất đơn giản, tại sao các trường không làm?”.

Ông Tùng nhận định việc nâng điểm vừa qua ảnh hưởng tới nhiều đối tượng, nhiều vấn đề, trong đó có chuyện quy chế tổ chức thi, trách nhiệm của hội đồng chấm thi, những người tham gia mua bán điểm, các thí sinh được nâng điểm và thí sinh trượt oan do các thí sinh được nâng điểm chiếm chỗ.

Trong các khâu cần phải giải quyết, theo ông, việc tuyển lại thí sinh trượt oan là đơn giản và đỡ mất thời gian nhất.

Một chuyên gia tuyển sinh nhìn nhận, việc tuyển bổ sung mới chính là các thức thực hiện quyền tự chủ của trường, chứ không phải vì tự chủ mà "khó thực hiện". Chưa kể, trong 3 mục tiêu, thì kỳ thi THPT quốc gia có 1 mục tiêu là "lấy căn cứ để xét tuyển đại học", và thực chất Bộ GD-ĐT vẫn nắm vai trò tổng chỉ đạo. Nếu xem xét về tính nhân văn khi giải quyết các hậu quả của vụ việc nâng điểm, thì việc cho tuyển bổ sung mới thực sự "nhân văn".

Đồng tình với việc nên mời các thí sinh xứng đáng nhập học, ông Trần Nam, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ quan điểm: “Cơ hội tiếp cận với giáo dục là một trong những quyền rất cơ bản của con người và họ cần được xã hội đáp ứng. Chính vì vậy hệ thống giáo dục của các quốc gia cần phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ em, cả nam giới và nữ giới bình đẳng như nhau trong việc tiếp cận cơ hội được đến trường.

Giáo dục suốt đời cũng là một trong những giải pháp để khoả lấp sự thiếu hụt cơ hội đó của công dân ở trong những giai đoạn khác nhau của phát triển xã hội” - ông Nam lý giải.

Theo ông Nam, vụ việc diễn ra ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang là điều mà hệ thống giáo dục Việt Nam không hề mong muốn xảy ra. Do vậy, khi đã sai thì phải sửa và đưa ra cơ chế phòng ngừa trường hợp tương tự sẽ xảy ra trong tương lai.

“Việc mời lại các thí sinh vì sự cố này mà mất đi cơ hội học tập là điều rất nên làm. Còn việc làm như thế nào thì Bộ Giáo dục nên có hướng dẫn cụ thể để các trường không bị động, lúng túng”.

Ông Nam đề xuất nếu tuyển thì xét lại nguyện vọng của các em đã đăng ký năm 2018 và gọi nhập học cho năm 2019.