Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Nghệ An 'ao đã sâu, tổ đã to'
- 16:14 26-04-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đầu tư của Nhật Bản vào Nghệ An chưa tương xứng
Trước khi tham dự hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp ngài Umeda Kunio - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam và cùng trao đổi một số nội dung trong hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng đánh giá tổ chức Hội nghị "Gặp gỡ Nghệ An - Nhật Bản: Hội nhập và Phát triển" tại Nghệ An ngày hôm nay là sáng kiến ngoại giao rất thiết thực, không chỉ mang ý nghĩa về chính trị mà còn cả về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa hai bên.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp ngài Umeda Kunio - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam. |
Trước các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế; các tập đoàn, công ty, hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản; các nhà đầu tư Nhật Bản, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã điểm lại những lợi thế hết sức nổi bật của Nghệ An.
Trong đó, Nghệ An là một trong rất ít địa phương của Việt Nam được Bộ Chính trị ban hành nghị quyết riêng. Đó là Nghị quyết 26 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
“Nghị quyết 26 là tài sản rất quý của Nghệ An, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với Nghệ An”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng thông tin đến các đại biểu về công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng giao thông, phát triển du lịch, vị trí của Nghệ An trong vùng kinh tế Nam Thanh - Bắc Nghệ và Nam Nghệ - Bắc Hà…
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã có các nhà đầu tư lớn về hạ tầng khu công nghiệp như: VISIP, WHA Hemaraj, Hoàng Thịnh Đạt.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói: Miền Nam có hình ảnh “muốn nuôi cá to phải đào ao sâu”; còn miền Bắc hay dùng thuật ngữ “muốn đón đại bàng phải có tổ lớn”.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, mặc dù “ao đã sâu, tổ cũng to rồi” nhưng các dự án đầu tư vào Nghệ An chưa nhiều, đặc biệt các nhà đầu tư Nhật Bản mới đầu tư hơn 70 triệu USD chưa tương xứng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Duy |
Từ đó, đồng chí Vương Đình Huệ thúc giục các nhà đầu tư Nhật Bản nghiên cứu và sớm có các dự án đầu tư tại Nghệ An.
“Chúng ta có cơ hội, có cơ duyên, có nhân duyên. Tôi hy vọng sau hội nghị, chúng ta có những quyết sách rất cụ thể”, Phó Thủ tướng nói sau khi dẫn lại mối quan hệ truyền thống giữa Nghệ An và Nhật Bản mà một trong những người đầu tiên nối nhịp cầu là chí sỹ Phan Bội Châu - người con của quê hương Nghệ An.
Cải thiện thực chất hơn môi trường đầu tư
Tuy nhiên, để có thể làm tốt công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Nghệ An 3 việc:
Lãnh đạo và chính quyền tỉnh Nghệ An cần hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo các cấp, các ngành của tỉnh xây dựng những chính sách, giải pháp cụ thể, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ Nghệ An - Nhật Bản từ đối ngoại đến thu hút đầu tư, thương mại, du lịch…
Sản xuất tại xưởng cơ khí của Ccông ty Khai thác đá vôi Yabashi - Việt Nam (doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Nghệ An) ở huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Thành Duy |
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục cải thiện thực chất hơn nữa, hiệu quả hơn môi trường đầu tư, không chỉ lãnh đạo tỉnh mà các sở, ngành, các địa phương, những người thực thi công vụ; rút ngắn hơn nữa khoảng cách giữa các quyết định, giữa lời nói và thực thi trong thực tế để môi trường kinh doanh thuận lợi hơn; cải cách hành chính ở tất cả các cấp, có cơ chế thu hút các nguồn lực, thực hiện tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu…
Qua đó, Nghệ An tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư, kinh doanh thuận lợi và mang lại thành công tại Nghệ An.
Tiếp đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Nghệ An cần tích cực, đổi mới, và sáng tạo hơn nữa để giới thiệu, quảng bá rộng rãi về tiềm năng hợp tác, kinh doanh tại địa phương mình, đồng thời tìm hiểu để đáp ứng tốt hơn yêu cầu, mong muốn của các đối tác, các nhà đầu tư Nhật Bản.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thành Duy |
Nghệ An cần tiếp tục phát huy tốt nội lực, khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của địa phương, thúc đẩy liên kết giữa hai bên thông qua tăng cường hợp tác về ODA, thương mại, đầu tư. Bên cạnh những lĩnh vực hợp tác hai bên đã triển khai, cần nghiên cứu, xây dựng chiến lược trung hạn, dài hạn để phát triển hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng khác chưa được khai phá.
Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Hội nghị được tổ chức thường niên.