Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An: Cần làm rõ vụ cụ Cao Đăng Trương phải cắt bỏ chân trái sau khi nhập viện và điều trị
- 15:30 25-04-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phía Bệnh viện ĐK huyện Diễn Châu lại khẳng định, việc điều trị cho cụ Trương là đúng phác đồ và đúng quy trình. Sự việc đang khiến người thân của cụ Trương khó hiểu và đặt nhiều câu hỏi xung quanh vụ việc đau lòng trên…
Gia đình bệnh nhân "tố" Bệnh viện huyện thiếu trách nhiệm
Theo bản tường trình của chị Cao Thị Luân, con gái cụ Cao Đăng Trương, ở xóm 5, xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu: Khoảng 8 giờ ngày 16/12/2018, cụ Trương được gia đình đưa đến Bệnh viện ĐK huyện Diễn Châu để khám bệnh, được nhân viên Bệnh viện hướng dẫn đến Khoa Đông y để khám. Tại Khoa Đông y, cụ Trương được bác sĩ Hương cho đi xét nghiệm máu, chụp XQ chân và lưng. Khoảng một giờ sau có kết quả, bác sĩ gọi gia đình và cụ Trương đến thông báo là cụ bị xẹp đĩa đệm, nên bị chèn dây thần kinh ở chân và cho cụ điều trị ngoại trú, sáng đến tiêm thuốc, châm cứu tại Khoa Đông y và sau đó nhận thuốc hằng ngày và về nhà.
Sau 2 ngày điều trị, chân cụ Trương càng nặng hơn, bàn chân sưng to và thâm tím không đi được dép. Chị Phạm Thị Hiếu (con dâu cụ Trương) đưa cụ ra gặp bác sĩ Nguyễn Khắc Tường, Trưởng khoa Đông y và được trả lời: Chân sưng do châm cứu và cho thuốc kháng sinh liều cao về uống. Tuy nhiên, những ngày tiếp theo chân cụ Trương vẫn không đỡ. Đến ngày 21/12/2018, cụ Trương được chỉ định siêu âm và phát hiện bị tắc mạch máu chân dài 30 - 35cm, sau đó được chuyển đi bệnh viện tuyến tỉnh. Tại Bệnh viện ĐK Ba Lan, sau khi khám cho cụ Trương, bác sĩ đã thông báo, do cụ đưa vào viện quá muộn, nên phải cắt phần chân trái mới có thể bảo vệ được tính mạng.
Trao đổi với phóng viên, chị Luân bức xúc: "Theo tôi, trách nhiệm dẫn đến việc bố tôi phải cắt chân là thuộc Bệnh viện ĐK huyện Diễn Châu. Tại sao bố tôi đã hơn 80 tuổi, sức khỏe kém mà lại cho điều trị ngoại trú, không cho điều trị nội trú? Tại sao bệnh của bố tôi càng ngày càng nặng như thế mà các bác sĩ của Khoa Đông y Bệnh viện ĐK Diễn Châu không làm thủ tục chuyển viện sớm hơn? Nếu bố tôi được chuyển viện tỉnh sớm, chắc đã cứu được chân trái. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình tôi hỏi lãnh đạo Bệnh viện ĐK Diễn Châu 2 lần, thì đều được lãnh đạo Bệnh viện trả lời: "Bệnh viên điều trị đúng phác đồ, đúng quy trình. Ngày 10/1/2019, tại buổi tiếp dân của Bệnh viện ĐK huyện Diễn Châu, ông Thái, Phó Giám đốc Bệnh viện nói với gia đình tôi là bố tôi bị tắc động mạch chi độ 3 là hoàn toàn không có cơ sở. Nếu chẩn đoán đúng bệnh thì Bệnh viện ĐK Diễn Châu không có khả năng chữa trị mà phải chuyển bố tôi lên tuyến tỉnh ngay sau ngày đầu tiên vào viện, thì cơ hội bệnh đau chân của bố tôi chữa trị khỏi là rất lớn. Hơn nữa, gia đình chúng tôi cũng không đồng ý với nội dung biên bản họp Hội đồng Y khoa của Bệnh viện ĐK huyện Diễn Châu gửi Sở Y tế và gia đình tôi, vì nó hoàn toàn không đúng sự thật, như những gì gia đình tôi đã trình bày trong đơn".
Theo chị Luân, Bệnh viện ĐK huyện Diễn Châu làm việc thiếu trách nhiệm, dẫn đến hậu quả là cụ Trương bị cắt cụt chân trái. Bệnh viện ĐK huyện Diễn Châu phải chịu trách nhiệm về sự việc trên.
Bệnh viện khẳng định, “điều trị đúng phác đồ, đúng quy trình”
Ngày 11/4/2019, phóng viên Báo Người cao tuổi đã liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Tiến, Giám đốc Bệnh viện ĐK huyện Diễn Châu và được ông Tiến miễn cưỡng giới thiệu gặp ông Nguyễn Khắc Tường, Trưởng khoa Đông y. Ông Tường cho biết, cụ Trương nhập viện ngày 16/12/2018, với chẩn đoán ban đầu là thoái hóa cột sống thắt lưng, đau thần kinh tọa trái (chân trái), rối loạn tuần hoàn não, hẹp cột sống thắt lưng. Cụ Trương được dùng phương pháp điều trị đông - tây y kết hợp, châm cứu từ lưng và chân trái kết hợp thủy châm (dùng vitamin nhóm B tiêm vào huyệt) và thuốc tây giảm đau chống viêm, tăng cường tuần hoàn não. Theo ông Tường thì nguyên nhân dẫn đến việc cụ Trương bị cắt chân là do tắc động mạch cấp tính trên nền bệnh mãn tính xơ vỡ động mạch ở chân. Ông Tường trình bày: "Ban đầu chưa xác định được bệnh này. Đến ngày 20/12, cụ Trương sưng đau khớp cổ chân thì tôi trực tiếp khám thấy cổ chân trái sưng đỏ nên đã thay thuốc điều trị và cho kháng sinh về uống. Sáng 21/12, thấy bệnh nhân kêu đau nhiều vùng chân trái nên tôi đã cho đi xét nghiệm máu và siêu âm mạch chân trái thì phát hiện tắc động mạch chân trái và khoa đã cho chuyển viện lên tuyến trên. Khi khám ngày 21/12/2018, chân cụ Trương chưa hoại tử. Ngày cuối cùng nó mới tắc chứ mấy ngày trước chỉ là đau chân, đau lưng. Nó là diễn biến cấp tính".
Trả lời câu hỏi, tại sao bệnh của cụ Trương càng ngày càng nặng mà bệnh viện không chuyển viện sớm hơn? Ông Tường trả lời: Vì người nhà xin điều trị ngoại trú nên không thể theo dõi thường xuyên bệnh nhân được, do đó việc chuyển viện muộn, còn bệnh viện đã điều trị đúng phác đồ và đúng quy trình chẩn đoán ban đầu. Ông Tường quả quyết: "Bệnh viện không sai, mà do bệnh nhân là người già nên bệnh diễn biến khá phức tạp".
Sự việc xảy ra một đàng, ban hành công văn một nẻo(!?)
Ngày 2/2/2019, gia đình cụ Trương làm đơn khiếu nại gửi Sở Y tế Nghệ An. Sau đó, Bệnh viện ĐK huyện Diễn Châu đã có công văn trả lời gia đình, nhưng lại ghi ngày 11/1/2018, trong lúc cụ Trương được đưa tới khám và điều trị vào ngày 16/12/2018(!?)
Theo những văn bản mà gia đình cụ Trương cung cấp, thì Văn bản số 24/TB-BVDC do Bệnh viện ĐK Diễn Châu trả lời kiến nghị của công dân, ngày ra văn bản: 11/1/2018 (tức là văn bản này được ban hành trước 11 tháng khi xảy ra sự việc ). Việc ban hành công văn này thể hiện sự tắc trách của Bệnh viện ĐK huyện Diễn Châu và dư luận nghi ngờ có hay không việc cán bộ bệnh viện đã coppy văn bản? Mặt khác, dù gia đình đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên Bệnh viện và Sở Y tế Nghệ An, nhưng 2 lần mà Bệnh viện ĐK huyện Diễn Châu trả lời thì nội dung giống nhau, chỉ thay ngày tháng và số văn bản! Liệu việc trả lời gia đình cụ Trương như thế có phải là trả lời cho qua chuyện và là cách đối phó cuả Bệnh viện ĐK Diễn Châu?
Xin nói thêm, để có được buổi làm việc với ông Nguyễn Khắc Tường, phóng viên đã phải "năn nỉ" ông Tiến, Giám đốc Bệnh viện ĐK Diễn Châu. Qua điện thoại, ban đầu ông Tiến tìm cách từ chối và nói với phóng viên hãy liên hệ với Sở Y tế thì tốt hơn, chỉ khi phóng viên "năn nỉ" xin gặp bác sĩ điều trị cho cụ Trương, ông Tiến mới đồng ý. Tại sao ông Tiến lại từ chối gặp trực tiếp phóng viên và vì lí do gì thì chắc hẳn chỉ có ông ấy mới hiểu?
Báo Người cao tuổi sẽ tiếp tục thông tin tiếp về sự việc này