Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vị tướng giản dị

Là một trong số ít tướng trận đã trải qua các cuộc chiến tranh vệ quốc từ năm 1945 - 1989, nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh có mặt ở những điểm nóng nhất và trở về trong chiến thắng.

 Nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh tại một điểm nóng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc - Ảnh: ẢNH: TƯ LIỆU

Từ một thanh niên của miền quê nghèo khó ở làng Trường Hà, H.Phú Vang (Thừa Thiên- Huế), sớm được giác ngộ lý tưởng cách mạng và trở thành đảng viên cộng sản trẻ tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh gắn liền với các bước thăng trầm và sự phát triển của cách mạng giải phóng dân tộc.

Ông đã gắn bó suốt đời, mang hết sức lực, tâm trí của mình để phục vụ sự nghiệp cách mạng đầy gian khổ hy sinh với những thử thách vô cùng cam go nghiệt ngã, nhưng rất đỗi vinh quang.

Thời gian đầu tham gia cách mạng, nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh tổ chức và lãnh đạo phong trào công nhân của đồn điền cao su khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng 8.1945. Sau đó, qua rèn luyện, chiến đấu, ông trở thành cán bộ và chỉ huy của bộ đội miền Đông Nam bộ trong kháng chiến chống Pháp, vị tướng có tên tuổi của Quân giải phóng miền Nam trong chiến tranh chống Mỹ, giải phóng đất nước; một vị tướng tài trong cuộc trường chinh làm nhiệm vụ quốc tế cao cả ở nước bạn Campuchia... Chiến tranh là thử thách cao nhất đối với con người. Chính những thử thách nghiệt ngã của các cuộc chiến tranh và sự rèn luyện tự giác của bản thân đã hun đúc nên con người ông - một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Quân đội, của Đảng và Nhà nước ta.

Suốt cuộc đời tham gia cách mạng, nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh đã làm nhiều việc lớn, nhiều cống hiến xuất sắc cho cách mạng, nhưng cũng suốt cả cuộc đời ông sống giản dị và thanh bạch.

Từ khi ra Hà Nội làm Tổng tham mưu trưởng, rồi Bộ trưởng Quốc phòng, rồi Chủ tịch nước, nhưng suốt bao năm qua ông vẫn sống và làm việc trong căn nhà công vụ. Từ đồ dùng trong nhà đến bữa ăn, quần áo mặc và nếp sinh hoạt hằng ngày của ông vẫn luôn thanh đạm như một người dân Việt bình thường. Mỗi khi có việc đi đường dài, ông thường bảo người giúp việc mang theo bánh mì và đồ nguội, trưa đến dừng xe bên rừng cây ven đường dừng bữa chỉ ba chục phút, xong lại tiếp tục đi. Ông bảo làm vậy vừa đỡ mất thời gian, vừa không gây phiền hà và tốn kém cho lãnh đạo địa phương.

Suốt đời học tập và noi gương đạo đức lối sống của Bác Hồ, nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh cũng rất tâm đắc với câu nói của Bí thư Xứ ủy Nam bộ Lê Duẩn từ thời kháng Pháp: “Anh nào lo thu vén cá nhân thì suốt đời làm nô lệ cho bản thân mình!”. Bởi vậy sống thanh bạch, giản dị, không để tiện nghi và cám dỗ vật chất chi phối, điều khiển mình, ông thật sự thấy mình được tự do và thanh thản. Nhưng ông lại là người nặng tình trọng nghĩa, thủy chung với những người từng sống và chiến đấu với mình.

Lần về thăm quê gốc Trường Hà, tháng chạp 2002, sau khi hoàn tất các cuộc “thăm đón” ở tỉnh, huyện và xã; thăm người thân và thắp hương ở nhà thờ ông bà, viếng mộ các bậc tiền nhân, thì đã gần hai giờ chiều. Bụng đói và cái nắng gắt sau đợt mưa khiến cánh trẻ chúng tôi mệt nhoài. Thế nhưng nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh, khi đó vừa qua trận xuất huyết não “thập tử nhất sinh” chưa thật sự bình phục, vẫn nhất định phải tới thắp nén hương tưởng nhớ và thăm hỏi gia quyến, con cháu của hai người thân nữa. Đó là người thầy giáo đã dạy ông những chữ quốc ngữ đầu tiên thời niên thiếu và ông Hoàng Viễn - người đảng viên cộng sản đã dìu dắt ông vào Đảng năm 1938, đồng thời là bạn vong niên “củ khoai chia đôi” thuở nhỏ ở chốn quê nghèo.

Khi về thăm trại nuôi rắn của Quân khu 9 ở Tiền Giang, nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh tìm và thăm bằng được “Cậu Tám Lọ”, người lính cần vụ của ông. Hay khi xuống xã Vĩnh Viễn (Long Mỹ, Cần Thơ), hết đường ô tô ông đi bằng xuồng máy bo bo giữa vùng mênh mông sông nước để vào ấp 8, thăm, tặng quà và cảm ơn gia đình ông Tám Hòa đã cho ông mượn khu vườn đặt Sở chỉ huy những ngày chiến đấu ác liệt, đánh bại 75 tiểu đoàn và kế hoạch "Tràn ngập lãnh thổ" của địch trên mảnh đất Chương Thiện - Cần Thơ năm 1973. Tôi và các phóng viên Đài truyền hình Cần Thơ đã được chứng kiến và không bao giờ quên hình ảnh ông Tám Hòa nâng chiếc ti vi, và mẹ ông đón nhận túi quà từ nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh trong căn nhà lợp lá dừa nước của mình. Cả hai người vô cùng xúc động, nước mắt lưng tròng...

Tác giả: Đại tá Khuất Biên Hòa

Nguồn tin: Báo Thanh Niên