Đảng viên dùng tiền, quyền sửa điểm cho con là vi phạm 19 điều cấm kỵ
- 13:39 20-04-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư chai sẻ quan điểm xung quanh câu chuyện nâng điểm sửa điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia với bản danh sách hé lộ một phần con em lãnh đạo tỉnh Sơn La được báo chí đưa tin trong thời gian qua.
Trả lời câu hỏi, với các quy định của Đảng, theo ông thì việc một cán bộ, đảng viên nếu được xác định đã tác động hoặc đưa tiền để con em mình được nâng điểm thì họ đã vi phạm những gì, ông Hùng cho biết: Nếu đúng như họ có hành vi tác động để con em mình được nâng điểm thì họ đã vi phạm 19 điều Đảng viên không được làm.
Ông Vũ Quốc Hùng:Những người có hành vi tác động hoặc bằng cách nào đó để con em mình được nâng điểm là không thể chấp nhận được. |
Họ đã lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để can thiệp, tác động, đề nghị hoặc gây áp lực để được giải quyết nhằm trục lợi. Còn nếu họ đưa tiền thì rõ ràng là hành vi đưa hối lộ, bao che dung túng cho việc môi giới, nhận hối lộ. Đây cũng là điều bị cấm.
“Nghị quyết T.Ư 4 cũng đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái trong cán bộ đảng viên, trong đó nhấn mạnh việc lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, mới đây nhất Đảng đã ban hành quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, trong đó chỉ rõ hành vi tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức; tặng quà, nhận quà vì vụ lợi là điều bị cấm.
Là cán bộ, đảng viên thì phải gương mẫu, không được tiêu cực, chạy chọt, hối lộ. Những người có hành vi tác động hoặc bằng cách nào đó để con em mình được nâng điểm là không thể chấp nhận được. Chắc chắn họ sẽ phải bị xử lý theo quy định của Đảng, tùy theo mức độ mà có thể bị khiển trách, cảnh cáo hay khai trừ”, ông Hùng chia sẻ.
Trong danh sách được báo chí đưa ra trong thời gian qua, có ít nhất ba trường hợp là con cán bộ chủ chốt của tỉnh này, đây là điều mà ông Hùng cho rằng “càng không thể chấp nhận”.
Bởi những cán bộ trong ngành Giáo dục trước hết phải có trách nhiệm trong việc chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát hiện và ngăn chặn tiêu cực để đảm bảo cho một môi trường giáo dục lành mạnh, công bằng, khách quan. Thế nhưng chính họ lại đi ngược lại. Điều này không chỉ khiến xã hội mất niềm tin, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của ngành, cao hơn nữa là tư cách của người cán bộ, đảng viên.
Danh sách lãnh đạo tỉnh Sơn La có con được nâng điểm |
“Họ muốn con em mình hơn con em người khác, nên dù biết các em học không giỏi nhưng vẫn cố tình làm như thế. Họ làm thế vì họ nghĩ đó là chăm lo cho con em mình, mà không hiểu được rằng như thế là làm hại con, làm hại xã hội. Trách nhiệm chính ở đây vẫn là của người lớn”, ông Hùng phân tích.
Chính vì những em được nâng điểm thế này mà nhiều em khác đã không được vào đại học, đồng nghĩa với việc cánh cửa cuộc đời của các em đã có thể rẽ sang hướng khác. Chưa kể, không ít em được nâng điểm đã trở thành thủ khoa (gian lận) của một số trường danh tiếng.
Nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư cũng lo ngại, nếu không bị phát hiện, nghiễm nhiên các em vẫn sẽ theo học bình thường, rồi sau này ra trường không hiểu trong bộ máy sẽ có những cán bộ như thế nào. Điều này rất nguy hiểm.
Ông Hùng cũng tin tưởng, nếu cơ quan chức năng xác định được những phụ huynh đó đã có hành vi tiêu cực thì chắc chắn họ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Do đó, ông Hùng đánh giá, ‘việc điều tra làm rõ là rất cần thiết, bất kể người đó là ai”.
Nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư cũng nhấn mạnh, cho đến thời điểm này dù cơ quan chức năng chưa có kết luận, nhưng khi có thông tin như vậy thì tổ chức Đảng cũng không thể làm ngơ, đứng ngoài cuộc. Vì thế, cấp ủy tại nơi những cán bộ, đảng viên nằm trong diện nghi vấn cần yêu cầu họ làm giải trình, kiểm điểm. Sau đó, tùy theo tính chất, mức độ mà xử lý theo các quy định của Đảng, Điều lệ Đảng. Còn sau này các cơ quan tố tụng có kết luận rõ ràng thì khi đó ai sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.