Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nữ đại gia kín tiếng xuất hiện, sóng gió chưa dừng tại Eximbank

Trong khi nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận lớn và triển vọng sáng sủa thì nhiều tổ chức tín dụng đang đối mặt với hàng loạt các rủi ro, từ những bất ổn trong cơ cấu nguồn thu cho tới vấn đề nhân sự.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, trong đó có nhiều điểm đáng chú ý, ẩn chứa nhiều vấn đề trục trặc mà ngân hàng này chưa giải quyết được.

Nhân sự cao cấp là một vấn đề được quan tâm nhiều nhất và cũng là câu chuyện lùm xùm đầy bí ẩn tại ngân hàng một thời đình đám tại Việt Nam, với thương vụ thâu tóm Ngân hàng Sacombank hồi năm 2011-2012.

Câu chuyện cựu chủ tịch Lê Minh Quốc có "tâm thư" gửi truyền thông và sau đó gửi lên tòa án sau khi bị bãi nhiễm, thay vào đó là bà Lương Thị Cẩm Tú chưa nguôi thì vị trí tổng giám đốc ngân hàng này dường như cũng có vấn đề.

Trong tờ trình Báo cáo của Ban điều hành về hoạt động kinh doanh năm 2018 và kế hoạch năm 2019 của Eximbank dùng cho ĐHĐCĐ sắp tới đã để khuyết tên và không có chữ ký của tổng giám đốc ngân hàng.

Các tờ trình Thù lao và ngân sách hoạt động HĐQT, Phân phối lợi nhuận 2018, dự thảo Nghị quyết ĐHĐCĐ đề tên Chủ tịch là ông Lê Minh Quốc.

 Báo cáo ban điều hành trình ĐHĐCĐ 26/4 tới không có tên TGĐ.

Còn trong báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2018 đã kiểm toán công bố trước đó hôm 29/3/2019 ghi nhận ông Lê Văn Quyết là Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng Eximbank.

Ông Lê Văn Quyết được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT Eximbank vào ngày 15/12/2015 và làm TGĐ từ ngày 5/4/2016 cho đến nay chưa có quyết định thôi vị trí này.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, ông Lê Văn Quyết đã có ý kiến về việc Eximbank nên tìm TGĐ mới để đảm bảo hoạt động liên tục ngân hàng.

Mặc dù vấn đề nhân sự tại Eximbank vẫn rối như tơ vò, chức vụ chủ tịch của bà Lương Thị Cẩm Tú chưa được rõ ràng... thì theo các nội dung trình ĐHĐCĐ ngày 26/4 sắp tới không có thông tin nào đề cập về việc thay đổi nhân sự cấp cao.

Câu chuyện nhân sự tại Eximbank có thể bỏ ngỏ để đấy và sẽ được giải quyết sau.

 Trong báo cáo tài chính 2018, ông Lê Văn Quyết là TGĐ.

Eximbank thời hậu ông Lê Hùng Dũng vẫn đang gặp sóng gió, dàn lãnh đạo thay đổi thường xuyên, kinh doanh tiếp tục đi xuống và ngân hàng gặp nhiều tai tiếng. Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông của Eximbank bắt đầu từ năm 2015, ở vào thời điểm khi thị trường xuất hiện tin đồn Eximbank sẽ sáp nhập với Ngân hàng Nam Á (NamABank) được xem là yếu tố khiến ngân hàng này chưa được ổn định.

Câu chuyên tranh giành ghế vào HĐQT Eximbank thực sự lan rộng sau khi ĐHCĐ năm 2016 bất thành. Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông đã khiến Eximbank lún vào khó khăn, với tài sản tụt giảm và lợi nhuận lao dốc, thậm chí bị lỗ và cổ phiếu Eximbank bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận âm hai năm liên tiếp.

Cũng theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, ngân hàng cho biết đã thành lập riêng một Ban chỉ đạo nhằm khẩn trương xử lý các kiến nghị của Thanh tra, trong đó có vấn đề chi thừa thù lao cho HĐQT, BKS hơn 80 tỷ trong giai đoạn 2013-2015 mà Eximbank mới chỉ thu hồi được 20 tỷ.

Trong năm 2018, sự cố tiền gửi “bốc hơi” khiến lợi nhuận của Eximbank điều chỉnh giảm 52%.

 Bà Lương Thị Cẩm Tú được Eximbank bầu là chủ tịch thay ông Lê Quốc Minh.

Bà Chu Thị Bình (Thủy sản Minh Phú) là khách hàng bị bốc hơi 245 tỷ đồng hiện vẫn kháng cáo cầu tất toán 103 tỷ đồng lãi suất phát sinh cho 245 tỷ đồng mà TAND TPHCM tuyên trong án sơ thẩm.

Trong khi nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận lớn và triển vọng sáng sủa như Vietcombank hay VPBank thì nhiều tổ chức tín dụng đang đối mặt với hàng loạt các rủi ro, từ những bất ổn trong cơ cấu nguồn thu cho tới vấn đề nhân sự.

Bên cạnh Eximbank đang chìm trong những vấn đề trục trặc thì nhiều ngân hàng dù có những bước tiến lớn nhưng đối mặt với rủi ro nguồn thu trong tương lai như SCB đang tập quá nhiều vào đầu tư bất động sản, trong khi Techcombank tăng trưởng nhờ các khoản thu không thường xuyên, tiềm ẩn rủi ro từ việc tập trung như cho vay bất động sản, cho vay thông qua trái phiếu,...

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), cho dù nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn được liệt vào ngành triển vọng nhưng cổ phiếu đang chịu áp lực bán mạnh. Nhiều mã trụ cột như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MBBank,... bị bán khá mạnh.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng hơn trong các dự báo.

Theo BVSC, thị trường đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm về các vùng hỗ trợ sâu hơn trong thời gian tới khi ngưỡng 964 điểm đã bị phá vỡ. Nếu không thể vượt lên trở lại vùng 964-968 điểm trong phiên cuối tuần, Vn-Index có thể sẽ tiếp tục giảm về vùng hỗ trợ mạnh hơn nằm tại 940-950 điểm trong những phiên tiếp theo. Tại đây, BVSC kỳ vọng thị trường sẽ cho phản ứng hồi phục tăng điểm trở lại.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/4, VN-Index giảm 9,80 điểm xuống 962,3 điểm; HNX-Index giảm 0,68 điểm xuống 105,75 điểm. Upcom-Index giảm 0,36 điểm xuống 56,01 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 200 triệu đơn vị, trị giá 3,7 ngàn tỷ đồng.