Maritime Bank có đang làm trái quy định của Ngân hàng Nhà nước?
- 13:46 19-04-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tài liệu gửi cổ đông trước ngày đại hội thường niên mới đây của ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank- MSB) cho hay, tính đến cuối năm 2018, số lượng tổ chức tín dụng MSB nắm giữ cổ phiếu là 3 tổ chức, trong khi quy định cho phép không quá 2 tổ chức.
Cụ thể, tại thời điểm ngày 31/12/2018, MSB chưa tuân thủ Thông tư 36/2014/TT-NHNN khi tỷ lệ sở hữu cổ phiếu PGB (Ngân Hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex - PG Bank) là 9,98%. Ngoài ra, MSB còn nhận cổ phiếu PVCB (Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam – PVcomBank) thay thế cho nghĩa vụ nợ của khách hàng. Ngân hàng thứ ba không được đề cập trong báo cáo của Ban kiểm soát.
|
Trước đó, đầu năm 2018, khi PVcomBank công bố danh sách nhân sự bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2018 - 2023, MSB cũng xuất hiện với tư cách một nhóm cổ đông đề cử. Theo thông tin khi đó, MSB sở hữu 4,66% cổ phần của PVcomBank và có mặt trong nhóm cổ đông sở hữu 10,55% cổ phần.
Tính đến cuối 2018, giá trị chứng khoán do các tổ chức tín dụng khác trong nước phát hành do MSB nắm giữ trên 389 tỷ đồng, giảm so với 858 tỷ đồng vào đầu năm.
Được biết vào năm 2017, Hội đồng quản trị MSB cũng "hứa hẹn" về việc thoái vốn PG Bank (thời điểm đó, PG Bank đang trong quá trình làm thủ tục sáp nhập với VietinBank). Tuy nhiên đến nay gần hai năm, việc thoái vốn này vẫn dậm chân tại chỗ, PG Bank hiện đang trong quá trình sáp nhập vào HDBank.
Hồi tháng 6/2017, Maritime Bank đã chuyển nhượng hơn 81,3 triệu cp Ngân hàng TMCP Quân đội (Mã: MBB), tương đương 4,75% vốn cho CTCP Phát triển Hà Nam.
Theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 02 tổ chức tín dụng khác với tỷ lệ nắm giữ dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết tại tổ chức tín dụng đó. Hiện nay, các ngân hàng thương mại đang liên tục chào bán cổ phần tại các tổ chức tín dụng khác nhằm tuân thủ Thông tư 36. Các ngân hàng có tỷ lệ vốn sở hữu vượt quá giới hạn phải hoàn tất việc thoái vốn vào giữa năm 2019, nên thời gian còn lại không nhiều.
Theo đề án Cơ cấu hệ thống ngân hàng đến năm 2020, từng ngân hàng thương mại sẽ phải xây dựng lộ trình, phương án cơ cấu lại, dứt điểm tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống.
Báo cáo của Hội đồng quản trị MSB cho thấy, đến cuối năm 2018, nhà băng này có tổng tài sản gần 138.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước với dư nợ tín dụng hơn 55.000 tỷ đồng, tăng 30%. Lợi nhuận trước thuế năm trước của MSB đạt hơn 1.050 tỷ đồng, gấp 7,4 lần năm 2017.
Tuy nhiên, theo phương án phân phối lợi nhuận, nhà băng này tiếp tục đề xuất không chia cổ tức năm 2018, dù kế hoạch được thông qua tại phiên họp thường niên năm trước là cổ tức tỷ lệ 5%. Nếu được cổ đông thông qua, năm 2018 sẽ là năm thứ 7 liên tiếp ngân hàng này không chia cổ tức. Trước đó năm 2017 MSB cũng "thất hứa" với cổ đông do không được Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn phương án chia cổ tức.
Năm 2019, nhà băng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.860 tỷ đồng, tăng 77% so với năm 2018 với dư nợ tín dụng tăng 35%. MSB cũng đề xuất chia cổ tức 10% cho năm 2019 nhưng cho biết chỉ thực hiện khi có sự chấp thuận từ Ngân hàng Nhà nước.
Còn nữa...