Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Người dân bị “treo” đất tái định cư vì chưa đóng đủ tiền tự nguyện!

Một số hộ dân ở phường Hồng Sơn (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) phản ánh do chưa nộp đủ 300 triệu đồng tiền tự nguyện tại Dự án Khu tập thể xí nghiệp may mặc Việt Đức và Nông sản xuất nhập khẩu nên họ đang bị “treo” đất tái định cư?

 Một số hộ dân bị “treo” đất ở dự án khu tập thể May mặc Việt Đức vì chưa đóng 300 triệu tự nguyện?

Tự nguyện hay “ép” dân đóng tiền?

Năm 2013, do những căn nhà cấp 4 tồn tại đã lâu, xuống cấp, mất an toàn nên UBND TP. Vinh đã có chủ trương “xóa bỏ” Khu tập thể xí nghiệp may Việt Đức và Nông sản xuất nhập khẩu ở khối 12, phường Hồng Sơn (viết tắt là Khu tập thể xí nghiệp may mặc Việt Đức).

Theo đó, UBND TP. Vinh đã đưa ra phương án cấp cho các hộ gia đình đã sống hàng chục năm qua tại xí nghiệp may Việt Đức với hình thức là giao đất ở không qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Để thực hiện chủ trương trên, ngày 29/11/2013, UBND TP. Vinh đã phê duyệt quy hoạch chia lô đất ở khu dân cư tại khu tập thể trên với 186 lô. Ngày 11/7/2017, UBND TP. Vinh cũng đã phê duyệt phương án xác định nghĩa vụ tài chính cho các hộ gia đình.

Việc phân lô cho các hộ dân đã sinh sống tại Khu tập thể xí nghiệp may Việt Đức có thể nói đã nhận được sự đồng tình rất lớn của người dân. Bởi việc làm này không chỉ giải quyết chỗ ở cho bà con, mà còn góp phần làm khang trang diện mạo TP. Vinh.

 Bà Mai và bà Nguyệt đã viết đơn tố giác việc thu 300 triệu đồng tiền tự nguyện là sai?

Tuy nhiên, quá trình thực hiện, từ năm 2012 đến nay, đã có rất nhiều đơn thư của công dân liên quan đến vị trí phân chia đất ở chưa công bằng và thu tiền hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa.

Đơn cử như mới đây bà Hoàng Thị Mai (SN 1959) và bà Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1953) đã có đơn gửi đến các cơ quan chức năng ở Nghệ An. Theo bà Mai và bà Nguyệt thì đến nay 2 bà vẫn chưa được các cấp TP. Vinh giao đất ở Khu tập thể xí nghiệp may Việt Đức. Với lý do rất “trời ơi” là mỗi bà chưa đóng đủ số tiền tự nguyện 300 triệu đồng cho khối 12 phường Hồng Sơn?

Bà Mai và bà Nguyệt cho rằng: trước khi triển khai chia lô đất ở tại thửa đất Khu tập thể xí nghiệp may Việt Đức, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 692 ngày 31/8/2016 ban hành mức giá cụ thể cho từng lô đất. Trong đó các lô đất nằm trên trục đường Cao Xuân Huy có mức giá từ 24 triệu đồng mỗi m2.

Vậy nhưng theo bà Mai và bà Nguyệt thì có 6 lô (trong đó có 2 lô đất của bà Mai và bà Nguyệt) trong tổng số 32 lô trên tuyến đường này bị “ép” đóng mỗi lô 300 triệu đồng gọi là tự nguyện đóng góp để xây dựng hạ tầng khiến mỗi m2 đất ở đây cao hơn nhiều triệu đồng so với giá ban hành của UBND tỉnh Nghệ An.

“Tự nguyện thì phải đúng thực chất, chứ ở đây khối tổ chức họp, lấy ý kiến dân và ấn định mỗi hộ phải đóng 300 triệu là không đúng”, bà Hoàng Thị Mai nói.

Có dấu hiệu vi phạm pháp luật?

Cũng theo bà Mai và bà Nguyệt thì sau khi có “chủ trương” đóng tiền tự nguyện cho khối, 2 bà mỗi người nộp từ 130 triệu đồng đến 150 triệu đồng. Nhưng vì thấy số tiền nộp là hết sức vô lý nên 2 bà không nộp số tiền còn lại.

Hậu quả, đến nay trong khi rất nhiều hộ dân đã được giao đất, xây nhà để ở thì bà Mai và bà Nguyệt là 2 trong số 6 hộ phải đóng tiền tự nguyện xây dựng hạ tầng chưa nộp đủ số tiền 300 triệu đồng nên vẫn chưa được UBND TP. Vinh giao đất?

Bởi vậy, mấy năm qua bà Mai đã phải tá túc trong căn nhà thuê trọ ọp ẹp, xuống cấp. “Tự nguyện là chúng tôi cho dân. Đúng ra chúng tôi sẽ viết giấy như bức tâm thư, cam kết và hỗ trợ bao nhiêu là do chúng tôi đề giá. Nhưng ở đây Chi bộ khối họp sau đó định ra một cái giá rồi thông qua dân đồng ý. Dân không có quyền định giá để bắt chúng tôi hỗ trợ”, bà Mai lý giải.

 Bà Hoàng Thị Mai cho rằng việc thu 300 triệu đồng tự nguyện là trái quy định

Bà Nguyễn Thị Nguyệt cũng cho rằng, khối nói nếu không đóng góp tiền tự nguyện là không giao đất. Việc làm này theo nhiều hộ dân là sai với tinh thần Quyết định số 93/2014/QĐ ngày 16/12/2014 của UBND tỉnh Nghệ An ban hành quy định về phân công, phân cấp và quản lý điều hành ngân sách.

Bởi trong Quyết định số 93 ghi rõ: “Tất cả các khoản huy động, quyên góp, đóng góp chỉ được thực hiện theo quy định của nhà nước và phải được cấp có thẩm quyền cho phép bằng văn bản, ngoài ra không được huy động dưới bất cứ hình thức nào...”.

Trong khi đó trao đổi với báo chí về việc “lạ lùng” trên, ông Hồ Viết Quảng- Khối trưởng khối 12, phường Hồng Sơn thừa nhận đúng là có thu số tiền tự nguyện của 6 hộ dân. Và hiện nay các khoản tiền thu chúng tôi đang gửi ở ngân hàng. Chưa tiêu đồng nào!

Dư luận băn khoăn: với việc cán bộ khối 12 phường Hồng Sơn tổ chức lấy ý kiến “ép” 6 hộ dân phải đóng mỗi hộ 300 triệu đồng tiền đóng góp tự nguyện mới được giao đất tái định cư liệu có đúng theo quy định của UBND tỉnh Nghệ An. Đây cũng chính là điều mà dư luận đang trông chờ các cơ quan chức năng ở Nghệ An vào cuộc làm rõ?

“Trái với chế độ kế toán ngân sách do Bộ Tài chính ban hành”

Luật sự Phan Thị Thủy - Văn phòng luật sư Thành Vinh cho rằng, việc tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã, phường, thị trấn thực hiện theo Nghị định số 24/1999/ NĐ – CP của Chính phủ. Nhưng, chiếu theo Nghị định này, việc tổ chức thu tiền của 6 hộ gia đình có đất tái định cư tại khu tập thể May mặc Việt Đức tại phường Hồng Sơn đang có nhiều dấu hiệu sai phạm.

“Tổ chức huy động các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng chỉ yêu cầu 6 hộ dân trên tổng số hàng trăm hộ dân trong khối là chưa đảm bảo sự dân chủ và đồng đều… Hơn nữa mức đóng góp của mỗi hộ dân là 300 triệu đồng/hộ dân là mức đóng quá cao so với mức bình quân thu nhập và khả năng đóng của nhân dân trên địa bàn phường Hồng Sơn. Ngoài ra khoản thu 300 triệu đồng mà không hề có biên lai thu tiền là trái với chế độ kế toán ngân sách do Bộ Tài chính ban hành”.

Báo điện tử Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin./.