Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Kỳ lạ ở Nghệ An: Phê duyệt sản xuất một đằng, bán sản phẩm một nẻo

Chưa được cấp phép khai thác mỏ đất làm nguyên liệu nhưng Nhà máy Bình An lại lấy đất trong dân để chạy thử nghiệm. Đồng thời, dùng sản phẩm không đúng như phê duyệt sản xuất và chưa được thẩm định chất lượng bán ra thị trường.

 

Dự án nhà máy sản suất gạch ngói công nghệ cao Bình An do Công ty TNHH MTV Xe máy Bình An làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 97 tỉ đồng, tổng diện tích 4,2 ha tại xã Tân Long, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 4249/QĐ-UBND ngày 15/9/2017. Công nghệ được áp dụng trong dự án là sản phẩm được tạo hình theo phương pháp dẻo, sấy nung sản phẩm trong lò theo công nghệ cao. Tiến độ thực hiện dự án 22 tháng kể từ tháng 10/2017 đến 8/2019. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ sản xuất gạch ốp lát và ngói chất lượng cao.

Theo phản ánh của người dân, quá trình chạy thử nghiệm sản xuất gạch xây, nhà máy này đã lấy đất trong dân để làm nguyên liệu, vận chuyển đất không che chắn gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, dự án này chưa được cấp phép khai thác các mỏ đất làm nguồn nguyên liệu nhưng việc lấy đất diễn ra rầm rộ trong một thời gian dài để sản xuất gạch tuynel là trái với phê duyệt.

 Gạch Tuynel mà Nhà máy Bình An sản xuất.

“Mấy tháng gần đây kể từ thời gian khoảng cuối tháng 10 đầu tháng 11/2018 cho đến nay, họ (nhà máy gạch Bình An - PV) tiến hành cho đốt lò nhả khói suốt ngày đêm để sản xuất gạch 3 lỗ và 6 lỗ. Khi gạch ra lò không biết chất lượng như thế nào nhưng phía nhà cũng cho bốc xếp lên xe vận chuyển ra khỏi nhà máy đem đi tiêu thụ trong dân. Không biết chính quyền có cho phép hay không mà tôi thấy họ lấy đất từ trong các khu vực đất của dân rồi chở về nhà máy để làm gạch. Không chỉ ở Tân Long mà các xã khác gần khu vực nhà máy cũng bị lấy đất như thế”, một người dân trên địa bàn xã Tân Long (Tân Kỳ) cho biết.

Ghi nhận của PV tại khu vực nhà máy Bình An, phía trong nhà máy, công nhân đang cho vận hành lò đốt các hoạt động sản xuất gạch Tuynel, đồng thời, bốc xếp gạch Tuynel 3 lỗ và 6 lỗ đã thành phẩm lên xe tải để những chiếc xe này vận chuyển ra khỏi nhà máy đem bán cho dân. Một bãi tập kết hàng vạn viên gạch tuynel thành phẩm. Tuy nhiên, không có một viên gạch gốm ốp lát hay ngói chất lượng cao trong toàn bộ khuôn viên nhà máy mà theo phê duyệt của UBND tỉnh Nghệ An nhà máy được phép sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ thừa nhận, những sai phạm của nhà máy gạch Bình An là có thật. “Nhà máy được phê duyệt sản xuất gạch gốm ốp lát và ngói công nghệ cao nhưng họ lợi dụng chạy thử nghiệm lò đốt để sản xuất gạch tuynel đem bán ra thị trường là không đúng. Mới đây, đoàn kiểm tra đã yêu cầu nhà máy gạch dừng sản xuất gạch tuynel bao giờ hoàn tất thủ tục cấp phép mỏ nguyên liệu theo quy định và hoàn chỉnh xây dựng lắp đặt hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất gạch gốm ốp lát và ngói chất lượng cao như đã phê duyệt mới được sản xuất. Còn việc lấy đất trong dân để sản xuất thì chúng tôi sẽ kiểm tra lại”.

 Hoạt động bên trong nhà máy Bình An.

Theo văn bản số 979/SXD-VLXD của Sở Xây dựng gửi UBND huyện Tân Kỳ và Cty TNHH MTV Xe máy Bình An đã chỉ ra những sại phạm của nhà máy này. Cụ thể, qua kiểm tra sơ bộ tại Dự án cho thấy Công ty Bình An chưa hoàn thành đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất gạch gốm ốp lát và ngói chất lượng cao theo nội dung của dự án đã được Sở Xây dựng chấp thuận tại Văn bản số 1902/SXD-VLXD ngày 14/8/2017; Nhà máy đã đi vào hoạt động sản xuất nhưng chưa được nghiệm thu bàn giao trước khi đưa vào sử dụng.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Cương Sơn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động Việt liệu xây dựng (Sở Xây dựng Nghệ An) cho biết: “Nhà máy Bình An khi vận hành công nghệ chất lượng cao vào sản xuất, sản phẩm được tạo ra phải tuân thủ theo phê duyệt của UBND tỉnh là các sản phẩm gạch gốm ốp lát và ngói chất lượng cao. Còn sản xuất đồng loạt gạch Tuynel là trái với phê duyệt, hơn nữa sản phẩm gạch Tuynel mà nhà máy Bình An sản xuất trong thời gian qua không được phép tung ra thì trường vì chưa được thẩm định chất lượng”.