“Cát tặc” công khai nạo vét sông Hiếu
- 16:38 16-04-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thời gian gần đây, tại huyện Nghĩa Đàn lại rộ lên vấn nạn khai thác cát trái phép. Đặc biệt là trên sông Hiếu đoạn qua xã Nghĩa Thịnh. Một số máy hút cát thậm chí hoạt động công khai. Trong ảnh là chiếc máy hút cát đặt dưới lòng sông nhìn từ cầu tràn sông Hiếu, nơi Quốc lộ 48E chạy qua. |
Ở một số điểm, họ còn dùng đất đá ngăn sông để xe tải có thể chạy ra đến giữa sông chở cát dễ dàng. Nhiều khúc sông vì thế nham nhở như một bãi công trường, các tuyến đường đồng của người dân nơi đây cũng bị xe tải chở cát cày nát. |
Không dùng ghe như những nơi khác, "cát tặc" ở đây cho máy hút trực tiếp dưới lòng sông rồi đổ lên thùng xe tải. "Mỗi ngày chỉ cần 2 lao động nhưng khai thác được hàng trăm khối", một người dân giấu tên nói. |
Một chiếc máy hút cát được đặt dưới lòng sông, phía sau là tình trạng sạt lở nghiêm trọng bên bờ sông Hiếu do vấn nạn này gây ra. Theo ghi nhận của phóng viên, cứ khoảng 500 mét dọc con sông chảy qua đoạn này lại có một máy hút cát. Khi thấy người lạ, những chủ máy nhanh chóng bỏ chạy, hoặc phủ nhận liên quan. |
Ông Võ Đình An – Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Thịnh cho hay, cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần truy quét nhưng vẫn bất lực trước tình trạng này. “Do quy định chỉ có thể tạm giữ máy hút cát nhưng không được tịch thu. Vì thế sau mỗi lần bắt giữ, người dân lại mang tiền lên nộp phạt rồi lại tiếp tục khai thác tiếp”, ông An nói và cho hay, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã bắt giữ 3 máy hút, mỗi trường hợp xử phạt 2 triệu đồng. Với mức phạt như thế này, chỉ cần chưa đến một ngày hút trộm cát, "người ta" cũng đủ tiền để nạp phạt. |
Xe tải chở cát từ dưới sông lên. |
Trong khi đó, cách khu vực này không xa, nhiều hộ dân ở xóm 1 (xã Nghĩa Thịnh), đang sống trong lo âu vì tình trạng sạt lở trong nhiều năm qua. “Chỉ trong vòng 2 năm nay, lòng sông đã ăn vào vườn nhà tôi mất 8 mét. Cứ mỗi lần mưa xuống lại rất lo lắng vì những hố “tử thần” trong vườn liên tục xuất hiện, kéo theo đất trôi tuột xuống sông”, chị Lê Thị Luận (46 tuổi), nói. Trước thực trạng này, chính quyền xã Nghĩa Thịnh đã phải sắp xếp mặt bằng, lên phương án di dời cho những hộ dân này. Trong ảnh là khu vực vườn mít, tre của gia đình chị Luận đã bị trôi tuột xuống bờ sông. |