Diễn Châu - Nghệ An: Công ty TNHH Trung Toản thi công "cẩu thả" Trạm Y tế xã Diễn Nguyên
- 07:13 16-04-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thế nhưng, nhiều người dân lo lắng và phản ánh với chúng tôi, công trình thi công ẩu, người dân sẽ không dám vào khám chữa bệnh, sợ bị ảnh hưởng đến tính mạng trước khi chữa được bệnh...Vậy, thực hư là như thế nào?
Ý nghĩa lan tỏa....
Y tế xã, phường, thị trấn (gọi chung là y tế xã) là đơn vị kỹ thuật y tế đầu tiên trực tiếp chăm sóc phục vụ sức khỏe nhân dân tại cộng đồng. Vì thế, việc tăng cường năng lực nhằm phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của y tế xã, đảm bảo cho người dân có điều kiện được chăm sóc sức khỏe ban đầu với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng xã hội, tạo niềm tin cho nhân dân là điều mà Diễn Châu đang hướng tới. Thể hiện rất rõ, đó là việc xây dựng trạm y tế xã, phường...
Toàn cảnh công trình Trạm xá xã Diễn Nguyên |
Xã Diễn Nguyên là xã có kinh tế phát triển được xếp vào diện khá của huyện Diễn Châu. Xã Diễn Nguyên cách thị trấn huyện Diễn Châu khoảng 10 km về hướng Đông Nam. Trạm Y tế cũ được xây dựng từ năm 2000 với quy mô nhà cấp 4, đến nay đã xuống cấp, không đủ chức năng khám chữa bệnh cơ bản cho người dân trong xã. Mặt khác, khuôn viên xây dựng chật hẹp chưa đủ diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng và khối phụ trợ.
Với thực trạng đó, Đảng bộ và nhân dân trong xã đã có Nghị quyết về đầu tư xây dựng trạm y tế xã để đáp ứng các tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới và nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là rất tốt, hợp lòng dân cũng như là để chính sách chăm sóc sức khỏe của Đảng, Nhà nước được lan tỏa, có ý nghĩa.
Dự án công trình Trạm Y tế xã Diễn Nguyên do UBND xã Diễn Nguyên làm chủ đầu tư, gồm: Nhà khám và điều trị 2 tầng (diện tích xây dựng 321,2 m2, tổng diện tích sàn 642,4 m2; Nhà trực (diện tích xây dựng 10,37 m2, chiều cao công trình 3,2 m); Nhà xe (một tầng, diện tích xây dựng 36,48 m2, chiều cao công trình 3,2 m); San nền (diện tích 959,76 m2, đắp đất cấp III); Sân đường nội bộ, bể nước - lò đốt, cổng và hàng rào.
Dự toán kinh phí sử dụng dàn giáo thép |
Với tổng mức đầu tư là 6.363.476 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ (ngân sách tỉnh hỗ trợ khi có điều kiện, huy động, lồng ghép các nguồn vốn theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, ngân sách huyện, xã và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác).
Công trình được khởi công vào tháng 8/2018, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng sau 8 tháng kể từ ngày khởi công.
Có bị lợi dụng?
Đến thời điểm hiện tại, công trình đã cơ bản xong 2 tầng, đang đến phần lợp tôn và hoàn thành. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân nơi đây thì công trình thi công cẩu thả và có dấu hiệu “bị rút ruột".
Để có cái nhìn khách quan và chính xác, tránh ảnh hưởng đến doanh nghiệp, PV đã tìm hiểu một quá trình trong công tác thi công tại hiện trường để xác nhận phản ánh của người dân có chính xác hay không?
Theo hồ sơ thiết kế thi công, dự toán thì đơn vị thi công phải lắp dựng dàn giáo thép, gạch chỉ 6,5*10,5*22 cả đặc và 2 lỗ,...Nhưng trên thực tế, PV đã ghi nhận vào ngày 1/4/2019 tại chân công trình đã thi công xong phần gạch, nhưng hầu như chỉ dùng gạch lỗ, không có bất kỳ biện pháp an toàn nào, giàn giáo chỉ sử dụng mỗi cọc tre.
Cẩn cảnh cho thấy toàn bộ giáo tre mất an toàn và gạch sử dung là gạch lỗ |
Ông Nguyễn Văn H., (một người dân xã Diễn Nguyên) phản ánh: “ Thời gian qua, trên địa bàn xã Diễn Nguyên của chúng tôi, việc khám bệnh rất khó khăn và vất vả, bởi trạm y tế cũ cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, điều kiện trang thiết bị chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của bà con nơi đây. Khi biết tin sắp có trạm y tế mới, tất cả bà con rất vui mừng, bởi không phải lặn lội lên tuyến trên để thăm khám bệnh nữa. Thế nhưng, trong quá trình thi công có điều bất hợp lý: Trạm Y tế cũ vẫn làm việc ngay cạnh mà đơn vị thi công không có bất kỳ biện pháp an toàn nào dù người đi lại rất nhiều, nếu xảy ra điều không may mắn, trách nhiệm sẽ thuộc về ai?”.
Ngày 12/4/2019, PV “mục sở thị” tại công trình thì tiếp tục chứng kiến cảnh công nhân đang gấp rút hoàn thành những khâu cuối cùng. Nhưng, cũng như lần trước, trên hiện trường không hề có bất kỳ bóng dáng của của đơn vị tư vấn giám sát, chủ đầu tư dù trụ sở UBND xã Diễn nguyên cách đó không xa.
PV tìm hiểu qua một doanh nghiệp trên điạ bàn (xin phép được giấu tên) chia sẻ: “Công trình này là một trong những bước tiến của của xã, nhưng không hiểu tại sao nhà thầu lại thi công "ẩu" và “liều” vậy?”
Công trình hoàn thiện bên ngoài sử dụng giáo tre mất an toàn |
Căn cứ tại Nghị định 121/2013/NĐ-CP: Theo khoản b, mục 1, Điều 27, Chương 2 (phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình sẽ bị xử phạt hành vi thi công không có phương tiện che chắn, để rơi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh, để vật liệu không đúng nơi quy định; Theo khoản a, mục 3, Điều 27, Chương 2 (thi công xây dựng công trình sai thiết kế được phê duyệt bị phạt từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng khi công trình đã bị lập biên bản vi phạm hành chính và ngừng thi công xây dựng). Cũng tại khoản a, mục 1, Điều 28 phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng nếu không trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động trong công trường lao động).
Như vậy, chiểu theo quy định pháp luật, Công ty TNHH Trung Toản vi phạm trong công tác thi công xây dựng đã rõ. Đề nghị các cơ quan chức năng UBND xã Diễn Nguyên, UBND huyện Diễn Châu nhanh chóng vào cuộc và có hình thức xử lý nghiệm những sai phạm trên, tránh xảy ra hiện tượng đáng tiếc.