Người phụ nữ 35 năm mưu sinh bằng nghề chặt lá chuối
- 16:59 15-04-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Một ngày của bà Đặng Thi Tuyên (56 tuổi) ở xã Đông Phương Yên, Chương Mỹ (Hà Nội) bắt đầu từ 3h sáng. Bà thức dậy cùng chồng mang theo chiếc liềm và cây gậy dài đi cắt lá chuối bán cho các nhà hàng, siêu thị trên địa bàn.
"Tôi theo nghề này khi mới 21 tuổi. Ban đầu chỉ để kiếm sống, những năm gần đây thấy rằng dùng lá chuối để gói, bọc thực phẩm thay thế túi nylon sẽ giúp bảo vệ môi trường nên càng có động lực để làm", bà Tuyên chia sẻ.
Năm 1984, kinh tế khó khăn, bà Tuyên cùng chồng vào rừng lấy giang, nứa về xuôi bán nhưng đây là mặt hàng cồng kềnh, giá thấp nên không đủ nuôi gia đình. Một lần bà Tuyên mang lá chuối về bán thử, thấy đắt hàng và công việc phù hợp với sức khỏe nên từ đó bà gắn với nghề này.
Bà Tuyên hái lá chuối trong vườn tự trồng. Ảnh: Gia Chính |
Những năm đầu tiên, hai vợ chồng bà Tuyên đạp xe mỗi ngày hơn 100 km ngược lên các tỉnh miền núi phía Bắc, chủ yếu là vùng Kim Bôi (tỉnh Hoà Bình) để tìm cây chuối tự nhiên. Quãng đường xa lại đi đường núi nên họ phải mất hơn 8 tiếng trên đường mỗi ngày.
"Cây chuối tự nhiên nằm rải rác nên chúng tôi phải leo mấy quả núi mới có đủ lá mang về bán. Buổi trưa tôi và chồng ăn cơm nắm đã chuẩn bị từ tối hôm trước. Ăn xong tranh thủ hái ngay, mỗi ngày được khoảng 100 kg lá", bà Tuyên nhớ lại.
Mấy chục năm liền, dù trời nắng hay mưa, cứ cách một ngày vợ chồng bà Tuyên lại lên rừng một lần để kịp có lá chuối cung cấp cho các nhà hàng làm bánh. Bà kể, trước đây vào rừng rất nguy hiểm vì có nhiều ong, vắt, rắn. "Tôi học được kinh nghiệm của người dân địa phương là chỗ nào có rắn thì ở đó có cây chữa được nọc rắn. Vậy nên đi rừng hàng chục năm không biết bao nhiêu lần bị rắn cắn mà vẫn không sao", bà nói.
Đôi bàn tay dính đầy nhựa chuối của bà Tuyên. Ảnh: Gia Chính |
Một lần hái lá chuối xong, trên đường về, bà Tuyên đi qua con suối nhỏ. Lúc này, trời mưa to, lũ từ rừng đổ về cuốn trôi bà và đống lá chuối mấy trăm mét, may mắn bà biết bơi nên cố vùng vẫy bám được vào bụi tre ven bờ rồi lúc sau được người dân địa phương đến cứu.
"Lúc đó sợ lắm, tưởng chết rồi nhưng vì lũ cuốn trôi hết lá nên hôm sau lại phải lên rừng hái lại, dù trời vẫn mưa", bà Tuyên nói.
Đi rừng nhiều năm nên hai vợ chồng bà dày dạn kinh nghiệm chọn lá chuối. "Mỗi cây sẽ có 3-4 lá có thể thu hoạch, chu kỳ lá chuối mọc mới khoảng 15-20 ngày, người thợ giỏi phải làm sao lấy được lá chuối và giữ cây sống để còn hái tiếp", bà cho hay.
Chuối được trồng trên núi đá ở Hòa Bình. Ảnh: Gia Chính |
Dịp gần Tết, nhu cầu dùng lá chuối để gói bánh nhiều hơn, vợ chồng bà Tuyên lại ngược xuôi không chỉ Kim Bôi mà cả Thái Nguyên, Lạng Sơn để tìm nguồn lá chuối.
Theo bà, có nhiều loại lá khác nhau như chuối hột, chuối quê và chuối rừng. Trong đó loại đắt nhất, được nhiều người mua nhất là lá chuối quê có phấn trên mặt lá.
Đến năm 2003, bà Tuyên và chồng sắm được chiếc xe máy nên công việc bớt vất vả. Lúc này, nguồn lá chuối tự nhiên cũng dần hết nên bà cùng mấy người trong xóm mướn đất để trồng chuối xen canh, tạo nguồn lá chuối ổn định. Khi vườn chuối lớn lên, công việc của bà được mở rộng, trở thành địa chỉ uy tín cung cấp lá chuối đến nhiều cơ sở trên địa bàn Hà Nội.
"Lá chuối giá trung bình 10.000 đồng mỗi kg. Tôi mong lá chuối không chỉ sử dụng để gói bánh mà còn đưa vào các siêu thị thay thế cho túi nylon vì nó giúp bảo vệ môi trường. Cây chuối dễ sống và có thể trồng xen canh ở bất kỳ đâu, lá chuối được dùng nhiều sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho người dân ở các vùng quê" bà Tuyên nói.
Đầu tháng 4, một loạt siêu thị lớn tại TP HCM, Hà Nội chuyển sang sử dụng lá chuối gói rau củ, thực phẩm thay túi nylon. Cùng đó, các siêu thị cũng đua nhau sử dụng, phân phối các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường. Trong lá thư ngày 5/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương các siêu thị, doanh nghiệp chủ động sử dụng sản phẩm tự nhiên để gói, bọc thực phẩm thay thế túi nylon nhằm bảo vệ môi trường. |