'Nhân sâm nước' của hiếm miền Tây: Cuộc đi săn trắng đêm
- 15:18 15-04-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những ngày này, sông Hậu, sông Tiền, sông Vàm Nao,... ở miền Tây trở nên náo nhiệt lạ thường bởi đang vào cao điểm mùa săn cá bông lau. Đêm nào “trúng mánh”, mỗi người dân có thể kiếm bạc triệu từ loại cá mà dân gian gọi là “nhân sâm nước” này.
Nhiều lão ngư cho biết, mùa cá bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 5 âm lịch hằng năm. Thời điểm đó, dọc sông Tiền, sông Hậu, nhất là đoạn Phú Tân, Tân Châu, Chợ Mới (An Giang), Thanh Bình, Lai Vung (Đồng Tháp) hay cù lao Tân Lộc (Cần Thơ),... hàng chục ghe xuồng thả lưới trôi theo dòng nước để bắt cá bông lau.
Người dân miền Tây thả lưới trên sông Hậu dính cá bông lau nặng gần 5kg |
Cá bông lau là loài cá da trơn, thuộc chi cá tra. Có hình dáng gần giống cá dứa, cá ba sa nhưng dáng thon, dài, da trắng mịn, nổi bông phấn, khi gặp ánh nắng mặt trời màu sắc ánh lên như bông lau.
Bông lau có hai loại là đuôi đỏ và đuôi vàng. Loại nào cũng thơm ngon, ít mỡ, không tanh. Cá bông lau thuộc loài di trú, là đặc sản của dòng sông Mekong.
Nhiều người còn gọi cá bông lau là “nhân sâm nước” vì nó giàu chất béo (lipid) không no và có chứa omega 3 nên rất tốt cho tim mạch và sức khỏe.
Loài cá này thích sống ở sông sâu, vịnh lớn, ngã ba sông. Cá bông lau dính lưới nhiều nhất vào những đêm ngày nước rong (ngày Rằm và 30 âm lịch hàng tháng). Săn cá bông lau đã trở thành nghề mưu sinh, truyền qua nhiều thế hệ của các gia đình ở miền Tây.
Các ngư dân ngồi chờ con nước để thả lưới bắt cá bông lau |
Đa phần bà con săn bắt cá bông lau bằng cách giăng lưới. Thông thường, mỗi ghe lưới chỉ cần hai người, một người bơi và một người thả lưới. Mỗi tay lưới cá bông lau dài từ 300 đến 500 mét, dạo sâu khoảng 7 mét, tùy giăng sâu hay giăng cạn.
Bà Đoàn Phi Nga (ngụ cù lao Tân Lộc, TP. Cần Thơ - gia đình chuyên bắt cá bông lau trên sông Hậu) kể, trước đây cá nhiều vô kể. Mỗi đêm giăng lưới có thể bắt được hơn chục con, kiếm tiền triệu.
“Ngày trước cá nhiều lắm, có hôm vợ chồng tui bắt được hàng chục con, chạy đi bán không xuể. Cũng nhờ cá nhiều mà nhiều gia đình làm nghề săn cá bông lau có cuộc sống sung túc. Còn bây giờ, mỗi đêm cá dính lưới chỉ 1-2 con, có hôm không có con nào”, bà Pha nói. Các con của bà cũng lớn lên từ nguồn thu nhập săn cá bông lau.
Thường mỗi ghe lưới chỉ cần hai người, một người bơi và một người thả lưới. |
Một chú cá bông lau dính lưới |
Anh Nguyễn Văn Bảy (con rể bà Phi) cho biết, nghề nào cũng có cái đạo của nó. Nghề lưới cá bông lau cũng vậy. Những người giăng loại cá này cũng có bến đậu tài như xe ôm. Ai tài trước giăng trước cứ thế ra sông thả lưới. Những người còn lại tự nguyện ngồi chờ và tôn trọng lẫn nhau như anh em một nhà.
Sau khi trò chuyện với chúng tôi, trời chập tối, nước bắt đầu ròng thì anh Bảy nổ máy đưa chiếc xuồng tiến ra giữa dòng sông Hậu. Tiếng máy nhỏ dần, vợ anh bắt đầu thả lưới.
Khoảng 30 phút, tay lưới dài hơn 200m đã được thả xong. Đến lúc thăm lưới, vợ chồng anh Bảy mừng gỡ khi dính được con cá bông lau nặng 4,5kg. Cách xuồng anh Bảy chừng 200m, xuồng của một ngư dân khác cũng bắt được con cá bông lau chừng 5kg.
“Bây giờ cá ít nên, mỗi đêm thả lưới bắt được 2 con cỡ này là ngon”, anh Bảy nói, rồi gỡ lưới cho cá vào xuồng.
|
Những con cá bông lau như thế này có giá bạc triệu |
Tại các xã cù lao huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), người dân đã vào mùa săn cá bông lau hơn một tháng nay.
Anh Phạm Thanh Hùng (41 tuổi, ngụ xã Tân Huề, huyện Thanh Bình), nói: “Những năm trước, mùa cá bông lau cũng kiếm được vài chục triệu. Anh em 'cao tay', mỗi đêm săn được vài con là chuyện thường. Nhưng giờ thì cá ít đi rất nhiều. Tuy nhiên, kết thúc mùa cá mỗi người cũng kiếm được vài chục triệu đồng”.
Hiện cá bông lau có giá khoảng 200.000-250.000 đồng/kg nên hễ dính, gọi điện là có thương lái đến tận xuồng của ngư dân cân.
Mỗi đêm trúng mánh con cá bông lau như thế này người dân bỏ túi bạc triệu khỏe re |
Anh Nguyễn Văn Phương (43 tuổi), người chuyên thu mua cá đồng ở Đồng Tháp, cho hay, cá bông lau thuộc loại đắt hàng và được khách ưa chuộng. Ngư dân giăng lưới được cá thì thương lái đến tận xuồng thu mua, sau đó bán cho các mối quen hoặc nhà hàng.
“Mỗi đêm, tôi thu mua từ 5-10 con cá bông lau. Loài cá này được xem là đặc sản, giá cao được nhiều người ưa chuộng”, anh Phương nói.
Theo các ngư dân, hiện nay nguồn cá bông lau không còn nhiều nên số người trụ lại với nghề cũng ít dần. Phần lớn đây là những người không có đất canh tác, gia đình khó khăn. Các hộ còn lại lên bờ mưu sinh đi làm thuê, làm mướn, một số thanh niên thì đi Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai làm công nhân.