Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Quy trình hút mỡ bụng như nào, tại sao lại tử vong?

Thế giới có những ca hút liên tiếp 8-10 lít mỡ nhưng tại Việt Nam, nhiều nhất chỉ 5-6 lít. Những trường hợp tử vong chủ yếu do tiêm thuốc gây tê quá liều.

Nhiều năm trở lại đây, hút mỡ là một trong những trào lưu làm đẹp được sử dụng nhiều nhất tại các quốc gia. Tại Việt Nam, sau vụ án tại Thẩm mỹ viện Cát Tường vào năm 2013, trào lưu này lắng xuống một thời gian nhưng sau đó lại rộn ràng trở lại.

Theo quy định, hút mỡ bắt buộc phải được thực hiện tại bệnh viện, nơi có đủ các các điều kiện đạt chuẩn an toàn như phòng mổ, bác sĩ gây mê, cấp cứu, chăm sóc hậu phẫu...

Vậy hút mỡ đơn giản hay phức tạp, có nhiều biến chứng trong quá trình phẫu thuật hay không, tại sao cô gái trẻ Đ.N.A, 25 tuổi ở Phú Thọ mới gây tê tuỷ sống để hút mỡ bụng nhưng đã bị truỵ mạch, ngừng thở rồi tử vong.

Hầu hết biến chứng do tiêm thuốc tê quá liều

Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực thẩm mỹ, BS Hoàng Tuấn cho biết, hút mỡ được xem là một thủ thuật thẩm mỹ tương đối an toàn.

“Hầu hết các ca có sự cố như tại Thẩm mỹ viện Cát Tường hay một số ca khác ở phía nam đều do không gây mê mà gây tê quá liều dẫn đến ngộ độc”, BS Tuấn phân tích.

Theo BS Tuấn, một số trường hợp bị dị ứng với thuốc gây tê, dù trước đó có làm đầy đủ xét nghiệm cận lâm sàng, thử máu cũng không biết được. Trừ trường hợp bệnh nhân từng dị ứng với thuốc gây tê trước đó và được khai thác bệnh sử đầy đủ.

 Bác sĩ đưa que nhỏ vào vùng nhiều mỡ dưới da để hút sau khi tiêm chất "tan" mỡ

Do đó khi thực hiện hút mỡ, kinh nghiệm và kĩ năng của bác sĩ gây mê rất quan trọng. Nếu tiêm thuốc quá nhanh sẽ dẫn đến không xử lý kịp. Theo đó, nên đưa thuốc vào từ từ, khi bệnh nhân có biểu hiện khó chịu, cần dừng ngay, khi đó lượng thuốc vào cơ thể ít, dễ xử lý hơn.

BS Tuấn chia sẻ, bản thân đã chứng kiến nhiều trường hợp bị phản ứng rất dữ dội với một số loại thuốc, chỉ cần ngửi cũng lên cơn co giật, truỵ mạch. Mới nhất, một điều dưỡng cùng làm việc với BS Tuấn trong lúc đi tiêm thuốc kháng sinh cho bệnh nhân, không may hít phải ít thuốc kháng sinh dính trong kim tiêm dẫn đến bị dị ứng, sốc, phải cấp cứu, nằm hồi sức 4-5 ngày.

Từ kinh nghiệm của bản thân, BS Tuấn cho biết, khi hút mỡ các vùng nhỏ như nọng cằm, 2 bắp tay, bác sĩ có thể chỉ cần gây tê tại chỗ, tuy nhiên với các vùng có diện tích lớn như hút mỡ bụng, mỡ đùi cần phải gây mê.

Hút 5 lít mỡ mất 4 tiếng

Theo BS Tuấn, phương pháp hút mỡ phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay là Tumescent. Đây cũng là phương pháp thông dụng trên thế giới, độ an toàn cao.

Theo các bước, sau khi gây tê/gây mê cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa dung dịch tách mỡ vào vùng cần hút (đã được khoanh dấu) để mỡ “tan” ra. Dung dịch này thường gồm 4 chất như nước muối, thuốc tê, thuốc làm các mạch máu co lại... vừa giúp tách lọc mỡ, cầm máu, giảm đau, vừa giúp giải phóng histamin trong quá trình thực hiện.

Trên cơ thể mỗi người có 2 lớp mỡ dưới da gồm lớp mỡ sát trên và lớp mỡ sâu dưới lớp cân. Khuyến cáo chung là hút mỡ lớp sâu để tránh rủi ro tới bề mặt da, tuy nhiên BS Tuấn cho biết, để đảm bảo cả mặt thẩm mĩ và hiệu quả, cần hút cả lớp trên và lớp dưới nhưng cần tính toán để giữ lại lớp mỡ mỏng sát bề mặt da giúp da mềm mại và đảm bảo độ mát.

Khi hút mỡ, bác sĩ sẽ đưa các ống hút bằng titan được thiết kế đặc biệt, có kích thước từ 2-5mm vào sâu dưới da, một đầu gắn với máy hút.

BS Tuấn cho biết, trên thế giới đã từng thực hiện hút 8-10 lít mỡ/người/lần, tuy nhiên ca hút mỡ nhiều nhất anh thực hiện dừng ở 5 lít và hút trong vòng 4 giờ.

Sau khi hút mỡ, nếu bệnh nhân gây tê tại chỗ, chỉ cần nghỉ ngơi rồi ra viện ngay trong ngày. Nếu gây mê, thường nằm lại viện theo dõi ít nhất 1 ngày.

Ngoài ra hiện nay còn có phương pháp hút mỡ dùng siêu âm. Đây là phương pháp mới hơn, có thể kết hợp song song với phương pháp hút mỡ Tumescent.

Để thực hiện, bác sĩ sẽ nhét ống kim loại phát siêu âm vào dưới da, giúp các tế bào mỡ “vỡ” và “tan” ra rồi hút. Tuy nhiên phương pháp này có nguy cơ gây bỏng da và có thể gây hư hoại các dây thần kinh.

Hút mỡ chỉ là biện pháp cuối cùng

Hút mỡ không được chỉ định cho tất cả mọi người. Khuyến cáo chung, phương pháp này chỉ áp dụng với người có cân nặng không vượt quá cân nặng chuẩn từ 10-12kg.

Ngoài ra những người hút mỡ cũng cần có sức khoẻ tốt, da có độ đàn hồi tương đối tốt, tốt nhất ở lứa tuổi dưới 35. Người thực hiện không mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, rối loạn đông máu, nhiễm trùng, phụ nữ có thai hoặc cho con bú, dị ứng với lidocaine...

Sau hút mỡ, bệnh nhân có thể xuất hiện bầm nhẹ, sưng nhẹ nhưng sẽ hết sau vài ngày.

Nếu bác sĩ không có kinh nghiệm, hút mỡ không đều có thể khiến bề mặt da lồi lõm hoặc chảy xệ hoặc đưa que hút quá sâu có thể gây thủng các cơ quan nội tạng phía trong (hiếm gặp).

Theo các nhà chuyên môn, hút mỡ cũng có thể gây tử vong, nhưng rất hiếm với tỉ lệ khoảng 3/100.000 ca.

BS Tuấn lưu ý, chỉ những trường hợp kiểm soát cân nặng tốt, không dễ tăng hoặc xuống cân mới nên thực hiện hút mỡ.

Sau hút, nếu bệnh nhân giữ cân nặng ổn định, mỡ sẽ không tái lập trở lại do đã bị phá hủy tổ chức. Trường hợp tăng cân mất kiểm soát khoảng 5 kg trong vòng 1-2 tháng sau hút, có hút lại cũng không tối ưu do lúc này mỡ tích lại không đều, bị xơ cứng.

“Chị em chỉ nên coi hút mỡ/hút mỡ bụng là biện pháp cuối cùng để giảm mỡ. Nếu chưa tập luyện, chưa giảm cân, chưa kiểm soát ăn uống đầu vào, đầu ra tốt thì chưa nên hút mỡ”, BS Tuấn nhấn mạnh.