Tranh luận về đề xuất cấm bán rượu, bia trên Internet
- 14:29 12-04-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng 12/4, tại phiên họp thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Thuý Anh - Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội cho biết, tên dự luật Phòng chống tác hại của rượu bia hiện còn nhiều tranh cãi. Vì vậy, Uỷ ban đề xuất thêm phương án là "Luật Phòng, chống tác động có hại và kiểm soát rượu, bia vì sức khỏe con người".
Bà Nguyễn Thuý Anh, chủ nhiệm uỷ ban Các vấn đề xã hội. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội. |
Cùng với quy định cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức, dự thảo Luật cấm bán loại chất uống này trên Internet; cấm đăng ký bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.
Dự luật cũng nghiêm cấm bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi, phụ nữ mang thai, người đã có biểu hiện say; đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm mức tiêu thụ rượu, bia.
Cán bộ, công chức, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và người lao động bị cấm uống rượu, bia trước và trong giờ làm việc, khi nghỉ giữa ca, trừ trường hợp thực hiện nghi lễ đối ngoại theo quy định.
Đáp lại những ý kiến cho rằng quy định hạn chế quảng cáo rượu bia đi ngược xu thế, gây thiệt hại kinh tế, bà Thuý Anh nói, "đây là một trong những biện pháp phòng chống tác hại của rượu, bia hiệu quả và ít tốn kém nhất".
Bia, rượu dưới 15 độ cồn sẽ bị cấm quảng cáo trên truyền hình, phát thanh từ 18h đến 21h hàng ngày; trước, trong và sau chương trình dành cho trẻ em. Biển quảng cáo bia rượu phải cách xa cơ sở giáo dục, nơi vui chơi cho người dưới 18 tuổi ít nhất 500 m. Các quảng cáo trên Internet được yêu cầu phải có hệ thống ngăn ngừa người dưới 18 tuổi tiếp cận.
Nhận định về dự thảo mới nêu trên, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói, "đề xuất tăng thuế chưa thực sự phù hợp và sẽ tác động tới chính sách".
Ông Hiển cho rằng, không nên đưa ra quy định cấm bán rượu bia từ 15 độ trên internet, bởi đây chỉ là một phương thức kinh doanh. "Tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt thì sẽ kiểm soát được việc mua bán rượu, bia", ông Hiển nói.
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội. |
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện thẳng thắn bày tỏ, dự luật này có mâu thuẫn, giằng xé giữa hai nhóm lợi ích là sức khoẻ cộng đồng và kinh doanh. Bà ủng hộ quan điểm dự thảo để người dân được sống trong môi trường an toàn, không chịu ảnh hưởng tác hại của rượu bia.
Dẫn số liệu từ một hội thảo do Bộ Y tế tổ chức, Bà Hải nói, mỗi năm Việt Nam thu 50.000 tỷ đồng từ kinh doanh rượu bia, nhưng mức chi thấp nhất cho các loại bệnh do rượu bia gây ra lên tới 65.000 tỷ đồng; 36% tai nạn giao thông, 30% vụ gây rối an ninh trật tự liên quan đến rượu bia. Mỗi năm người dân chi 4 tỉ USD để mua rượu bia.
Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng dân tộc cho rằng, nếu chỉ quy định cấm quảng cáo rượu, bia trên 15 độ là "đối xử không công bằng với rượu tây, rượu trắng". Vì vậy ông đề xuất tách quy định riêng cho bia và rượu.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị không đưa vào quy định cấm bán rượu, bia trên internet vì sẽ lạc hậu trong thời đại công nghiệp 4.0.
Theo Chủ nhiệm uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, dự Luật cần bổ sung quy định kiểm soát các đồ uống có cồn nói chung. "Tôi xem chương trình bóng đá thế giới đều quảng cáo bia, rượu trên áo cầu thủ. Vậy những chương trình này có bị cấm trong thời gian từ 18h đến 21h hay không? Hoặc quy định quảng cáo rượu, bia cách xa trường học tối thiểu 500 m, nhưng nếu trường học xây dựng gần nhà máy bia thì sao", ông Định đưa ra hàng loạt băn khoăn.
Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng nêu lo lắng: "Nếu cấm uống rượu bia ở các cơ sở giáo dục nói chung thì sẽ bao gồm các trường đại học, cao đẳng. Mà trong trường đại học, các thầy cô muốn uống rượu bia lễ tốt nghiệp, lấy bằng... thì phải ra quán hay sao?".
Về quy định cấm bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề, cơ chế nào để giám sát việc thực hiện; nếu giao cho các cơ sở kinh doanh kiểm tra độ tuổi thì khó khả thi.
Đồng tình với ý kiến trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói dự Luật tác động rất lớn đến ngành sản xuất rượu, bia, vì vậy, nội dung cần đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên liên quan. "Nhiều hãng bia dùng tiền quảng cáo để tài trợ đội bóng. Bây giờ không cho quảng cáo thì các cầu thủ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, những quy định cấm trong Luật này phải phù hợp với Luật quảng cáo và thương mại", bà Ngân nói.
Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật phòng, chống tác hại của bia, rượu lần đầu tiên tại kỳ họp cuối năm 2018. Ở kỳ họp giữa năm 2019, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận và xem xét thông qua đạo luật này.