Làm rõ nghi vấn trong một số gói thầu của Agribank
- 09:30 12-04-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Xuất hiện cái tên quen thuộc
Năm 2016, Agribank Việt Nam tổ chức bán hồ sơ mời thầu gói thầu mua sắm tập trung máy photocopy năm 2016 cho ngân hàng với hình thức đấu thầu rộng rãi. Đây là gói thầu sử dụng nguồn vốn đầu tư mua sắm tài sản cố định của Agribank, giá gói thầu được phê duyệt là 13,624 tỷ đồng. Theo Kế hoạch lựa chọn nhà thầu số 4421/QĐ-NHNo-HĐMSTT ngày 27/10/2016 của Hội đồng Mua sắm tập trung, gói thầu này chỉ có một gói thầu và không chia lô.
Tuy nhiên, tại Quyết định phê duyệt Kết quả lựa chọn nhà thầu số 114/QĐ-NHNo-XDCB ngày 06/02/2017 với tổng giá trúng thầu là 12,371 tỷ đồng, gói thầu này lại được chia 2 lô và do 02 đơn vị trúng thầu.
Cụ thể, với lô 1 Liên danh TMT Công nghệ cao - Siêu Thanh trúng thầu với giá 4,998 tỷ đồng thực hiện việc cung cấp 50 máy photocopy tốc độ in 50 bản/phút trang bị cho các chi nhánh loại I, loại II của Agribank.
Còn Công ty TNHH Tân Hồng Hà trúng lô 2 với giá 7,373 tỷ đồng thực hiện cung cấp 146 máy photocopy tốc độ in 35 bản/phút trang bị cho các chi nhánh loại III của Agribank.
Như vậy, dù kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư cho việc mua sắm tập trung máy photocopy năm 2016 ghi rõ số lượng chỉ là 01 gói thầu nhưng khi triển khai Agribank đã chia gói thầu đó thành 02 lô với tính chất các lô tương tự nhau.
Được biết, Công ty TNHH Tân Hồng Hà là nhà đầu tư quá quen thuộc với Agribank bởi những năm gần đây đã liên tiếp trúng các gói thầu cung cấp máy photocopy mỗi khi Agribank tổ chức đấu thầu. Trước đó, vào các năm 2017 và 2018, gói thầu máy photocopy của Agribank đều về tay Công ty TNHH Tân Hồng Hà.
Cụ thể, theo kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu mua tập trung máy photocopy năm 2017 của Agribank thì Công ty TNHH Tân Hồng Hà đã trúng thầu gói này với giá 18,771 tỷ đồng, còn năm 2018 trúng với giá 20,272 tỷ đồng.
Chỉ định thầu không sơ tuyển quốc tế?
Trước đó, ngày 17/12/2015, truyền thông đưa tin Agribank tổ chức sự kiện ra mắt hệ thống phát hành và thanh toán thẻ chip theo chuẩn EMV với chủ đề “Công nghệ kết nối tương lai”. Có thể nói, đây là bước tiến quan trọng của Agribank trong lĩnh vực thẻ. Sang năm 2017, Agribank đã lập dự án “Bảo trì hệ thống cá thể hóa thẻ chíp theo chuẩn EMV”.
Cụ thể, cuối năm 2017 Agribank bắt đầu tổ chức đầu thầu đối với gói “cung cấp dịch vụ bảo trì hệ thống cá thể hóa thẻ chip theo chuẩn EMV”, bằng hình thức lựa chọn nhà đầu tư là chào hàng cạnh tranh không sơ tuyển trong nước, với giá gói thầu là 4,086 tỷ đồng. Vấn đề này được đăng tải trên báo đấu thầu số 247 ngày 27/12/2017.
Tuy nhiên, gói thầu này Agribank không lựa chọn được nhà đầu tư, nội dung này được cụ thể hóa bằng văn bản số 3057/QĐ-NHNo-QLĐT ngày 15/11/2017 của Agribank.
Sau lần đấu thầu không thành trên, Agribank tiếp tục tổ chức đấu thầu gói “cung cấp dịch vụ bảo trì hệ thống cá thể hóa thẻ chip theo chuẩn EMV” (đăng tải trên báo đấu thầu số 12 ngày 17/01/2018), theo hình thức lựa chọn nhà đầu tư chào hàng cạnh tranh không sơ tuyển trong nước, cũng với giá gói thầu 4,086 tỷ đồng.
Tại gói thầu này, Công ty Cổ phần Thương mại Công nghệ An Phát là đơn vị trúng thầu với giá trúng thầu là 4,056 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng là 03 năm. Nội dung này được cụ thể hóa tại văn bản số 54/QĐ-NHNo-QLĐT ngày 12/01/2018 của Agribank.
Cũng trong khoảng thời gian trên, Agribank còn tổ chức đấu thầu gói xây lắp: “cung cấp dịch vụ bảo trì hệ thống quản lý và chấp nhận thanh toán thẻ từ, thẻ chip theo chuẩn EMV” (đăng tải trên báo đấu thầu số 239 ngày 15/12/2017), lần này hình thức lựa chọn nhà đầu tư không còn là chào hàng cạnh tranh không sơ tuyển trong nước như trước nữa mà theo hình thức chỉ định thầu không sơ tuyển quốc tế, giá gói thầu là 29,34 tỷ đồng.
Với hình thức lựa chọn nhà đầu tư chỉ định không qua sơ tuyển quốc tế như trên, Liên danh BSI-Compass Plus đã trúng thầu với giá là 29,205 tỷ đồng theo văn bản số 3713/QĐ-NHNo-QLĐT ngày 06/12/2017 của Agribank.
Theo quy định tại Điều 15 Luật đấu thầu năm 2013 đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp việc tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu chỉ được thực hiện khi nhà thầu trong nước không có khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu. Vậy vì sao Agribank áp dụng hình thức chỉ định thầu không sơ tuyển đấu thầu quốc tế với gói “cung cấp dịch vụ bảo trì hệ thống quản lý và chấp nhận thanh toán thẻ từ, thẻ chip theo chuẩn EMV” để chọn liên danh BSI-Compass Plus là nhà đầu tư trúng thầu. Trong khi với gói “cung cấp dịch vụ bảo trì hệ thống cá thể hóa thẻ chip theo chuẩn EMV” thì nhà thầu trong nước - Công ty Cổ phần Thương mại Công nghệ An Phát đáp ứng được và trúng thầu?