Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đề thi giỏi văn ở Hải Phòng: Không phải thích làm thế nào thì làm

Đây không phải là lần đầu tiên các nhân vật “tai tiếng” xuất hiện trong đề thi học sinh giỏi văn ở Hải Phòng.

Khá Bảnh với đời tư bất hảo, một tội phạm đang bị cơ quan điều tra khởi tố bị can và tạm giữ hình sự nhưng lại xuất hiện trong đề thi học sinh giỏi văn lớp 11 trường THPT Kiến Thụy (TP.Hải Phòng). Đây không phải lần đầu tiên trong đề thi học sinh giỏi văn ở Hải Phòng chọn các nhân vật lệch chuẩn, với các phát ngôn gây “sốc” trên mạng internet khiến dư luận dậy sóng. 

 Đề thi học sinh giỏi Văn đưa nhân vật giang hồ mạng - Khá Bảnh

Đề thi trích dẫn đoạn tin trên một tờ báo về “Hiện tượng mạng Khá Bảnh với đời tư bất hảo vẫn được chào đón như thần tượng ở Yên Bái” và yêu cầu học sinh “trình bày suy nghĩ của mình” về hiện tượng này.
Câu hỏi 3 điểm trong đề thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng) đã nhanh chóng gây xôn xao trong dư luận với không ít ý kiến phản đối, thậm chí bày tỏ bức xúc với cách chọn ngữ liệu trong kỳ thi học sinh giỏi. Trao đổi với phóng viên VOV, ông Ngô Hồng Tân, Hiệu trưởng trường THPT Kiến Thụy quả quyết bảo vệ quan điểm của mình và còn cho rằng, đề thi là một “đột phá” của nhà trường, bám sát chỉ đạo về đổi mới dạy và học.

“Hướng đề mở, đặc biêt là bài văn nghị luận, chúng tôi khuyến khích giáo viên tìm tòi những hiện tượng mà giới trẻ, đặc biệt là học sinh đang quan tâm, là trào lưu của xã hội. Đây cũng là sự đột phá khi chúng tôi muốn lấy những nhân vật xấu, nhân vật phản diện trong xã hội. Từ hiện tượng như thế, chúng tôi muốn giáo dục học sinh rằng những trào lưu trên mạng xã hội, các em phải đủ trình độ, đủ hiểu biết để nhận biết cái gì là đúng, các gì là sai…”, ông Tân nói.
Phải nói rõ rằng, Khá Bảnh là một nhân vật tai tiếng, là tội phạm hình sự, là hiện tượng trên mạng xã hội làm lệch lạc tư tưởng, nhận thức và lối sống của “một bộ phận” giới trẻ, nên không thể coi đây “là trào lưu của xã hội, là hiện tượng mà giới trẻ, đặc biệt là học sinh đang quan tâm” như quan điểm cách chọn ngữ liệu của trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng). Phóng viên VOV đã ghi lại một số ý kiến và cảm nghĩ của chính các em học sinh trường THPT Kiến Thụy về vấn đề này.

+ Em không quan tâm đến nhân vật Khá Bảnh nhiều. Gặp đề thi này, em rất ngạc nhiên và có tìm hiểu về nhân vật Khá Bảnh.

+ Khá Bảnh đang là một hiện tượng rất xấu. Một số bạn không cập nhật tin tức, đưa vào thì sẽ khiến các bạn để ý nhiều hơn. Bản thân em thì em không muốn đưa hiện tượng này vào đề thi.

+ Một khi đề thi đưa ra như thế thì nó sẽ không khai thác nhiều về chiều sâu tích cực đâu mà khai thác về chiều sâu tiêu cực. Đã nghị luận thì phải cho một nhận thức rõ ràng.

+ Nhân vật này cũng không đáng để cho vào đề thi. Bởi vì còn có nhiều nhân vật, không phải chỉ có mình nhân vật này.

Đây không phải là lần đầu tiên các nhân vật “tai tiếng” xuất hiện trong đề thi học sinh giỏi văn ở Hải Phòng. Trước đó, nhân vật Ngọc Trinh, “bà Tưng” với các phát ngôn “sốc” cũng đã từng được đưa vào đề thi học sinh giỏi văn lớp 12 ở thành phố này.

Đề thi học sinh giỏi văn của trường THPT Kiến Thụy một lần nữa cho thấy sự dễ dãi trong lựa chọn ngữ liệu cho các đề thi văn đang ngày càng lệch chuẩn quá đà.

Theo các chuyên gia và các nhà quản lý giáo dục: Trong bối cảnh sự phát triển của Internet như hiện nay, một bộ phận giới trẻ có tâm lý a dua, đua đòi, chạy theo hiệu ứng đám đông thì vấn đề nghị luận đưa ra càng phải rõ ràng, ngữ liệu càng phải được cân nhắc, chọn lọc một cách kỹ càng, phải mang tính giáo dục nhằm mục đích phát triển năng lực, định hướng nhận thức và phẩm chất cho học sinh.

 Trường THPT Kiến Thụy (TP.Hải Phòng).

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS và THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) nêu quan điểm: “Đúng là ra đề văn phải đổi mới, theo hướng mở, tiếp cận với đời sống nhưng không có nghĩa là đời sống có gì là mang y nguyên vào như vậy. Giới trẻ hiện nay, những giá trị về đạo đức, giá trị về nhân văn chưa được định hình rõ ràng. Cách khai thác thông tin, đưa vào đề thi, đặc biệt là đề thi học sinh giỏi thì càng phải hết sức cẩn thận. Ta không thể lấy cớ là đề mở, lấy nguyên liệu từ cuộc sống mà nguyên liệu này hết sức thô thiển…”

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, người từng trực tiếp chỉ đạo Đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông cho rằng: “Đổi mới phải có định hướng, không phải nói lung tung thế nào cũng được”.

"Đưa vấn đề xã hội vào là đúng, nhưng phải chọn lựa. Vì không phải chỉ có kiến thức, mà còn có tình cảm, đạo đức, ý chí. Giáo dục nhiều lĩnh vực. Đổi mới phải có định hướng, có nguyên tắc sư phạm, chứ không phải thích làm thế nào thì làm”, ông Hiển nói.

Trước việc lựa chọn ngữ liệu “lệch chuẩn” đưa vào đề thi học sinh giỏi văn của trường THPT Kiến Thụy, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng đã yêu cầu nhà trường rút kinh nghiệm, đồng thời một lần nữa lưu ý các trường học trên địa bàn thành phố khi ra các đề thi, đặc biệt là đề thi nghị luận xã hội, hội đồng phải phản biện và thẩm định kỹ càng, không đưa những vấn đề “nhạy cảm”.

Ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng khẳng định: "Các môn nghị luận xã hội thì Sở cũng chỉ đạo khuyến khích các đơn vị ra đề mở để các em học sinh được bày tỏ quan điểm của mình, phát triển năng lực phản biện của mình. Tuy nhiên, khi ra đề mở như vậy thì ngữ liệu đưa vào đề thi cần có sự chọn lọc và định hướng giáo dục tốt hơn, tránh những hiện tượng xã hội đang “nhạy cảm”, tránh hiệu ứng đám đông, trở thành những hành động hay suy nghĩ lệch lạc...”.

Đổi mới giáo dục, trong đó đề thi môn văn theo hướng mở, tiếp cận với dòng chảy của đời sống xã hội là cần thiết nhưng dù “mở” đến đâu, khuyến khích sự sáng tạo của các em học sinh đến mức nào thì vẫn phải dựa trên nguyên tắc “chuẩn mực”, lựa chọn ngữ liệu mang tính thời sự nhưng phải có định hướng giáo dục, thẩm mỹ và nhân văn chứ không phải thích làm thế nào thì làm./.