Huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An: Nguy cơ bị cưỡng chế trái luật, các hộ dân kêu cứu
- 16:32 10-04-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thế nhưng, UBND xã lại ra quyết định “cưỡng chế”, buộc các hộ dân phải giải tỏa ki - ốt, mà không đền bù, hỗ trợ, vì cho rằng các hộ dân đã vi phạm hành lang ATGT và “bịt kín lối đi” của các hộ dân mới mua đất phía sau...
Nội dung vụ việc
Từ năm 1987 đến 1993, 32 hộ gia đình xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu được UBND xã bán đất làm quán, mỗi ki - ốt có diện tích từ 15m2 đến 50 m2, giá dao động từ 300.000 đồng - 500.000 đồng. Trong phiếu ghi rõ: “Tiền lệ phí cắt đất làm quán”. Giai đoạn này, 400.000 đồng mua được 4m đất (Dài 30m), ven Quốc lộ 1A. Tất cả các lô đất đều nằm 2 bên tuyến đường 537B, khi các khu dân cư phía sau đều có đường đi, không ảnh hưởng.
Bộ hồ sơ của UBND xã Quỳnh Lương lập “Xác nhận vi phạm hành lang an toàn giao thông của các ki ốt” bị Hạt Giao thông Quỳnh Lưu bác bỏ. |
Năm 1996, tuyến đường 537B mới được cắm mốc hành lang, tất cả các ki ốt này đều nằm trong lộ giới giao thông. Đáng lẽ chính quyền địa phương phải thông báo cho các gia đình lên để bàn bạc, đưa ra một phương án khả thi nhất, nhưng UBND xã lại lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân, nên năm 1997, UBND xã đã đề nghị các gia đình làm “đơn xin thuê đất 20 năm”.
Tuy nhiên, 8 năm sau, sự việc này bị lộ, năm 2004, UBND huyện Quỳnh Lưu đã ra Quyết định số 881: “Hủy bỏ và thu hồi 32 hợp đồng để trả lại toàn bộ mặt bằng”, quyết định này người dân cũng không được biết.
Năm 2018, khi có 2 hộ dân làm đơn khiếu nại cho rằng, năm 2015, được UBND xã bán đất phía sau các ki ốt, nhưng không có đường đi. tiếp đó UBND xã có 11 bộ hồ sơ gồm: “Biên bản xác nhận vi phạm, sơ họa công trình vi phạm, biên bản bàn giao vụ việc vi phạm” và “Thông báo khống chỉ” của Hạt giao thông Quỳnh Lưu, để ép các hộ dân giải tỏa.
Biên bản thống nhất của Hạt Giao thông Quỳnh Lưu bác bỏ bộ hồ sơ trái quy định của UBND xã Quỳnh Lương. |
Tuy nhiên, việc làm này đã bị bà Nguyễn Thị Liên, Hạt trưởng Hạt Giao thông Quỳnh Lưu bác bỏ bằng “Biên bản thống nhất”, đề ngày 31/8/2018, trong đó nêu rõ: “Các hộ gia đình đã sinh sống trước thời điểm cắm mốc hành lang 537B, hồ sơ vi phạm không phù hợp với các công trình xây dựng trước, chỉ áp dụng cho các công trình đang xây dựng. Vì vậy, Hạt Giao thông Quỳnh Lưu quyết định hủy bỏ toàn bộ hồ sơ đã lập ngày 22/8/2018, bao gồm: Biên bản xác nhận vi phạm, sơ họa công trình vi phạm, thông báo về việc vi phạm, biên bản bàn giao vụ việc nói trên. Nếu tập thể cá nhân nào tự ý dùng bộ biên bản này vào mục đích có liên quan, thì Hạt Giao thông Quỳnh Lưu không chịu trách nhiệm và tập thể cá nhân đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật” .
Cưỡng chế có trái luật?
Mặc dù đã có “Biên bản thống nhất” của Hạt Giao thông Quỳnh Lưu, nhưng UBND xã Quỳnh Lương vẫn ra hàng loạt các quyết định: “Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả”, buộc các gia đình tự tháo dỡ. Tháng 11/2018, UBND xã Quỳnh Lương đã “Dự thảo kế hoạch cưỡng chế giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông đường 537B, đoạn qua địa bàn xã Quỳnh Lương”, đồng thời gửi lên UBND huyện Quỳnh Lưu báo cáo về việc vi phạm, mà không nêu rõ nguồn gốc đất xây dựng các ki - ốt từ những năm 1987, trước lúc cắm mốc lộ giới, khiến UBND huyện chưa hiểu hết cốt lõi của vấn đề và cho rằng, các ki ốt đang vi phạm hành lang ATGT, cần cưỡng chế giải tỏa, mà không phải đền bù.
Ngày 19/11/2018, 11 hộ dân đã có “Đơn khiếu nại và kêu cứu khẩn cấp” gửi các cơ quan chức năng của huyện Quỳnh Lưu, nhưng đến nay vẫn không được hồi âm, theo luật khiếu nại, tố cáo. Gần đây nhất, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu trả lời báo chí đã tái khẳng định, sẽ tiếp tục lập kế hoạch kiên quyết cưỡng chế.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, các hộ dân có ki - ốt bày tỏ: “Dù là bán, hay cho thuê, 11 hộ dân cũng được UBND xã Quỳnh Lương giao đất làm quán và đã thu tiền từ trước thời điểm cắm mốc hành lang lộ giới 537B. Vì vậy, chúng tôi ở trên mảnh đất này là danh chính ngôn thuận, là đúng quy định pháp luật. Năm 1987, UBND xã Quỳnh Lương bán đất làm quán, không quy định thời hạn, dân ở trên đất này đã 30 năm, ngoài nộp tiền, xây dựng, còn có công tôn tạo, duy trì và bảo quản. Vì vậy, cho dù vì bất cứ lý do nào, thì cũng phải thống kê tài sản, xem xét đền bù, bồi thường hoặc hỗ trợ số tiền mua đất, tiền xây dựng, công tôn tạo duy trì và bảo quản”.
Luật sư Vũ Văn Nhất, Giám đốc công ty Luật TNHH Luật Gia Vũ |
Liên quan vấn đề này, Luật sư Vũ Văn Nhất, Giám đốc Công ty Luật TNHH Luật Gia Vũ cho biết: “Đất của các hộ dân sử dụng để làm ki - ốt, nếu được UBND xã bán từ những năm 1987 và các hộ dân đã sử dụng ổn định đến thời điểm hiện tại, trước thời điểm cắm mốc lộ giới an toàn giao thông (năm 1996), thì UBND cấp huyện phải ra thông báo thu hồi, kiểm kê tài sản trên đất, để đền bù cho các hộ dân có ki - ốt, theo quy định tại Khoản 4, Điều 43, Luật Giao thông đường bộ 2008: “Người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận mà đất đó nằm trong hành lang an toàn đường bộ thì được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và không được gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ.
Trường hợp việc sử dụng đất gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ thì chủ công trình và người sử dụng đất phải có biện pháp khắc phục, nếu không khắc phục được thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, hồ sơ vụ việc thể hiện, các hộ dân có ki ốt, có phíếu thu tiền sử dụng đất của UBND xã Quỳnh Lương từ những năm 1987 và có phê duyệt bán đất cho các hộ dân làm ki ốt từ những năm 1991, nghĩa là đất họ sử dụng được pháp luật thừa nhận, nhưng đất lại nằm trong hành lang an toàn giao thông, được trích đo từ năm 1996, thì nhà nước phải thực hiện thông báo thu hồi đất, kiểm kê tài sản trên đất, tính công tôn tạo, gìn giữ đất để có phương án đền bù thỏa đáng theo quy định của Luật Đất đai”.
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, pv đề nghị UBND huyện Quỳnh Lưu thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, khi thu hồi đất của các hộ dân.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.