Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiễn đưa Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Trung ương Đảng vào viếng vị Tư lệnh bộ đội Trường Sơn.

 Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn đại biểu Trung ương Đảng vào viếng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh: Giang Huy

Từ 7h30 sáng 10/4, lễ tang Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng diễn ra tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Những lẵng hoa được bày trước di ảnh và trên linh cữu vị Tư lệnh bộ đội Trường Sơn. Dù 7h30 lễ viếng mới bắt đầu nhưng từ sáng sớm nhiều cựu chiến binh, đồng đội đã đến nhà tang lễ để chuẩn bị tiễn đưa ông.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn đại biểu Trung ương Đảng vào viếng; trong đoàn có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

 Lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh: Giang Huy

Sau khi thắp hương tưởng nhớ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chậm rãi đi vòng quanh linh cữu, nắm tay người thân trong gia quyến vị tướng để chia sẻ nỗi đau mất mát.

Viết trong sổ tang, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vô cùng thương tiếc Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, "nhà lãnh đạo xuất sắc và có uy tín lớn".

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi sổ tang. Ảnh: Giang Huy

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành những lời trân trọng để tưởng nhớ cố Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Theo ông, là tư lệnh bộ đội Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã trực tiếp chỉ huy các lực lượng "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", hình thành tuyến đường huyết mạch, chiến lược để chi viện cho chiến trường miền Nam.

Cũng theo Thủ tướng, sau khi đất nước thống nhất, ông Đồng Sỹ Nguyên "là nhà lãnh đạo quyết liệt, trách nhiệm, sâu sát thực tiễn, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm", để lại những dấu ấn đậm nét trong nhiều lĩnh vực xây dựng, công nghiệp, giao thông vận tải và các công trình quan trọng như cầu Chương Dương, đường Hồ Chí Minh.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm hỏi gia quyến Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh: Giang Huy

Ông Kim Ngọc Quản - anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, lái xe đường Trường Sơn những năm chiến tranh, năm nay đã 75 tuổi, sức khoẻ yếu, phải nhờ con trai dìu đến viếng vị thủ trưởng năm xưa.

Một tay vịn vào con trai, một tay cầm theo bức ảnh chụp tại gia đình tướng Đồng Sỹ Nguyên cách đây 20 năm, ông tự hào khoe, "cuộc đời làm lái xe rất vinh dự được thủ trưởng gọi tôi là tuấn mã Trường Sơn".

 Ông Kim Ngọc Quản cùng con trai đến viếng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh: Viết Tuân

Đến giờ, ông Quản vẫn nhớ từng chi tiết câu chuyện xảy ra năm 1972. Khi đó, đoàn xe của ông đến Saravane (Lào) thì gặp tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. "Trong đêm, máy bay Mỹ bất chợt ném bom toàn bộ khu vực. Trong giây phút hiểm nguy ấy, tôi nhanh trí kéo tay tư lệnh xuống hầm chữ A để tránh bom. Sau này, mỗi khi nhắc lại kỷ niệm, thủ trưởng rất xúc động", ông Quản kể.

Trong ký ức của ông, tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là người gần gũi với chiến sĩ, đồng đội, "thủ trưởng luôn đi đầu, xông pha nơi hòn tên, mũi đạn cùng anh em. Tôi đến nhiều nơi rất hiểm nguy trên chiến trường, đã thấy dáng người cao gầy của thủ trưởng ở đó rồi".

Lúc 12h30, lễ viếng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên kết thúc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban lễ tang đọc điếu văn, nhấn mạnh những đóng góp to lớn của cố Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng với sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, tướng Nguyên không bao giờ ưu ái mà luôn khích lệ người thân, con cháu tự lực vươn lên, làm nhiều việc có ích cho quê hương, đất nước; người con trai thứ tư của ông là Nguyễn Tiến Quân đã hi sinh ở mặt trận biên giới phía Bắc khi đang là đại đội trưởng pháo binh.

Trong bài đáp từ, ông Nguyễn Sỹ Hưng - nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty hàng không Việt Nam, con trai trưởng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gửi lời cám ơn sâu sắc đến các vị lãnh đạo, đồng đội, người dân... đã quan tâm và chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình.

Ông nói, "khi còn công tác hay trở về đời thường, tình cảm tối thượng của cha tôi luôn dành cho Tổ quốc và nhân dân".

"Thưa ba, trong giờ phút li biệt, chúng con xin hứa với ba sẽ đoàn kết yêu thương nhau, giáo dục con cháu chắt phát huy truyền thống gia đình và quê hương. Những lời căn dặn của ba, chúng con ghi nhớ và nguyện làm theo. Mong ba yên nghỉ bên mẹ sau hơn 80 năm đi theo con đường cách mạng", ông Nguyễn Sỹ Hưng xúc động nói.

Lễ di quan bắt đầu lúc 13h, trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ, linh cữu Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được đưa ra xe giữa hai hàng quân danh dự tay bồng súng; phía sau là lãnh đạo Đảng, Nhà nước và gia quyến cùng các đồng đội. Nhiều người không kìm được nước mắt trong giờ phút tiễn biệt vị tướng của đường Trường Sơn.

Đoàn xe rời Nhà tang lễ quốc gia lúc 13h10. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên an nghỉ tại nghĩa trang Vĩnh Hằng, Ba Vì, Hà Nội.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từ trần hồi 11h42 ngày 4/4 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 96 tuổi. Ông tên thật là Nguyễn Hữu Vũ, sinh năm 1923 tại Quảng Trạch, Quảng Bình; tham gia cách mạng từ năm 1938 và một năm sau được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông là phái viên Bộ Tổng tư lệnh, tham gia nhiều chiến dịch. Giai đoạn 1954 - 1955 ông phụ trách công tác trao trả tù binh chiến tranh. Sau đó, ông giữ nhiều chức vụ như: Phó chủ nhiệm Tổng cục hậu cần; tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn (1967-1975); Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô. Năm 1974, ông được phong vượt cấp từ đại tá lên trung tướng.

Giai đoạn 1982 - 1991, ông làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Năm 1991, ông thôi giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, được cử làm đặc phái viên Chính phủ thực hiện chương trình 327 "trồng bảo vệ rừng phòng hộ"; tham gia chỉ đạo xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được tặng thưởng huân chương Sao vàng, huân chương Quân công hạng Nhất, huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.