Chú nữ Hưng Yên sinh bị đánh hội đồng: Mong đừng ai rơi vào hoàn cảnh cháu tôi!
- 10:37 09-04-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nguyễn Văn Doanh tại tọa đàm “Ngăn ngừa bạo lực học đường để trẻ em không đơn độc”. Ảnh: Mạnh Thắng. |
Chiều 8/4, từ xã Phù Ủng huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên, anh Nguyễn Văn Doanh đến tòa soạn báo Tiền Phong ở Hà Nội để dự tọa đàm trực tuyến “Ngăn ngừa bạo lực học đường để trẻ em không đơn độc”. Khách mời tọa đàm gồm lãnh đạo Trung ương Đoàn, lãnh đạo Cục Cảnh sát Hình sự, và Cục Trẻ em, quan chức Bộ Giáo dục và Đào tạo… Anh Doanh được mời với tư cách người nhà nạn nhân vụ bạo lực học đường chấn động cả nước vừa qua.
Bên lề tọa đàm, phóng viên hỏi chuyện người đàn ông 33 tuổi có gương mặt chất phác, giọng nói chân quê này.
Sức khỏe cháu anh, H.Y hiện ra sao? Cháu ra viện chưa, đi học chưa, đã yên ổn hơn chưa?
Về thể chất thì ổn hơn, cháu đang tuổi thiếu niên nên cũng dễ lấy lại sức khỏe nhưng tinh thần vẫn sợ sệt, ngủ hay mơ, hay giật mình. Cháu nói với bà nội là vẫn sợ lắm. Cháu chưa đi học lại. Gia đình định điều trị dứt điểm cho cháu, nói cháu cứ nghỉ ngơi thoải mái, muốn đi chơi đâu cho khuây khỏa sẽ cho đi, để cháu quên những chuyện buồn. Còn chuyện học đành tính sau vậy, kể cả năm nay có bị lỡ kỳ thi vào lớp 10 thì học lại cũng được.
Còn tâm trạng của anh và gia đình hiện thế nào? Khi bắt đầu đưa đơn gửi đơn đến các cơ quan chức năng, anh có niềm tin không? Trong clip do một báo đưa lên khi vụ việc mới xảy ra, thấy anh khóc hu hu nói “Tôi khổ quá, là chú mà không giúp gì được cho cháu”. Bây giờ tình thế đã khác, cả xã hội vào cuộc, chắc anh cũng thấy bớt khổ?
Bây giờ chúng tôi cảm thấy được an ủi, đỡ yếu ớt. Trước thì nghĩ mình thân cô thế cô lại không có mấy tiền thì không biết sẽ phải làm gì đây.
Lúc đầu khi mới gửi đơn đi, chúng tôi không có niềm tin lắm, cũng không hy vọng, chỉ bức xúc ngày đêm nghĩ làm thế nào giải oan cho cháu mình, cho cháu đỡ khổ.
Tôi nghĩ cả xã hội quan tâm đến trường hợp của cháu tôi vì xem video họ thấy quá độc ác tàn nhẫn khiến họ cảm động và tức thay cho cháu, họ nghĩ nếu con cháu họ mà rơi vào trường hợp này thì sẽ như thế nào và xử lý ra sao.
Bà con làng mạc cũng rất bức xúc, họ bảo loại đấy có học thêm nữa cũng chẳng để làm gì, nên cho đi trại hết! Họ bảo phải tay họ thì sẽ làm thế này thế nọ, kể cả xong việc đi tù cũng chấp nhận. Tôi chỉ là con người, cũng bức xúc những điều đáng bức xúc. Nhất là trong đám hành hạ cháu Y. có cả đứa là họ hàng. Bức bối lắm nhưng tôi cố kiềm chế...
Nguyễn Văn Doanh tại báo Tiền Phong chiều 8/4. Ảnh: Mạnh Thắng. |
Có gia đình của học sinh tham gia đánh hội đồng cháu Y. kể trên một báo là họ định đến xin lỗi nhưng gia đình anh không chấp nhận? Từ sau cuộc gặp chung ở trường hôm mới xảy ra sự việc cho đến nay, những đứa này và gia đình có gặp cháu Y. và gia đình anh không?
Có duy nhất một người là họ hàng đến thăm Y. ở bệnh viện nhưng thái độ vô tâm, chỉ hỏi vài câu chứ tuyệt không hỏi Y. chữa bệnh thế nào, viện phí bao nhiêu.
Ban đầu tôi xin cho mấy đứa khỏi bị đình chỉ học lâu, nhưng sau khi biết cháu tôi bị đánh đập tàn nhẫn như thế lại được nhà trường bao che nên quyết định gửi đơn đi thì họ tỏ ý muốn gặp để trao đổi nhưng tôi nói đã gửi đơn rồi, con cái các vị làm sai thì phải chịu, để cho các cơ quan giải quyết.
Hiện tôi nghe nói sẽ cách chức hiệu trưởng, nhưng cũng chưa biết thế nào. Cô giáo chủ nhiệm thì tạm thôi dạy lớp cháu Y. Còn mấy đứa kia, tôi được biết là vẫn đi học bình thường!
Anh kể gia cảnh Y. khó khăn khiến anh phải đỡ đần. Anh làm nghề gì, vợ con ra sao?Được biết bố anh, ông Nguyễn Văn Vang vốn là bộ đội phục viên?
Tôi có vợ và hai con, làm nghề sửa xe máy ở nhà, thu nhập bình thường như những người đi làm ở công ty nhưng có thời gian hơn, để vào nhà đỡ đần anh chị và bảo ban các cháu. Bố tôi chỉ có hai anh em tôi.
Bố tôi đi bộ đội hơn chục năm, khi ra quân sức khỏe rất yếu lại mất sạch giấy tờ. Ở quê có người đi bộ đội ở cùng tiểu đội, đại đội, tiểu đoàn với bố tôi, được hưởng chế độ nạn nhân da cam. Bố tôi cùng hoàn cảnh nhưng không được gì.
Hồi bé anh đi học có hay bị bắt nạt hoặc bắt nạt ai?
Có bị bắt nạt nhưng mình cũng biết xử sự. Còn thì không bắt nạt ai bao giờ. (cười)
Vụ việc của cháu Y. đã được vài tuần. Bây giờ anh và gia đình có nguyện vọng gì?
Vừa qua gia đình chúng tôi nhận được sự quan tâm giúp đỡ của rất nhiều người. Ngay khi đoạn video cháu tôi bị đánh đưa lên, nhiều người gọi điện nói sẽ đòi công bằng cho cháu, sẽ xử mấy đứa hung ác kia, nhưng tôi trông chờ vào pháp luật. Tôi mong vụ việc được giải quyết đúng luật, đúng người đúng tội chứ không thể nhu nhơ.
Hôm mấy anh tự nhận là “dân xã hội” về quê tặng tiền và thăm hỏi cháu Y. cũng như gia đình anh, cảm giác của mọi người thế nào?
Nói thật là vừa mừng vừa lo. Họ đến thăm hỏi động viên, trao tiền thì chúng tôi rất cảm ơn nhưng cũng sợ có ai tưởng mình nhờ “giải quyết”. Thầy hiệu trưởng cũng có ý nói như thế, tôi phải gọi điện bảo sao thầy lại nói chúng tôi thuê người đe dọa thầy?
Nói chung bây giờ chúng tôi mong chờ pháp luật xử lý nghiêm minh. Cũng phải xử lý chứ, để những người này không tái phạm. Gây ra nỗi đau cho cả đời cho người khác thì cũng phải nhớ cả đời về tội lỗi của mình. Ngoài ra cũng cần làm gương cho kẻ khác.
Anh dự tọa đàm mấy tiếng đồng hồ thấy sao, có ong hết đầu?
Không ong. Tôi rút được nhiều kinh nghiệm, như phải nói chuyện gì với con, dạy con cái gì, xử sự với con thế nào, bảo vệ nó thế nào, gia đình cần phối hợp với nhà trường và xã hội thế nào. Khi có việc xảy ra cần kể ngay cho bố. Cháu phải cho chú biết ngay để còn giúp cháu…
“Đỡ tủi thân” Nguyễn Văn Doanh cho biết anh chỉ dám xem đúng một lần, clip cháu bị đánh hội đồng và bị làm nhục, mà không dám xem lại. Anh hiện vẫn giận, bức xúc: “Cháu tôi bị đánh nhiều lần nhưng không dám kể. Cả lần này bị đánh dã man thế mà vẫn không kể thì biết là nó sợ hãi thế nào. Vừa rồi chúng tôi được cộng đồng và báo chí quan tâm chia sẻ thì cảm thấy đỡ tủi thân chứ những ngày đầu buồn bực quá không làm được việc gì”. Anh Doanh nói thêm: “Gia đình tôi không may gặp phải chuyện đau lòng. Tôi mong mọi người đều có đời sống khá giả và được yên ổn làm ăn, có điều kiện thì giúp đỡ lẫn nhau. Dù được cả nước quan tâm cả về vật chất và tinh thần nhưng tôi mong đừng ai rơi vào hoàn cảnh tội nghiệp như cháu tôi”. |