Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Lý do Triều Tiên lo ngại 'hậu quả thảm khốc' khi Hàn Quốc sở hữu F-35

Tiêm kích tàng hình F-35 có thể đe dọa toàn bộ chiến đấu cơ Triều Tiên cũng như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khi vừa rời bệ phóng.

 Một tiêm kích F-35A Hàn Quốc trên đường tới căn cứ Cheongju hôm 29/3. Ảnh: ROKAF.

Website tuyên truyền Uriminzokkiri của nhà nước Triều Tiên hôm qua bất ngờ gay gắt chỉ trích việc Hàn Quốc tiếp nhận hai chiếc đầu tiên trong lô 40 tiêm kích tàng hình F-35A theo hợp đồng trị giá 6,5 tỷ USD ký với Mỹ vào năm 2014. Bình Nhưỡng cho rằng đây là "hành động thù địch làm leo thang căng thẳng quân sự trên bán đảo", "một thách thức rõ ràng đối với các nỗ lực kiến tạo hòa bình" có thể gây ra "hậu quả thảm khốc".

Theo giới quan sát, đây là phản ứng mang hàm ý đe dọa đầu tiên của Triều Tiên sau nhiều tháng theo đuổi nỗ lực hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo. Thông điệp cứng rắn này đồng thời thể hiện nỗi lo ngại của Bình Nhưỡng trước loại tiêm kích tàng hình tối tân có thể đe dọa nghiêm trọng đến các cơ sở hạt nhân, tên lửa trọng yếu cũng như toàn bộ lực lượng không quân của họ.

Không quân Hàn Quốc đang biên chế một loạt tiêm kích thế hệ 4 hiện đại do Mỹ sản xuất, trong đó có hơn 100 chiếc KF-16C và khoảng 60 chiến đấu cơ F-15K Slam Eagle. Tiêm kích KF-16C đã được tích hợp đầy đủ tên lửa không đối không AIM-120C-5 và AIM-120C-7 thuộc dòng AMRAAM của Mỹ, giúp không quân Hàn Quốc hoàn toàn vượt trội so với các chiến đấu cơ trong biên chế Triều Tiên.

Phần lớn tiêm kích của không quân Triều Tiên là các biến thể MiG-21 và J-7 chỉ được trang bị tên lửa không đối không tầm ngắn. Trong trường hợp nổ ra xung đột, tiêm kích KF-16C của Hàn Quốc hoàn toàn có thể phóng tên lửa AMRAAM từ khoảng cách rất xa rồi thoát ly trước khi chiến đấu cơ MiG của Triều Tiên kịp khóa mục tiêu. Khi giao chiến ở khoảng cách gần hơn, tiêm kích Triều Tiên cũng không thể đọ được về uy lực tên lửa và radar so với đối thủ.

Trong khi đó, tiêm kích F-15K được chế tạo dựa trên mẫu F-15E của Mỹ và tập trung vào các nhiệm vụ tấn công mục tiêu mặt đất. Tiêm kích này được trang bị thiết bị ngắm mục tiêu Sniper có thể phát hiện và dẫn đường cho bom laser tiêu diệt các mục tiêu chiến thuật, chiến lược trên mặt đất.

 Tiêm kích KF-16C trong biên chế không quân Hàn Quốc. Ảnh: ROKAF.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Hàn Quốc vẫn muốn sở hữu F-35, khi đã có trong tay bộ đôi tiêm kích có thể áp đảo đối phương cả trên không lẫn dưới mặt đất. Theo Charlie Gao, chuyên gia về khoa học chính trị tại Đại học Grinnell, câu trả lời nằm ở năng lực chống tác chiến điện tử của F-35.

Tiêm kích F-35 được trang bị các cảm biến quang điện tử rất mạnh có thể được dùng để tấn công máy bay, tên lửa đối phương trong môi trường bị gây nhiễu nặng. Trong tập trận Red Flag 2019, các cảm biến quan học của F-35 đóng vai trò rất lớn giúp tiêm kích này chiến thắng trong môi trường tác chiến điện tử, trong khi các tiêm kích thế hệ 4 như F-16C gần như bị "mù".

Các chuyên gia dự đoán bất cứ tình huống giao tranh nào trên bán đảo Triều Tiên đều sẽ diễn ra trong môi trường tác chiến điện tử và gây nhiễu mạnh. Trong kịch bản đó, tiêm kích KF-16C và F-15K Hàn Quốc lại bất lợi trước MiG-29 Triều Tiên, vốn được trang bị các cảm biến quang điện tử chống tác chiến điện tử, dù không hiện đại như công nghệ hiện nay của Mỹ và Nga.

Trong cuộc không chiến nổ ra trên bầu trời khu vực tranh chấp Kashmir tháng trước, cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố sử dụng tác chiến điện tử để giành lợi thế trong giao chiến. Ấn Độ nói rằng đã gây nhiễu radar chiến đấu cơ Pakistan, trong khi truyền thông nước này cho rằng tiêm kích MiG của họ bị bắn rơi là do Pakistan đã gây nhiễu đường truyền liên lạc giữa phi công với sở chỉ huy.

Với việc biên chế tiêm kích tàng hình F-35 được trang bị các cảm biến và đường truyền liên lạc hiện đại, không quân Hàn Quốc có thể tránh được kịch bản tương tự nếu nổ ra xung đột với Triều Tiên. Hàn Quốc có thể bố trí F-35A bay cùng đội hình với tiêm kích thế hệ 4 để cung cấp bức tranh toàn cảnh về chiến trường và đảm bảo khả năng liên lạc, giúp nâng cao đáng kể uy lực tác chiến của toàn biên đội. Chiến thuật này cũng giúp khắc phục hạn chế của F-35 là mang theo được quá ít vũ khí trong khoang tàng hình bên trong thân.

Không chỉ đe dọa đến các tiêm kích có trong biên chế không quân Triều Tiên, sự xuất hiện của tiêm kích F-35 trong biên chế không quân Hàn Quốc còn là hiểm họa đáng kể đối với chương trình tên lửa, hạt nhân của Bình Nhưỡng, do năng lực bí mật thâm nhập không phận và tung đòn hủy diệt của loại chiến đấu cơ này.

Ba chuyên gia phòng thủ tên lửa Mỹ hồi tháng 2 xác nhận với Reuters rằng Lầu Năm Góc đã tiến hành một nghiên cứu trong 6 tháng nhằm tận dụng năng lực tàng hình của tiêm kích F-35 để qua mặt lưới phòng không Triều Tiên và dùng đạn đánh chặn bắn hạ những tên lửa tầm xa vừa rời khỏi bệ phóng của Bình Nhưỡng.

Theo phương án tác chiến được vạch ra trong nghiên cứu, một nhóm tiêm kích tàng hình F-35 sẽ liên tục "vờn" quanh các bãi phóng tên lửa của Triều Tiên để giám sát tình hình. Khi phát hiện một tên lửa tầm xa được phóng lên nhắm về phía lãnh thổ Mỹ hoặc đồng minh, F-35 sẽ sử dụng các cảm biến hiện đại của mình để bám bắt mục tiêu và phóng ra một tên lửa không đối không đặc biệt để tiêu diệt tên lửa Triều Tiên trước khi nó ra khỏi khí quyển.

Đây là giai đoạn các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa dễ bị tổn thương nhất, bởi chúng đang bay với vận tốc thấp nhất, dễ bị phát hiện bởi nguồn nhiệt từ động cơ và không có khả năng cơ động để tránh đầu đạn đánh chặn. Ngoài F-35, Mỹ còn muốn tiêu diệt tên lửa trong giai đoạn này bằng các khí tài khác như pháo laser gắn trên máy bay không người lái.

Các quan chức quân đội Mỹ cho biết F-35 là giải pháp họ muốn thử nghiệm đầu tiên trong chiến lược phòng thủ tên lửa này, bởi nó có thể sử dụng các khí tài sẵn có và sẵn sàng tác chiến sớm hơn so với các lá chắn tên lửa khác, trong khi chi phí rẻ hơn rất nhiều. "Chúng tôi cho rằng phương án này vừa tiết kiệm vừa nằm trong giới hạn về vật lý và toán học", Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Nghiên cứu và Kỹ thuật Michael Griffin nói.

Các chuyên gia chỉ ra rằng muốn đánh chặn tên lửa Triều Tiên sau khi rời bệ phóng, tiêm kích Mỹ và Hàn Quốc chỉ có khoảng 200 giây trước khi mục tiêu vươn tới độ cao nơi không khí quá loãng khiến đầu đạn đánh chặn rất khó cơ động. Trong khi đó, F-35 cần khoảng 50-60 giây để phát hiện, khóa mục tiêu và phóng đạn đánh chặn, theo Theodore Postol, chuyên gia phòng thủ tên lửa tại Viện Công nghệ Massachusetts.

 Tiêm kích F-35A hạ cánh xuống căn cứ Cheongju hôm 29/3. Ảnh: ROKAF.

Phương án này chỉ khả thi khi tiêm kích F-35 hoạt động ở rất gần bãi phóng tên lửa của Triều Tiên. "Nếu tên lửa đánh chặn đặc biệt có thể bay với vận tốc gấp 5 lần âm thanh, tiêm kích F-35 phóng nó sẽ phải hoạt động trong bán kính 80 km xung quanh bệ phóng của Triều Tiên, thậm chí là gần hơn", Laura Grego, nhà vật lý nghiên cứu về phòng thủ tên lửa tại Hiệp hội Các nhà khoa học Có quan tâm (UCS), nói.

Việc Hàn Quốc biên chế số lượng lớn F-35 sẽ tăng tính hiệu quả của chiến lược này, bởi nó có thể áp sát mục tiêu hơn rất nhiều so với các loại chiến đấu cơ không tàng hình. "Đây là một trong những lợi thế của F-35", tướng Mỹ về hưu David Deptula nói. Với lợi thế này, tiêm kích tàng hình của không quân Hàn Quốc có thể bí mật hoạt động trong không phận Triều Tiên và giám sát mọi động thái phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Việc Mỹ công bố nghiên cứu phương án sử dụng F-35 đối phó tên lửa Triều Tiên từ hồi tháng 1, ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un, cho thấy Washington vẫn chưa hết lo ngại về mối đe dọa từ tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng một cuộc xung đột nổ ra trên bán đảo Triều Tiên vẫn là kịch bản xa vời nếu các bên tiếp tục cam kết với nỗ lực ngoại giao và đối thoại để giải quyết khủng hoảng.