Triết lý giáo dục sinh bệnh hình thức, giả dối
- 14:45 06-04-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
PGS.TS Phạm Mạnh Hà |
Để khắc phục những tiêu cực trong giáo dục xuất phát từ “lỗi hệ thống”, PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Phó trưởng khoa Các khoa học giáo dục, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng cần thay đổi triết lý giáo dục: Đánh giá học sinh dựa trên cơ sở sự phát triển nhân cách thay vì chủ yếu bằng kiến thức, điểm số như hiện nay.
Thày cô lạm dụng quyền lực, học trò mất năng lực kiểm soát
Trước những vụ việc 5 nữ sinh đánh bạn cùng lớp ở Hưng Yên; cô chỉ đạo trò tát bạn ở Quảng Bình; thày hiệu trưởng lạm dụng tình dục trò ở Phú Thọ… Ông suy nghĩ gì trước hàng loạt những vụ việc gây rúng động xảy ra trong trường học gần đây?
Tiêu cực trong giáo dục thời nào cũng có. Tuy nhiên, gần đây, những vụ việc xuất hiện ngày càng nhiều khiến chính những người trong ngành như chúng tôi cũng bất bình. Bởi giáo dục phải là môi trường chuẩn mực, an toàn nhưng lại liên tiếp xuất hiện những hành vi lệch chuẩn. Bạo lực học đường không chỉ từ học trò với học trò mà còn xuất phát từ chính thày cô giáo, là điều không chấp nhận được.
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, địa phương phải chịu trách nhiệm trước những vụ việc tiêu cực đó, vì họ tuyển giáo viên, bổ nhiệm lãnh đạo, trả lương, thanh tra, kiểm tra. Theo ông, đây thuộc lỗi “cục bộ” hay hệ thống?
Theo tôi tiêu cực nối tiếp tiêu cực như vậy chắc chắn do vận hành của hệ thống.
Trước hết, liên quan đến giai đoạn dài chúng ta lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chưa tốt. Cụ thể, việc đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng giáo viên mới chỉ dựa trên những năng lực về mặt bằng cấp, năng lực đào tạo mà không chú trọng đánh giá về đạo đức, lối sống. Khi làm việc trong một môi trường đầy áp lực, người giáo viên không có chuẩn mực đạo đức, lối sống tích cực thì rất dễ lạm dụng quyền lực để thực hiện nhiệm vụ. Tức là giáo viên sẽ dùng quyền lực để bắt ép, yêu cầu học sinh phải thực hiện theo những điều họ cho là đúng.
Khi gặp phải tình huống không như ý, giáo viên không có kỹ năng và khả năng kiềm chế quyền lực và cảm xúc, dẫn đến lạm dụng vai trò làm thày để trấn áp, từ việc quát nạt, sỉ nhục cho đến đánh đập học sinh.
Tương tự như vậy, quyền lực không được kiểm soát cũng là nguy cơ nảy sinh lạm dụng, xâm hại tình dục như vụ trường nội trú ở Phú Thọ. Bởi các em học sinh vốn dĩ mang tâm lý sợ thày cô giáo, không dám phản kháng, tố cáo nên sai phạm diễn ra trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, giáo viên cũng là một trong những nghề bị stress nhiều nhất ảnh hưởng từ phụ huynh, từ trình độ, năng lực học trò. Biến đổi xã hội đang rất lớn, sự thay đổi của học trò làm cho giáo viên gặp lúng túng trước tình huống sư phạm khác nhau. Trong khi họ lại thiếu hệ thống hỗ trợ từ nhà trường khiến nhiều giáo viên bị quá tải, không kiềm chế được cảm xúc dẫn đến những hành vi bạo lực. Ngoài ra, chế độ đãi ngộ với giáo viên còn thấp, khiến họ phải tự bươn chải, sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực khác nhau như dạy thêm, chạy điểm, mua điểm trong thi cử...
Một vấn đề cốt lõi nữa là triết lý giáo dục hiện nay vẫn đánh giá nặng trình độ và tái hiện tri thức hơn là sự phát triển nhân cách. Nhà trường đánh giá cái gì, con người sẽ vận hành theo cái đó.
Bên cạnh sự lạm dụng quyền lực, cách tổ chức, vận hành giáo dục có phải vẫn nặng về mệnh lệnh một chiều mà ở đó, thày cô luôn đúng. Từ đó, các học sinh mất đi phản xạ phản kháng, lên án cái sai, khiến cho nhiều vi phạm, tiêu cực khó phát hiện, xử lý kịp thời? Thậm chí tệ hơn, các em xuất hiện tâm lý mặc nhiên chấp nhận, thỏa hiệp với sai phạm trong môi trường giáo dục?
Đúng là phương pháp giáo dục của giáo viên hiện nay chưa có nhiều thay đổi vẫn theo hướng truyền đạt một chiều. Tuy nói lấy người học làm trung tâm nhưng trên thực tế giáo viên vẫn là chủ chốt. Bởi mọi chương trình, mọi kiến thức học sinh đều được tiếp nhận từ giáo viên và tái hiện lại cho giáo viên thông qua thi cử dẫn đến tạo ra sự thụ động của học trò. Từ đó, hình thành nếp học, nếp suy nghĩ thiếu vắng tư duy phản biện, chỉ biết lắng nghe, chấp nhận, chịu đựng mà không có sự phản kháng.
Hệ thống đánh giá học sinh cũng vẫn dựa chủ yếu trên sự ngoan ngoãn, hoàn thành tốt những yêu cầu của nhà trường thay vì học sinh có được những sự thể hiện về mặt con người, thái độ theo hướng tích cực. Vì vậy, học sinh như bị nhào nặn mà không thể phát triển được năng lực và cái tôi của các em.
Cách vận hành đó sẽ dẫn đến hai trường hợp: Những học sinh có năng lực sẽ không chịu đựng được và phản kháng, mà phản kháng có thể bị kỷ luật. Khi bị kỷ luật sẽ chuyển hoá sang bạn bè hoặc những người xung quanh theo những cách khác nhau mà thường là tiêu cực. Ngược lại, những học sinh nhút nhát càng trở nên yếu đuối, thoái lui và không phát triển được bản thân. Hai tình huống này sẽ làm cho đứa trẻ mất đi năng lực kiểm soát cả về mặt cảm xúc và hành vi.
Bệnh hình thức dễ làm lây lan sự giả dối
Trường THCS Phù Ủng (Hưng Yên) - nơi xảy ra vụ 5 nữ sinh lột quần áo, đánh đập dã man bạn cùng lớp (ảnh lớn). Em Nguyễn Thị H.Y (nữ sinh bị đánh) được bà nội chăm sóc lúc điều trị ở bệnh viện (ảnh nhỏ) |
Các em học sinh vì sợ hãi mà không dám phản kháng với cái sai cũng có phần thông cảm. Nhưng trong nhiều trường hợp, chính giáo viên, thậm chí cả lãnh đạo nhà trường cũng thỏa hiệp với vi phạm. Như “vụ 231 cái tát” ở Quảng Bình, cả giáo viên chủ nhiệm lẫn hiệu trưởng đều đổ lỗi rằng do áp lực “thi đua”. Hay vụ thày giáo lạm dụng tình dục học trò, nhiều giáo viên biết chuyện nhưng đã im lặng. Nỗi sợ trách nhiệm và bệnh thành tích của nhà trường, thày cô cũng góp phần nuôi dưỡng, lây lan sự giả dối trong môi trường giáo dục?
Điều này xuất phát từ căn bệnh trầm kha của cả xã hội từ trước đến nay. Trong giáo dục được gọi là “bệnh hình thức”, tức là chỉ đánh giá, nhìn nhận con người bề ngoài chứ không phải dựa trên yếu tố bên trong. Và như vậy, từ thày đến trò, từ giáo dục gia đình đến giáo dục nhà trường và giáo dục toàn xã hội dựa vào thành tích. “Bệnh hình thức” đó làm cho con người dễ dàng trở nên tự mặc cả với mình trước đúng, sai. Trước cái sai sẽ tìm cách tạo ra một vỏ bọc hoàn hảo để người khác không đánh giá, không phê phán. Từ đó tạo ra bệnh giả dối, bệnh bao che và tự viễn hoặc lẫn nhau.
Trong nhà trường hiện nay bệnh hình thức càng thể hiện rõ nét như tỉ lệ học sinh lên lớp, học sinh khá, giỏi… chứ không phải vấn đề cốt lõi là phát triển nhân cách học sinh.
Theo ông, cần làm gì để sửa cái sai có tính chất “hệ thống” như vậy?
Vấn đề ở đây liên quan đến triết lý giáo dục của chúng ta là đánh giá đầu ra dựa trên kết quả tri thức (chủ yếu dừng ở năng lực tái hiện kiến thức từ sách vở) hơn là sự phát triển kỹ năng, thái độ, nhân cách học sinh. Ví dụ, để học sinh tốt nghiệp THCS thì hạnh kiểm không phải là yếu tố quan trọng mà chủ yếu dựa trên điểm số. Học sinh chỉ cần trả đủ khối lượng kiến thức là có thể vượt qua kỳ thi. Còn kiến thức đó có trở thành lối sống, hành vi, chuẩn mực giá trị hay không lại không phải là mục tiêu của nhà trường. Tôi cho rằng, trí tuệ quan trọng nhưng sự phát triển tính người, tính nhân văn mới chính là mục tiêu của giáo dục.
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng làm việc với trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, Hưng Yên ngày 31/3 sau vụ việc nữ sinh trường này bị nhóm bạn lột đồ, đánh dã man |
Nhân văn là một giá trị tích cực. Song thực tế vừa qua, nhiều vụ việc tiêu cực bị bao che, lấp liếm dưới vỏ bọc nhân văn. Như việc không công bố danh tính cha mẹ, học sinh mua điểm tại Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang…; hay việc cô chủ nhiệm và thày hiệu trưởng yêu cầu các em học sinh xóa clip vụ 5 nữ sinh đánh bạn ở Hưng Yên… Theo ông, làm thế nào để loại bỏ nhân văn giả dối trong giáo dục?
Theo tôi, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Công an cũng có cái lý của họ khi chưa công khai danh tính của những học sinh chạy điểm. Ở đây, có lẽ là mong muốn các bạn trẻ có thêm cơ hội thay đổi. Tuy nhiên, việc chúng ta chậm trễ hoặc cách thức công bố ở mức độ nào đó cũng sẽ dẫn đến mất niềm tin của xã hội đối với tính nghiêm minh của pháp luật. Như vậy, vô hình trung nó lại cổ vũ cho hành vi sai trái sẽ tiếp diễn sau này.
Có thể chúng ta không công bố danh tính các em học sinh, nhưng những kẻ tạo ra câu chuyện này (bố mẹ các em và những người nhận tiền để sửa điểm…) phải công bố công khai danh tính và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Theo một số công trình nghiên cứu, những đứa trẻ gây ra bạo lực có tới 40% sống trong gia đình bạo lực. Điều đó có nghĩa khi đứa trẻ được giáo dục bằng bạo lực thì sau này chúng sẽ gây ra bạo lực hoặc trở thành nạn nhân của bạo lực kế tiếp. Ngoài ra, những đứa trẻ nghiện game bạo lực sẽ có xu hướng bạo lực với người thân hoặc bạn bè xung quanh.
Cái ác mà được che giấu bởi vỏ bọc của sự lương thiện, nhân văn thì cái ác đó sẽ phát tán, lây lan nguy hiểm hơn, bởi người ta sẽ không đề phòng, khó phát hiện và khó kiểm soát.
Cảm ơn ông!
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Trước tiên thầy cô giáo phải thay đổi
Bên cạnh đó, cũng cần hạn chế “bệnh thành tích trong giáo dục” bằng việc xác định lại chuẩn giá trị đầu ra. Ở các trường công lập, bệnh này thường nặng hơn trường dân lập. Vì chúng tôi cần học trò và phải làm thật để có được lòng tin của phụ huynh. Chưa có trường đẹp nhưng phải có thày giỏi. Như ở đây, chúng tôi đưa ra phương châm giáo dục “5 tự” cho học sinh đó là phải biết tự học sáng tạo, tự chủ, tự tin, tự trọng và tự chịu trách nhiệm. Muốn làm được điều đó, giáo viên trước hết phải hiểu được học trò của mình. Phải hiểu rằng mỗi một bậc học đều có nhu cầu phát triển cả về cơ thể, sinh lý và tâm lý. Đặc biệt là vai trò của giáo viên chủ nhiệm vì đó là người quyết định phẩm chất và năng lực học tập của các em. Do đó, chúng tôi chú trọng đào tạo giáo viên chủ nhiệm làm sao đủ năng lực, phẩm chất. Và có hẳn lương riêng cho giáo viên chủ nhiệm để hoàn thành sứ mệnh của mình. Giáo viên phải hết sức tôn trọng học trò và đi theo quy luật nhân cách không chỉ được phát triển bằng việc nghe và nói mà phải thực sự bằng nỗ lực hành động của mỗi cá nhân. Tức là thày cô giáo phải nỗ lực hành động để học trò thay đổi. |