Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhân lực du lịch Nghệ An đang thiếu và yếu

Mùa du lịch năm 2019 đã khởi động. Bên cạnh nỗi lo về hệ thống cơ sở vật chất, xây dựng sản phẩm đặc trưng, kết nối tour - tuyến để mở rộng không gian, ngành du lịch thực sự đang “đau đầu” với việc giải bài toán về nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển.

 Phát triển du lịch cộng đồng ở Con Cuông. Ảnh: Thành Cường

Vẫn thiếu và yếu

Theo số liệu của Sở Du lịch, giai đoạn 2013-2018 số lượng lao động cả trực tiếp và gián tiếp trong ngành tăng bình quân 7-8%/năm. Số lao động trẻ được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng lớn (gần 50%). Trong đó, cơ sở lưu trú du lịch chiếm 65%, nhà hàng 30%, còn lại là lữ hành, vận chuyển, các điểm tham quan, cơ sở đào tạo du lịch, đơn vị hành chính sự nghiệp.

Tính đến nay, nhân lực làm việc trong ngành du lịch ở Nghệ An khoảng hơn 15.000 người. Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 cơ sở đào tạo về du lịch, trong đó có 3 trường đại học, 3 trường cao đẳng và 1 trường trung cấp. Hàng năm cung cấp hàng trăm sinh viên cho các đơn vị kinh doanh du lịch.

 Năm 2019, Cửa Lò phấn đấu đón và và phục vụ 3,15 triệu lượt khách du lịch. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, tại các cuộc họp bàn về giải pháp phát triển ngành du lịch, nhiều người có chung ý kiến đánh giá nguồn nhân lực du lịch Nghệ An hiện không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng. Tỷ lệ được đào tạo chuyên sâu còn thấp, doanh nghiệp du lịch khi nhận sinh viên mới tốt nghiệp phần lớn phải dành thời gian đào tạo, bồi dưỡng mới đáp ứng được yêu cầu.

Thiếu đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành khách sạn nhỏ và vừa, quản lý lữ hành, hướng dẫn viên, thuyết minh viên chuyên nghiệp và lao động giỏi ngoại ngữ, có nghiệp vụ giỏi, tay nghề cao về kinh doanh khách sạn, nhà hàng, kinh doanh khu, điểm du lịch. Số lượng cán bộ, công nhân viên được đào tạo và cấp chứng chỉ còn hạn chế, chủ yếu là tại các khách sạn 3-4 sao.

 Các điểm du lịch cộng đồng đã có sự chuẩn bị cho mùa du lịch và sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách về trải nghiệm. Ảnh: Bá Hậu

Nguyên nhân được xác định là chương trình đào tạo về du lịch chưa đi sâu vào kỹ năng nghiệp vụ, còn nặng về lý thuyết; thời gian thực tập tại các doanh nghiệp du lịch của sinh viên còn ít; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp...

Sắp sửa khai trương mùa du lịch biển, cùng với việc xúc tiến quảng bá, chỉnh trang đô thị, thu hút đầu tư và vệ sinh môi trường, tăng cường an toàn vệ sinh thực phẩm, thị xã Cửa Lò cũng đang gấp rút chuẩn bị về nguồn nhân lực.

 Đảo chè Thanh Chương thu hút du khách trong và ngoài địa phương, khách du lịch quốc tế. Ảnh: tư liệu

Theo ông Võ Văn Thọ - Trưởng phòng Văn hóa thị xã, Cửa Lò cho biết: Hiện tại, hầu hết các cơ sở lưu trú và kinh doanh dịch vụ đang tuyển nhân viên, các trường đào tạo chuyên ngành du lịch trên địa bàn không đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng. Vì thế, lâu nay vẫn thường phải tuyển cả những người chưa qua đào tạo, chúng tôi đang lên kế hoạch tập huấn cho đội ngũ nhân viên này để nâng cao hiệu quả phục vụ”.

Điều khó khăn nhất hiện nay chính là vấn đề nguồn nhân lực phục vụ tại các khách sạn, nhà hàng, từ vị trí quản trị, lễ tân đến chế biến món ăn. Điều này do nhiều nguyên do, cơ bản nhất là du lịch Cửa Lò còn mang tính “mùa vụ”, mùa cao điểm chỉ có 4 tháng/năm, những tháng còn lại khá vắng khách dẫn đến nhu cầu về nguồn nhân lực không ổn định.

Ông Võ Văn Thọ - Trưởng phòng Văn hóa thị xã, Cửa Lò

Cùng với Cửa Lò, Nam Đàn là địa bàn trọng điểm về phát triển du lịch, trong đó Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên và Khu di tích quốc gia đặc biệt về chí sỹ Phan Bội Châu chính là “điểm nhấn”. Nguồn nhân lực của ngành du lịch ở Nam Đàn được đầu tư khá toàn diện cả về số lượng và chất lượng, riêng hai khu di tích kể trên có tổng số 100 người được đào tạo bài bản, chưa kể gần 1.000 người làm việc tại các cơ sở ăn uống và lưu trú.

Ngày thường, chừng ấy người có thể đáp ứng được nhu cầu du khách nhưng vào ngày lễ và ngày cuối tuần lượng khách tăng đột biến thì rất khó. Câu trích dẫn

Ông Nguyễn Thiện Dũng - Trưởng phòng Văn hóa huyện Nam Đàn

Tại miền Tây Nghệ An, Con Cuông là một trong những địa phương được đánh giá có những bước tiến trong phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và cộng đồng.

Hiện vẫn chưa có bộ phân chuyên đảm trách công tác du lịch, việc tiếp đón, hướng dẫn khách vẫn do cán bộ và kiểm lâm viên kiêm nhiệm.

Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát

Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát cho biết: Lượng khách nước ngoài ngày một đông, trong khi các nhân viên cũng như bà con ở các điểm du lịch cộng đồng rất ít người biết ngoại ngữ nên không tránh khỏi những bất cập.

Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo

 Đền thờ Hoàng đế Quang Trung (TP Vinh, Nghệ An) là điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh, nhất là vào dịp đầu Xuân năm mới. Ảnh tư liệu

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, để khắc phục tình trạng thiếu và yếu về nguồn nhân lực, việc trước mắt là đầu tư kinh phí để tập huấn nâng cao tay nghề, trình độ cho nguồn nhân lực.

Cụ thể là đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch; quản lý khách sạn, nhà hàng và công ty lữ hành. Đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, ngoại ngữ cho hướng dẫn viên, thuyết minh viên, kỹ thuật chế biến món ăn… đáp ứng tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch quốc gia và thông lệ quốc tế. Thường xuyên tổ chức các hoạt động thi tay nghề, thi thợ giỏi để tôn vinh cá nhân có trình độ chuyên môn và tay nghề giỏi.

Về lâu dài, phải đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực du lịch của tỉnh, gắn các cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, khuyến khích đào tạo theo địa chỉ và đơn đặt hàng. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ lao động được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đạt từ 65 - 70%”,

Ông Nguyễn Mạnh Cường - GIám đốc Sở Du lịch

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo quan tâm hơn nữa đến việc đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận với khu vực và thế giới. Gắn kết giữa đào tạo lý thuyết và kỹ năng thực hành cũng như kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng xử lý công việc chuyên môn.

Tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế về đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, mời chuyên gia có kinh nghiệm đang làm việc tại các doanh nghiệp du lịch tham gia giảng dạy một số nội dung nhằm giúp sinh viên nắm bắt kiến thức thực tế...

Mới đây, tại buổi làm việc với Sở Du lịch, khi bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý đã có ý kiến chỉ đạo: “Sở Du lịch cần nghiên cứu, tham mưu và đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các trường chuyên nghiệp trên địa bàn mở thêm mã ngành đào tạo về Du lịch (từ trung cấp trở lên), đảm bảo tính chuyên nghiệp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn”.