"Sao cứ bắt giáo viên chúng tôi phải như thánh?"
- 15:26 05-04-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Để xảy ra bạo lực học đường, nhiều người ngay lập tức đòi hỏi trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm. Cô Nguyễn Phương Diệp (Trường THPT Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân, Hà Nội) nói rằng để làm được là không dễ.
“Giáo viên muốn phát hiện và xử lý vấn đề của học sinh mất nhiều thời gian và tâm trí; chưa nói tới ngăn chặn khi sự việc chưa xảy ra. Có bao nhiêu bố mẹ biết con cái đang nghĩ gì, làm gì mà lại muốn thầy cô như thần thánh nắm bắt ngay mọi tâm tư cảm xúc của học sinh?"
Chưa kể, để đưa ra những quyết định xử phạt học trò cũng không phải là chuyện dễ dàng, thậm chí phải đấu tranh nội tâm gay gắt.
Cô Diệp đã từng ngồi vào hội đồng kỷ luật ngay trước ngày thi THPT quốc gia để xử lý trường hợp một học sinh lớp 12 - lúc ấy dù đã kết thúc năm học chờ thi - nhưng lại đánh nhau bên ngoài trường.
“Để ra cái án hạ hạnh kiểm, nghĩa là em sẽ không đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp, phải chờ sang năm sau thi, hội đồng kỷ luật cũng phải suy nghĩ, đấu tranh gay gắt lắm. Ranh giới giữa bao che với khắt khe khô cứng quá đôi khi rất mong manh. Trong khi đó, những đứa trẻ còn cả cuộc sống còn rất dài phía trước. Không phải lúc nào cũng là thầy cô muốn che giấu cho mình đâu”, cô Diệp tâm sự.
Cô Nguyễn Phương Diệp (giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo- Thanh Xuân, Hà Nội) trong một giờ lên lớp. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Cô Diệp cũng thừa nhận thực trạng giáo viên ít quan tâm và sát sao tới học sinh.
Theo cô, có rất nhiều lý do để dẫn tới hiện tượng này.
Giáo viên thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu sự nhiệt tình, giáo viên thiếu cả chuyên môn nghiệp vụ.
Thực tế là giáo viên được đào tạo để dạy kiến thức cụ thể của môn học nào đó. Còn làm giáo viên chủ nhiệm là quá trình tự học, đòi hỏi rất nhiều kiến thức liên môn, liên ngành và cả sự hiểu biết rất sâu về tâm lý học.
Chưa kể, để quan tâm được học sinh, còn cần sự nhạy cảm đặc biệt của người làm giáo dục mà điều này thì không phải ai cũng có.
Một nguyên nhân, theo cô Diệp cũng cần phải kể đến là lương giáo viên thấp.
“Để duy trì cuộc sống, giáo viên phải dạy thêm. Mà đã dạy thêm thì sẽ bị chia nhỏ thời gian và khó toàn tâm toàn ý, dốc sức dốc lòng cho những gì ngoài giờ dạy. Công việc của giáo viên có đặc thù là thời gian lên lớp không phải quá nhiều. Nhưng để quan tâm tới học sinh, không chỉ dạy kiến thức mà còn uốn nắn suy nghĩ hành vi thì cần rất nhiều thời gian ngoài giờ lên lớp. Khi phải làm thêm để mưu sinh thì chính thời gian cuộc sống của họ bị thu hẹp, tâm trí không thể tập trung và năng lượng đương nhiên bị hao hụt”, cô Diệp phân tích.
Làm học sinh hạnh phúc: Điều thiếu vắng ở các trường công lập? |
Theo cô, đừng chỉ yêu cầu các thầy cô làm phép thắng lợi tinh thần vượt qua khó khăn mà chuyên tâm. Ai cũng muốn nỗ lực, nhưng đừng phủ nhận những yêu cầu vật chất chính đáng đủ để yên tâm làm nghề.
Dẫu vậy, cô Diệp vẫn nhắc lại rằng lương thấp không phải lý do để giáo viên cho phép mình vô trách nhiệm.
Theo cô, xã hội "cũng đang tước đi của giáo viên" những quyền cần thiết để duy trì trật tự, tước đi cảm giác an toàn để nhiệt tình hết tâm sức với học sinh.
“Sẽ làm gì khi bất kỳ sự việc gì xảy ra bạn cũng trở thành tâm điểm của những cuộc "lên đồng tập thể" của xã hội. Sẽ làm gì khi mọi lời nói của bạn đều có thể bị ghi âm, ghi hình và thành vũ khí tấn công mình. Vậy liệu có còn dám phạt học sinh khi các em láo, hư? Thiếu sự tôn trọng và thiện chí khiến các bên đang phải đề phòng nhau, thay vì hợp tác cùng nhau để giáo dục trẻ”, cô Diệp buồn bã.
Không né tránh trách nhiệm của ngành giáo dục, nhưng cô Diệp vẫn thẳng thắn:
"Đừng quên mỗi chúng ta đang góp phần không nhỏ làm hỏng đi đạo đức xã hội. Chúng ta sẽ chê những đứa trẻ cứng nhắc, không biết cách linh hoạt lách luật để thuận lợi. Chúng ta nói với nhau về những tấm gương kiếm tiền bằng mọi cách. Chúng ta định giá người xung quanh bằng khả năng kiếm tiền của họ. Chúng ta không dám đấu tranh với những điều sai trái. Thậm chí, không dám nói lên chính suy nghĩ của mình. Một xã hội với nhiều thành viên có những phẩm chất như thế thì có giá trị cốt lõi nào được xây dựng để giới trẻ có định hướng mà noi theo”.