Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Kế hoạch 9.000 tỷ, mẹ con đại gia Nguyễn Thị Nga vào thương vụ lớn

Gia đình nữ đại gia bất động sản Nguyễn Thị Nga, chủ tịch Tập đoàn BRG tiếp tục ghi dấu ấn tại Ngân hàng SeABank với một loạt các kế hoạch lớn trong năm 2019.

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 liên quan đến hoạt động tổng kết năm 2018, định hướng phát triển năm 2019, kế hoạch thay đổi trụ sở chính, tăng vốn điều lệ, niêm yết cổ phiếu...

Theo đó, SeABank sẽ tăng vốn hơn 9.000 tỷ đồng, chuyển trụ sở chính và niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE), thay vì Upcom như kế hoạch trước đó. SeABank sẽ phát hành thêm hơn 133 triệu cổ phiếu mới (tương ứng với tỷ lệ thực hiện 17,31%) để tăng vốn lên 9.019 tỷ đồng.

Trong năm 2019, SeABank đặt kế hoạch huy động vốn tăng trưởng 19%; dư nợ cho vay tăng 20,5% lên 99,6 ngàn tỷ đồng; tổng tài sản tăng thêm 15% lên 156 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế của riêng ngân hàng đạt 818 tỷ đồng; nợ xấu dưới 3%.

Trong năm 2018, SeABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 622 tỷ đồng, tăng 163% so với năm 2017. Tổng dự nợ cho vay khách hàng đạt 83,9 ngàn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu duy trì là 1,57%.

Như vậy, tại ĐHĐCĐ năm nay, SeABank sẽ đưa ra bàn thảo và có thể sẽ thống nhất những vấn đề rất quan trọng trong quá trình phát triển của ngân hàng này. Với việc tăng vốn khá nhanh và đưa cổ phiếu lên sàn HOSE, SeABank sẽ cải thiện được vấn đề minh bạch và quy mô ngân hàng.

Trong năm 2018 vừa qua, SeABank cũng đã có rất nhiều thay đổi nhưng chủ yếu về nhân sự. Hồi đầu 2018, bà Nguyễn Thị Nga đã rời ghế chủ tịch SeABank sau 11 năm, thay vào đó là ông Lê Văn Tần. Bà Nga lui về giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực HĐQT của SeABank kể từ ngày 12/04. 

 Bà Nguyễn Thị Nga.

Bà Nga rời bỏ vị trí cao nhất tại SeABank để giữ ghế quyền lực nhất tại BRG. Ngoài SeABank, bà Nga còn tham gia Ban quản trị/Ban điều hành tại hàng loạt doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" BRG Group như Tập đoàn BRG, Công ty Intimex Việt Nam, Công ty TNHH Khách sạn Nhà hát, Khách sạn Thắng Lợi, CTCP Du lịch dịch vụ Hà Nội.

Thay vào đó, con gái bà Nguyễn Thị Nga là Lê Thu Thủy (1983) đã ngồi vào ghế Tổng giám đốc SeABank, kiêm phó chủ tịch HĐQT.

Cuối 2018, chồng bà Nga cũng đã tung một khoản tiền lớn để mua gần 16,7 triệu quyền mua cổ phiếu SeABank phát hành tăng vốn. Cụ thể, ông Lê Hữu Báu là chồng bà Nguyễn Thị Nga (phó chủ tịch SeABank) và bố của bà Lê Thu Thủy (TGĐ SeABank) đã mua số quyền nói trên từ Công ty TNHH MTV Đầu tư Phú Mỹ.

Công ty TNHH MTV Đầu tư Phú Mỹ là doanh nghiệp do bà Nguyễn Thị Nga là chủ sở hữu và là chủ tịch HĐTV. 

 Chồng bà Nga mua vào.

Trong vài năm gần đây, SeABank không nổi bật trong lĩnh vực ngân hàng tuy nhiên bà Nguyễn Thị Nga nổi bật ở các lĩnh vực khác trong đó có bất động sản, bất động sản nghỉ dưỡng, sân gôn và gần đây là thương mại và ô tô.

Tập đoàn BRG của bà Nguyễn Thị liên tiếp thâu tóm các doanh nghiệp trong và ngoài sàn chứng khoán và một kế hoạch cả chục tỷ USD hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài.

Gần đây tập đoàn của bà Nga chi hàng ngàn tỷ để thâu tóm một loạt các doanh nghiệp lớn như Hapro quản lý và sử dụng 183 cơ sở nhà đất.

Doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Nga cũng đang có kế hoạch triển khai một loạt các dự án lớn. Theo tờ Nikkei Asian Review, Tập đoàn Sumitomo cùng với một số ông lớn khác như Mitsubishi, Toyota của Nhật sẽ cùng với Tập đoàn BRG của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga sẽ xây dựng một thành phố thông minh tại phía Bắc Hà Nội với tổng giá trị lên tới hơn 37 tỷ USD ngay trong năm nay.

Theo Nikkei, ngay trong tháng 8 này sẽ khởi công xây dựng và sẽ hoàn thành vào năm 2023 với sự tham gia của tổng cộng hơn 20 doanh nghiệp. Dự án có tổng diện tích hơn 2.000ha, trải dài hơn 11km.

 Dự án lớn.


Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều cổ phiếu tăng trở lại vào cuối phiên giao dịch, trong đó có những mà lớn như Vinamilk… Cổ phiếu ROS của ông Trịnh Văn Quyết cũng tăng mạnh với giao dịch rất lớn 12,8 triệu cổ phiếu. Cổ ph iếu HVG của thuỷ sản Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh tăng trần.

Theo Chứng khoán Bảo Việt, dư địa hồi phục của thị trường có thể sẽ còn tiếp diễn nhưng khả năng tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này là tương đối khó khăn. Do đó, đối với các nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao cần tận dụng các nhịp hồi của thị trường để bán giảm tỷ trọng danh mục về mức an toàn.

Còn theo Rồng Việt, dòng tiền thiếu sự lan tỏa khi số cổ phiếu giảm nhiều hơn số cổ phiếu tăng. Để đà tăng điểm bền vững hơn, cần có sự cải thiện về thanh khoản và sức lan tỏa của dòng tiền trong những phiên giao dịch sắp tới.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/4, VN-Index tăng 7,77 điểm lên 988,53 điểm; HNX-Index tăng 0,29 điểm lên 107,72 điểm. Upcom-Index giảm 0,23 điểm xuống 57,27 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 220 triệu đơn vị, trị giá 4,8 ngàn tỷ đồng.

Mở cửa phiên giao dịch sáng 2/4, Vn-Index tiếp đà tăng điểm nhưng thanh khoản thị trường vẫn ở mức khá thấp. Các cổ phiếu dòng dầu khí diễn biến tích cực. Trong các cổ phiếu trụ cột, nhóm cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, nhóm bán lẻ, ngân hàng và bảo hiểm cũng tăng khá.

Tính tới thời điểm 10h, Vn-Index tăng 3,94 điểm (0,4%) lên 992,47 điểm; Hnx-Index tăng 0,26% lên 108,01 điểm và Upcom-Index tăng 0,06% lên 57,29 điểm.