Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Lợn không được ăn rau chuối, bèo tây: Chính phủ yêu cầu bãi bỏ

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu Bộ NN-PTNT bỏ quy định lợn không được ăn rau chuối, thỏ không được ăn cà rốt.

Tại buổi làm việc với các bộ, cơ quan ngang bộ về các quy định gây khó khăn, vướng mắc đối với sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, ông Mai Tiến Dũng cho rằng, thời gian qua các bộ đã nỗ lực cải cách, nhưng yêu cầu của Thủ tướng, của doanh nghiệp là cải cách tốt hơn, thực chất hơn, tránh việc cắt điều kiện này thì mọc quy chuẩn, tiêu chuẩn khác, phải cắt bỏ những gì không cần thiết.

Ông đề nghị Bộ NN-PTNT có ý kiến về Thông tư 02 về thức ăn chăn nuôi gây xôn xao dư luận thời gian qua như quy định: lợn không được ăn cây chuối, bèo tây, thỏ không được ăn cà rốt…

Về quy định này, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho biết, quy định chỉ áp dụng với sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại, còn các hộ chăn nuôi truyền thống, sản xuất thức ăn tự cung tự cấp thì không phải áp dụng.

 Chính phủ yêu cầu bãi bỏ quy định “lợn không được ăn rau chuối, bèo tây”

Người đứng đầu Cục chăn nuôi cũng cho rằng, Thông tư 02 đang tạo cơ chế tốt cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông cũng cho biết sẽ sửa đổi theo hướng điều chỉnh phạm vi áp dụng cho phù hợp hơn theo cách hiểu như trên.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, vấn đề ở đây là do cách tiếp cận, quy định “chọn cho” tức là người dân chỉ được làm những gì luật cho phép thì sẽ dẫn tới bỏ sót.

Cần quy định “chọn bỏ”, tức là người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”, ông Dũng đề nghị Bộ sửa Thông tư 02 theo hướng này.

Trước đó, Bộ NN-PTNT đã ký ban hành Thông tư danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu được phép lưu hành tại Việt Nam. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 11/2/2019 và sẽ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Đáng chú ý, danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành tại Việt Nam gồm 18 loại gồm: ngô, thóc, lúa mì, gluten, đậu tương, khô dầu, sắn, hạt các loại, thức ăn thô (cỏ khô, cỏ tươi các loại, rơm, vỏ trấu các loại), phụ phẩm của ngành sản xuất cồn ethylic từ hạt cốc, mía, củ các loại (khoai tây, khoai lang, khoai môn, khoai sọ), các loại bã, thức ăn có nguồn gốc từ thuỷ sản, thức ăn có nguồn gốc từ động vật trên cạn, sữa và sản phẩm từ sữa, dầu cá, dầu - mỡ.

Dư luận xã hội xôn xao bởi nhiều người hiểu rằng với những loại thức ăn chăn nuôi nằm ngoài danh mục trên sẽ bị cấm sử lưu hành tại Việt Nam. Điều này đồng nghĩ với việc, một số sản phẩm thức ăn chăn nuôi thông dụng, vốn được sử dụng phổ biến ở các vùng quê bao đời nay để tiết kiệm chi phí như: bèo tây, thân cây chuối, các loại rau (rau muống, rau lang, su hào, cà rốt),... thì nay sẽ không được phép lưu hành.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Thông tư 26 ra đời từ năm 2012, đến 11/2/2019 đã hết hạn nên Bộ NN-PTNT ban hành Thông tư 02 để tránh gián đoạn, tránh việc doanh nghiệp người sản xuất, kinh doanh bị hẫng về pháp lý. Bởi, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi phải có Thông tư này họ mới có thể sản xuất kinh doanh lưu hành các sản phẩm thức ăn chăn nuôi có những nguyên liệu trong danh mục.

Còn các đối tượng là các hộ sản xuất nhỏ lẻ không bị ảnh hưởng gì vì họ vẫn sử dụng các sản phẩm thức ăn như thường lệ. Đặc biệt, họ không bị quản lý giám sát.