Khổ như đàn ông Nhật: Lo ế vợ và bị... bạo hành
- 13:54 29-03-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Báo The Asahi Shimbun hôm 28-3 dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA) cho biết số vụ bạo hành gia đình tại nước này đã tăng năm thứ 15 liên tiếp tính đến năm 2018, đạt mức kỷ lục 77.482 trường hợp, nghĩa là tăng 5.027 vụ (6,9%) so với năm trước đó.
Đây là mức cao nhất kể từ năm 2001 khi luật phòng chống bạo hành giữa các cặp vợ chồng có hiệu lực và nhà chức trách Nhật Bản bắt đầu lưu lại hồ sơ các trường hợp bạo hành gia đình.
Đáng chú ý, theo NPA, số lượng nạn nhân là nam giới bị bạo hành ngày càng nhiều hơn. Vào năm ngoái, có 15.964 trường hợp đàn ông bị bạo hành, tăng 2,6 lần so với báo cáo năm 2013. Tuy nhiên, nạn nhân là nữ giới vẫn chiếm tới 79,4% trong tất cả trường hợp.
Ngày càng nhiều đàn ông Nhật bị bạo hành. Ảnh: Spin Japan |
Hầu hết nạn nhân bị bạo hành đều trong độ tuổi 30 (chiếm 28,2%), tiếp theo là những người trong độ tuổi 40 (24,1%) và những người ở độ tuổi 20 (23,4%). Hầu hết thủ phạm (76,1%) là vợ/chồng hiện tại/cũ của nạn nhân.
Số liệu của NPA cũng cho thấy cảnh sát đã ban hành 51.172 cảnh báo hướng dẫn về bạo hành gia đình cùng 72.040 hướng dẫn tự bảo vệ bản thân dành cho các nạn nhân. Ngoài ra, 9.088 trường hợp bạo hành bị liệt vào danh sách điều tra hình sự.
NPA cho biết khoảng 5.233 trường hợp nạn nhân bị tấn công, 2.958 trường hợp nạn nhân bị thương tích và 252 trường hợp thủ phạm sử dụng vũ khí có khả năng gây chết người. Thêm vào đó, có 109 vụ thủ phạm định sát hại nạn nhân và hai vụ giết người (ở tỉnh Aomori và tỉnh Hyogo) trong năm 2018.
Một khía cạnh khác, đó là số vụ rình rập phụ nữ ở Nhật Bản đã giảm xuống 21.556 vụ (tương đương 6,6%) so với năm 2017. Hầu hết nạn nhân đều trong độ tuổi 20. Ngược lại, số vụ rình rập đàn ông ở Nhật Bản lại tăng lên.
Đàn ông Nhật trước đó thường được nhắc đến với nguy cơ ế vợ, một phần vì họ không muốn lập gia đình, phần khác lo tập trung vào kinh tế. Ở một số ngôi làng, những cô gái trẻ thường đi xa để tìm việc và tìm chồng, khiến nam giới ở lại ngày càng khó tìm người "nâng khăn sửa túi".