Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Công việc thầm lặng sau những chiến công khám phá vụ án chấn động dư luận

Khi được chọn viết về anh - một cán bộ công an thuộc Phòng Kỹ thuật Hình sự, CATP Hà Nội, tôi đã khá lo lắng. Bởi một lĩnh vực có vẻ khô khan như vậy, liệu có đủ chi tiết để viết nên một bài báo thu hút độc giả hay không? Chỉ tới khi gặp anh, trò chuyện về nghề nghiệp, về những vụ án mà anh từng tham gia, tôi mới ngỡ ngàng: Hóa ra lĩnh vực đó thú vị đến như vậy!

 Công việc giám định của Thượng úy Hoàng Kiên Quyết và các đồng đội rất cần kinh nghiệm và cả sự nhạy cảm

Trách nhiệm của những giám định viên hình sự

Tôi gặp Thượng úy Hoàng Kiên Quyết (SN 1990, cán bộ Đội Giám định Tài liệu, Phòng Kỹ thuật Hình sự, CATP Hà Nội) vào một buổi tối muộn, khi trong phòng chỉ còn mình anh đang làm việc.

Thượng úy Hoàng Kiên Quyết chia sẻ, công việc của đội anh là giám định chữ viết, văn bản - tài liệu truyền thống, dữ liệu số, hình dấu, tiền… Với sự phát triển của khoa học công nghệ, những kẻ lừa đảo ngày càng có thủ đoạn tinh vi hơn, do vậy, công việc giám định để làm rõ thật - giả, đúng - sai của những cán bộ kỹ thuật hình sự càng trở nên quan trọng, cần thiết hơn bao giờ hết.

Khi một vụ án xảy ra, các điều tra viên sẽ dựa vào những dấu vết, chứng cứ dù là nhỏ nhất còn sót lại hiện trường, để tìm ra manh mối. Trong các dấu vết đó, những văn bản, tài liệu là một nguồn hữu ích không thể bỏ qua. Đó là lúc những cán bộ công an giám định tài liệu vào cuộc.

Khác với dạng giám định tài liệu số, dùng các công cụ phân tích để thấy rõ đúng - sai, việc giám định chữ viết, tài liệu truyền thống đòi hỏi cán bộ thực hiện phải có kinh nghiệm và nhiều khi phải dùng tới trực quan, sự nhạy cảm để tìm ra kết quả.

“Giám định viên phải ký vào kết quả giám định của mình và kết quả đó là cơ sở quan trọng để các điều tra viên xác định thủ phạm. Do vậy, trách nhiệm của những giám định viên hình sự là rất lớn”, Thượng úy Hoàng Kiên Quyết bày tỏ.

Người đứng sau những vụ án chấn động dư luận

Vai trò thầm lặng của những giám định viên kỹ thuật hình sự như Thượng úy Hoàng Kiên Quyết càng trở nên rõ hơn, khi tôi được nghe kể về những vụ án mà anh trực tiếp tham gia. Bởi rất nhiều vụ trong số đó từng gây chấn động dư luận.

Trong vụ phát hiện kho hàng “khổng lồ” tập kết bỉm Bobby giả tại huyện Gia Lâm, khiến nhiều bậc phụ huynh hoang mang, Thượng úy Hoàng Kiên Quyết và đồng đội được huy động khẩn cấp lúc giữa trưa để tới hiện trường làm giám định tại chỗ.

Do đặc thù công việc này không cho phép giám định theo kiểu “xác suất”, “tỉ lệ”, nên các anh phải dùng kinh nghiệm và trực quan để phân biệt từng chiếc bỉm. Số lượng mẫu phải giám định tại đây lên tới... 122.000 miếng tã (loại chưa thành phẩm), 225kg bao bì nhái và 1.740 chiếc tã quần.

Đội nghiệp vụ giám định đã phải làm việc hết công suất trong cả ngày để cho ra kết quả khiến dư luận bất ngờ, vì quy mô làm bỉm giả quá lớn, và vì gần như không thể phân biệt bỉm thật - giả bằng mắt thường (do hàng giả được làm quá tinh vi, giống thật).

Hay một vụ án chấn động dư luận khác mà Thượng úy Hoàng Kiên Quyết tham gia là vụ người mẹ trẻ bị tâm thần đã thả con mới sinh 35 ngày vào chậu nước vào sáng sớm 12-6-2017 tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Vụ án này khiến dư luận bàng hoàng vì một em bé vừa sinh đã bị sát hại dã man và thủ phạm còn viết dòng chữ nguệch ngoạc trên bậc thang nhà: “Tao sẽ giết cháu mày, L.” (L. là tên ông nội của bé).

Khi vào cuộc điều tra, dựa vào các dấu vết tại hiện trường, cơ quan công an nhận định đối tượng gây án có thể là người trong gia đình. Dựa vào những dòng chữ nguệch ngoạc, đội giám định tài liệu được trưng cầu ý kiến.

“Việc giám định những dòng chữ đó rất khó khăn, vì thủ phạm dùng than hoa để viết, sẽ khác với việc cầm bút thông thường. Chưa kể, dòng chữ đó lại được viết hoa toàn bộ và rất ngắn”, Thượng úy Hoàng Kiên Quyết nhớ lại. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Thượng úy Hoàng Kiên Quyết đã khẳng định dòng chữ đó do mẹ của em bé viết ra. Đó là cơ sở quan trọng để cơ quan công an đấu tranh, làm rõ vụ án gây chấn động dư luận.

Tài lẻ của cán bộ công an trẻ

Bên cạnh các vụ án là một phần không thể thiếu trong công việc hàng ngày, Thượng úy Hoàng Kiên Quyết còn ghi dấu ấn bằng tài lẻ nhưng rất thiết thực: Lập trình phần mềm.

Thượng úy Hoàng Kiên Quyết chia sẻ rằng, trong công việc giám định, đơn vị phải lưu rất nhiều loại mẫu (tiền, dấu, chữ ký...) để mang ra sử dụng khi cần. Tuy nhiên, điều bất cập là khi lưu mẫu thủ công, việc tìm kiếm rất mất công, tốn thời gian, trung bình từ 30 - 60 phút. Thượng úy Hoàng Kiên Quyết đã nảy ra ý tưởng số hóa toàn bộ mẫu lưu để việc tìm kiếm, truy xuất hiệu quả hơn. Song khi số hóa, một yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần có phần mềm quản trị.

“Dựa trên kiến thức lập trình từng học thêm, tôi đã mày mò và viết ra chương trình quản lý mẫu có thể ứng dụng hiệu quả trong công việc. Đây chương trình phần mềm được viết bằng ngôn ngữ PHP, HTML, JavaScript và MySQL. Sở dĩ tôi quyết định viết phần mềm vì nếu thuê công ty ở ngoài làm, thì thời gian tối ưu sẽ rất lâu, do họ không hiểu về chuyên môn công việc giám định này. Là người làm trực tiếp, tôi hiểu người làm giám định cần những gì để đưa vào chương trình đó”, Thượng úy Hoàng Kiên Quyết chia sẻ.

Sau thời gian làm việc ngoài giờ tích cực, chương trình “Xây dựng chương trình lưu và quản lý mẫu hình dấu, chữ ký, ấn phẩm phục vụ công tác giám định tài liệu” của Thượng úy Hoàng Kiên Quyết ra đời, được CATP Hà Nội đánh giá xuất sắc.

“Trước đây, khi chứng kiến sự vất vả của các đồng nghiệp, lúc phải tìm kiếm mẫu lưu mỗi lần cần giám định, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Tới khi hoàn thành phần mềm này, nhìn thấy các đồng nghiệp mỉm cười vì cảm nhận được sự tiện lợi, hiệu quả, tôi thấy vui mừng khó tả. Mỗi cái bấm phím, di chuột để tìm mẫu và hoàn thành công việc trong nháy mắt của mọi người là niềm hạnh phúc thực sự của tôi”, Thượng úy Hoàng Kiên Quyết bày tỏ.

Khi chia tay anh, tôi ra về trong niềm phấn khởi bởi tôi đã gặp một nhân vật có thể truyền cảm hứng cho mình. Tôi tin rằng, những người giàu nhiệt huyết và có năng lực như Thượng úy Hoàng Kiên Quyết chắc chắn đã truyền cảm hứng cho nhiều người khác, để cùng nỗ lực hơn trong công việc và cuộc sống.