Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhiều trường học ở Nghệ An, phụ huynh sẽ không phải nộp tiền học 2 buổi/ngày

Đó là một trong những nội dung quan trọng trong văn bản hướng dẫn liên ngành giữa Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính - Sở Nội vụ về Hướng dẫn việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tại các cơ sở giáo dục từ năm học 2018 - 2019. Văn bản vừa được thông qua ngày 26/3/2019.

Theo nội dung văn bản này, đối với các cơ sở giáo dục tiểu học thuộc xã, thôn đặc biệt khó khăn, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, UBND huyện căn cứ tình hình thực tế để chỉ đạo và cân đối nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đảm bảo việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, không huy động đóng góp của phụ huynh học sinh.

Việc dạy học 2 buổi/ngày nhằm thực hiện chương trình giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực, quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa lớp 1. Đồng thời, cũng để đáp ứng nhu cầu của học sinh và tự nguyện của cha mẹ học sinh.

 Giờ học kỹ năng sống của Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 (TP. Vinh). Ảnh: Mỹ Hà

Liên quan đến dạy học 2 buổi/ngày, các cơ sở giáo dục tiểu học cần bám sát chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Ngoài ra, cần xây dựng và tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài các môn học như giáo dục kỹ năng sống, chương trình phát triển thư viện hướng tới văn hóa đọc. Thời lượng dạy học và hoạt động giáo dục khối 1, 2 bố trí từ 28 - 30 tiết/tuần; khối 3, 4, 5 bố trí từ 30 - 32 tiết/tuần, tối đa 7 tiết học/ngày.

Để giải bài toán giáo viên, các địa phương rà soát thực hiện giải quyết giáo viên dôi dư ở cấp THCS để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn giáo viên tiểu học theo quy định. Những trường chưa có giáo viên đào tạo các môn chuyên mà không thể tuyển dụng thêm do định biên đã đủ thì bố trí giáo viên chung dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục theo quy định. Riêng môn Tiếng Anh, Tin học được bố trí giáo viên thỉnh giảng.

Về vấn đề thu, chi kinh phí, văn bản cũng đã đưa ra mức thu cụ thể trên cơ sở thu đủ bù chi, dân chủ, công khai và thỏa thuận đóng góp. Ngoài ra, cần phải được sự phê duyệt của UBND các huyện, thành, thị. Kinh phí để thu bao gồm chi phí trực tiếp (dành cho giáo viên thực hiện nhiệm vụ tăng thêm) và chi phí gián tiếp (tiền lương làm thêm giờ của cán bộ quản lý, nhân viên).

 Vì thiếu giáo viên nên năm học này, nhiều trường học không tổ chức được môn Tiếng Anh cho học sinh tiểu học. (Trong ảnh: Giờ học Tiếng Anh của học sinh Trường Tiểu học Đồng Thành - Yên Thành). Ảnh: Mỹ Hà

Để việc tổ chức dạy học hiệu quả, tỉnh cũng yêu cầu các phòng Giáo dục và đào tạo, phòng Nội vụ, các cơ sở giáo dục tiểu học xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch về đội ngũ, bố trí định mức giữa các trường hợp lý. 

Trước đó, từ năm học 2018 - 2019 việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày trên địa bàn tỉnh Nghệ An gặp nhiều khó khăn vì thiếu giáo viên và kinh phí chi trả sau khi Quyết định 1517 của UBND tỉnh về hướng dẫn học 2 buổi/ngày không còn thực hiện. Rất nhiều trường học, hiện vẫn duy trì dạy học nhưng lại đang “nợ” tiền làm thêm giờ của giáo viên với số tiền hàng trăm triệu đồng.