Thí sinh bị trượt oan vì gian lận thi cử, tổn thương ai lo?
- 16:27 25-03-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những ngày qua, thông tin về những con số hàng trăm các trường hợp được nâng khống điểm ở các địa phương Hòa Bình, Sơn La lần lượt đã được công bố tới dư luận.
Ở Hòa Bình, kết quả chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT xác định có 140 bài thi trắc nghiệm của 56 thí sinh được can thiệp, nâng điểm ít nhất từ 0,2 điểm đến cao nhất 9,25 điểm/môn. Cao nhất có 1 thí sinh có bài thi môn Hóa học được nâng lên 9,25 điểm. Cá biệt, có thí sinh tổng điểm thi 3 môn được tăng lên đến 26,45 điểm.
Ở Sơn La, ngoài thông tin có tất cả 29 bài thi Ngữ văn được sửa điểm, kết luận điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra - Công an tỉnh Sơn La và kết quả chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT mới đây cho thấy, có thêm 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9,00 điểm.
Còn ở Hà Giang trước đó, như Bộ GD-ĐT công bố có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm được nâng chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Theo quy định của quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT áp dụng cho năm 2018, kết quả chấm thẩm định này là kết quả chính thức của kỳ thi THPT quốc gia 2018; được sử dụng thay thế kết quả do các Hội đồng thi THPT quốc gia năm 2018 công bố trước đây để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018.
Đại diện Bộ GD-ĐT cũng như Sở GD-ĐT Hòa Bình cho biết đã tiếp nhận danh sách thí sinh được cơ quan điều tra xác định là điểm thi có sự can thiệp. Tuy nhiên, danh sách này lại được giữ kín, không công bố với lý do đưa ra là tránh ảnh hưởng, tổn thương tâm lý đối với các thí sinh này.
Cần công bằng với cả những tổn thương của các thí sinh bị trượt đại học oan vì các gian lận thi THPT quốc gia năm 2018. Ảnh minh họa: Thanh Hùng. |
Tuy nhiên, dư luận thì đặt ra câu hỏi, vậy có công bằng không và những tổn thương đối với các thí sinh bị trượt đại học oan vì các trường hợp gian lận này đánh mất chỗ thì ai lo?
Chưa nói đến chuyện mất đi cơ hội vào đại học đúng nghĩa và hướng đền bù thiệt hại chưa được nhắc đến.
“Những ai bảo không nên công bố danh sách thí sinh chạy điểm, cho tôi được hỏi một câu thế này: Những thí sinh chạy điểm họ có biết lực học và bài thi của mình không? Có phải đã cướp đi hàng trăm cơ hội của các thí sinh học thật, thi thật không?”, một phụ huynh chia sẻ.
“Có thể không công bố tên các thí sinh nhưng đối với các phụ huynh chạy điểm cho con là vi phạm pháp luật, cần xem xét trách nhiệm hình sự. Và việc công bố danh sách những người này là hoàn toàn có thể. Nếu không thì sẽ không có những bài học tránh sự việc tương tự diễn ra sau này”, một phụ huynh khác bức bối.
Dư luận bức bối cũng phải thôi, bởi chỉ tính sơ qua với hơn 200 trường hợp chạy điểm, gian lận để đỗ vào các trường đại học thì đã đánh trượt cơ hội được vào đại học của một số thí sinh lớn hơn rất nhiều. Nó không chỉ khiến 200 con người khác bị đánh trượt oan mà là 200 nhân N lần mà N được xác định cho đến hết chu kỳ xét tuyển sinh theo mà Bộ GD-ĐT đưa ra.
Hơn 200 em bị đánh trượt đó tiếp tục đánh trượt 200 em khác ở các cơ hội xét tuyển đại học phía dưới và tạo nên một hiệu ứng dây chuyền đúng theo kiểu domino.
Rất nhiều thí sinh bị trượt nguyện vọng đại học đúng nghĩa (khi đỗ được vào đại học nhưng thực tế đã bị trượt với khả năng thực sự của mình). Ai sẽ lo cho các em bị tổn thương?