Chính quyền xã Châu Thành “bất lực” trước nạn khai thác quặng thiếc trái phép?
- 09:27 21-03-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lực lượng chức năng mở miệng hầm để đưa các nạn nhân ra khỏi hầm (ảnh Báo Nghệ An) |
Công an vào cuộc điều tra
Theo báo cáo từ UBND huyện Quỳ Hợp thì khoảng 14h30 phút ngày 13/3/2019, tại khu vực núi Lan Toong, Suối Bắc (giáp ranh 2 xã Châu Thành và Châu Hồng của huyện Quỳ Hợp) đã xảy ra vụ tai nạn làm 3 người chết.
Vị trí xảy ra vụ tai nạn được xác định thuộc điểm mỏ quặng thiếc của Công ty khai thác khoáng sản Tuấn Hùng.
Đơn vị này đã được UBND tỉnh Nghệ An đóng cửa mỏ tại Quyết định số 2066/QĐ-UBND ngày 18/5/2017.
Tuy nhiên tại vị trí cửa lò đã được đóng cửa có tọa độ 534303; 2145319 một số hộ dân xóm bản Chảo (xã Châu Hồng) đã dùng phương tiện thủ công để đào bới, luồn lách để tìm kiếm khoáng sản nên mới xảy ra tai nạn thương tâm.
3 nạn nhân tử vong là ông Lương Văn Tuấn (42 tuổi), bà Lương Thị Hảo (37 tuổi, vợ ông Tuấn) và bà Sầm Thị Hải (32 tuổi) cùng trú xóm bản Chảo, xã Châu Hồng.
Các nạn nhân đã được đưa ra khỏi hầm (ảnh Báo Nghệ An) |
Sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Quỳ Hợp cùng các lực lượng, phòng ban chức năng và các xã Châu Hồng, Châu Thành huy động các phương tiện, máy móc vào hiện trường tổ chức cứu hộ, cứu nạn.
Sau khoảng 45 phút tìm kiếm, đã đưa được các nạn nhân ra khỏi hầm lò và bàn giao thi thể cho các gia đình an táng theo phong tục địa phương. Bước đầu UBND huyện Quỳ Hợp đã hỗ trợ đột xuất cho gia đình có người thiệt mạng 5,4 triệu đồng/người.
Được biết, hiện Cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An cũng đã vào cuộc điều tra làm rõ vụ sập hầm tại mỏ thiếc Suối Bắc trên.
Cần “chế tài” mạnh tay!
Cũng theo báo cáo từ UBND huyện Quỳ Hợp thì tại địa điểm xảy ra vụ tai nạn trên là khu vực có nhiều tiềm năng quặng thiếc. Có 4 doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản.
Nhưng hiện nay có 2 điểm mỏ của Công ty khai thác khoáng sản Tuấn Hùng và Công ty Phủ Quỳ đã có quyết định đóng cửa mỏ của UBND tỉnh Nghệ An. Cạnh đó điểm mỏ của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh cũng đang bị đình chỉ khai thác từ năm 2017 và chỉ còn điểm mỏ của Công ty khoáng sản Hà An đang khai thác.
Theo ông Hà Đăng Ninh, Chủ tịch UBND xã Châu Thành thì dù tại khu vực trên là vùng núi cao hiểm trở, đường sá đi lại hết sức khó khăn nhưng người dân vẫn lén lút vào để “mót quặng”. “Chính quyền xã đã nhiều lần nhắc nhở, tuyên truyền nhưng tình trạng người dân vào khai thác quặng trái phép vẫn diễn ra. Trong tháng 1/2019 xã cũng đã cử lực lượng vào Suối Bắc. Tại đây xã cũng đã tịch thu rất nhiều quặng khai thác trái phép mà người dân bỏ lại rồi lấp cửa hầm. Tuy nhiên vì đời sống khó khăn, muốn tăng thêm thu nhập nên sau đó người dân vẫn tái phạm".
Những vụ tai nạn thương tâm có thể tiếp tục xảy ra bất cứ lúc nào nếu không có chế tài mạnh tay |
Theo ông Chủ tịch UBND xã Châu Thành thì việc người dân vào khai thác quặng thiếc trái phép là rất nguy hiểm. Bởi các hầm mỏ đã hết hạn, doanh nghiệp đã lấp cửa hầm nhưng người dân vẫn tìm cách khai mở lối vào hầm để khai thác.
Trong khi địa hình núi ẩm ướt, hầm thì cũ, các hệ thống cột chống và đất núi bị phong hóa, khi có tác động nên sẽ dễ xảy ra sự cố sập hầm. “Trước tết Kỷ Hợi 2019 cũng đã xảy ra vụ tai nạn ở Suối Bắc cũng làm 1 người chết. Chính quyền xã cũng chỉ nhắc nhở chứ ngăn chặn tuyệt đối người dân khai thác quặng thiếc trái phép là rất khó”, ông Hà Đăng Ninh chia sẻ.
Thiết nghĩ việc chính quyền xã Châu Thành không xử lý dứt điểm được nạn khai thác quặng thiếc trái phép thì những vụ tai nạn thương tâm có thể tiếp tục xảy ra bất cứ lúc nào.
Đây là điều hết sức lo lắng nếu như huyện Quỳ Hợp, các sở ban ngành liên quan và lãnh đạo tỉnh Nghệ An không kịp thời có những giải pháp mạnh tay để ngăn chặn, cảnh báo.