Khắc phục 'ký đại', 'bổ nhiệm đại' trước khi nghỉ hưu
- 16:30 20-03-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng nay, báo điện tử Đảng Cộng sản tổ chức giao lưu trực tuyến “Giải pháp nào để Quy định trách nhiệm nêu gương đi vào cuộc sống”.
Từ chức khi thấy mình không đủ năng lực, uy tín, sức khoẻ
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng văn hóa TƯ cho rằng nên phát động xây dựng văn hóa từ chức. Nghĩa là từ quy định về nêu gương nhưng khi đảng viên đã phát hiện góp ý mà sửa chữa chậm, nhiệm vụ không hoàn thành tốt, mắc sai lầm thì nên từ chức.
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng văn hóa TƯ. Ảnh: dangcongsan.vn |
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Điều lệ, Ban Tổ chức TƯ cho rằng cán bộ cấp cao cần gương mẫu. Cho nên trong quy định của TƯ lần này nêu “không những phải gương mẫu phê bình, tự phê bình mà mở ra để thực hiện văn hóa từ chức”.
Cụ thể, quy định trách nhiệm nêu gương yêu cầu cán bộ cấp cao phải dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm về mình, đừng đổ cho tập thể, khách quan. Phải chủ động xin từ chức khi thấy mình không đủ năng lực, uy tín, sức khoẻ để đảm nhận công việc.
“Nếu thấy mình năng lực hạn chế thì xin từ chức để người có năng lực làm. Nếu thấy mình uy tín thấp thì xin từ chức để người khác uy tín hơn làm. Nếu thấy mình sức khoẻ không đảm bảo thì từ chức để người khỏe làm”, ông Hà nói.
Theo ông Hà, quy định nêu gương của TƯ đã có hiệu ứng tích cực ngay trong Đảng.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Điều lệ Ban Tổ chức TƯ. Ảnh: dangcongsan.vn |
Ông dẫn trường hợp xe biển xanh vào tận sân bay đón người nhà của Bộ trưởng Công thương xảy ra ngay khi ban hành quy định nêu gương nên có hiệu ứng ngay sau đó.
“Tôi tin rằng bản thân các đồng chí ở TƯ tự nghiêm khắc với mình, có sự kiểm tra, giám sát của Đảng, nhân dân. Có gì đó dân lấy điện thoại quay không chối được”, ông bày tỏ tin tưởng quy định nêu gương chắc chắn đi vào cuộc sống.
Nêu gương về xử lý kỷ luật
Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Nhị Lê nhắc những đại án trong 2 năm 2017, 2018 và nhấn mạnh việc xử lý cán bộ, đảng viên không từ một cấp nào. Nói như Tổng bí thư, Chủ tịch nước thì không có ngoại lệ, không có vùng cấm, không trừ một ai.
“Quốc pháp không nghiêm, Đảng cương không vững thì không nói chuyện gì đến quốc gia hùng thịnh”, ông Nhị Lê nhấn mạnh trong lịch sử của Đảng lần đầu tiên một ủy viên Bộ Chính trị bị truy tố trước pháp luật.
Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Nhị Lê. Ảnh: dangcongsan.vn |
Theo ông, trước hết phải nêu gương về xử lý kỷ luật. Nếu đảng viên vi phạm kỷ luật, đặc biệt đảng viên giữ trọng trách cao thì phải xử lý nặng hơn bình thường, đó chính là khía cạnh của nêu gương.
"Nếu không làm nghiêm thì Đảng cương, quốc pháp cũng chỉ để ngắm nhìn. Nếu không xử lý mạnh mẽ, đúng đắn theo kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì tất cả những kỷ cương xã hội chỉ là thanh kiếm của phường chèo”, ông Nhị Lê nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Hà nêu thực tế xử lý cán bộ trong một thời gian dài khi cán bộ chuyển đi công tác khác, đã nghỉ hưu thì cứ coi là “hạ cánh an toàn”, có phát hiện ra cũng phải “thôi bác ấy chuyển đi rồi, nghỉ hưu rồi. Thôi nhẹ nhàng cho qua”.
Chính vì vậy vừa qua, việc xử lý hơn 60 cán bộ cao cấp, trong đó có nhiều cán bộ có sai phạm từ cách đây 5-10 năm là bước tiến trong xử lý, quản lý cán bộ đảng viên.
'Chính chỗ này khắc phục tư tưởng tư duy nhiệm kỳ, như 6 tháng nữa mình nghỉ hưu nên cứ 'ký đại', 'đề bạt đại', 'bổ nhiệm đại'”, ông Hà phân tích.
Sẽ có tổng điều tra chất lượng đảng viên trong toàn Đảng
Trả lời vấn đề bạn đọc đặt ra thực tế hiện nay, không ít người ngại vào Đảng, phải chăng tình trạng đảng viên thiếu gương mẫu, suy thoái, biến chất đã làm niềm tin nhân dân với Đảng ảnh hưởng, theo ông Nhị Lê, đây là vấn đề đáng suy nghĩ diễn ra từ vài năm trước.
Nguyên nhân theo ông là do họ nhìn thấy những đảng viên hàng ngày hàng giờ sống quanh họ đã làm phai nhạt lý tưởng đối với Đảng.
“Những người đó đúng ra phải là muối để gỡ mặn người khác nhưng thật ra họ không thể là muối, thậm chí có những đảng viên đi ngược lại đạo lý, làm tổn thương đến niềm tin của nhân dân”, ông nhận định.
Điều đó đặt ra trách nhiệm các cấp ủy khi kết nạp người vào Đảng chưa chọn được những người xứng đáng nhất đứng trong đội ngũ. “Chính những con sâu làm rầu nồi canh như thế cho nên mới đây, Ban Bí thư ra chỉ thị về sàng lọc đảng viên”, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản nói.
Ông Nguyễn Đức Hà thông tin thêm, mỗi năm kết nạp hơn 200.000 đảng viên. Cứ mỗi nhiệm kỳ 5 năm, toàn Đảng kết nạp hơn 1 triệu đảng viên. Hiện nay có hơn 5 triệu đảng viên, bằng 1.000 lần số đảng viên năm 1945. Tăng số lượng nhưng chưa tương xứng với tăng chất lượng nên có người nói Đảng ta “đông nhưng không mạnh”.
Vì vậy Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 28 về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, rà soát sàng lọc đưa những người không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Tới đây Bộ Chính trị, Ban bí thư sẽ làm một cuộc tổng điều tra chất lượng đảng viên trong toàn Đảng.