Khó phát hiện, xử lý lỗi vi phạm không thắt dây an toàn
- 11:05 20-03-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều người vẫn chủ quan
Mặc dù sự việc diễn ra đã lâu, song mỗi lần nhắc đến chị Bùi Thúy Vinh ở xã Hưng Đông (TP. Vinh) vẫn không khỏi ngậm ngùi. Chuyện là dịp tháng 9/2017, chỉ ít ngày sau khai giảng năm học mới cho con vào lớp 1, như thường lệ sau giờ làm chị chạy xe đón con đi học về. Vì mới vào lớp 1 nên cu cậu vẫn còn thói quen chơi đồ chơi, bởi vậy chị thường để đồ chơi ngay trên xe ô tô để con có chơi sau giờ tan trường, và thường là ra ghế sau để chơi cho thoải mái.
Nhưng rất không may, chiều hôm đó khi chị đang lái xe chở con từ trường về nhà thì gặp phải một em học sinh cấp 2 đạp xe tạt ngang qua đường, buộc chị Vinh phải đạp phanh gấp. Hậu quả khiến chị Vinh bị thương nhẹ, còn con trai chị thời điểm đó đang đứng trong xe, bị lao về phía trước, đầu đập vào taplo xe. Khi vào viện chụp phim, bác sỹ kết luận cháu bị chấn thương sọ não. Gia đình chị Vinh phải đưa cháu bé ra Hà Nội nằm điều trị, sau đó phải nghỉ để lấy sức mất gần 3 tháng mới quay lại trường đi học được.
Hình thành thói quen cho trẻ trong việc thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô. Ảnh: Hải Vương |
Theo chị Vinh: Cũng như nhiều bậc phụ huynh khác, vợ chồng chị nghĩ đơn giản chỉ cần cho con ngồi trong xe, khóa chốt cửa cẩn thận là yên tâm rồi, nhưng thực tế là nhiều tình huống xảy ra trên đường không thể lường trước được. Bởi vậy, sau đó dù đi đâu, xa hay gần, cứ ngồi lên xe là cả nhà, ai nấy đều thắt dây an toàn. “Thời kỳ đầu chồng tôi còn viết cả giấy dán trong xe để nhắc nhớ mọi người không được quên”, chị Vinh cho hay.
Trường hợp của gia đình chị Vinh chỉ là một trong số rất nhiều những vụ tai nạn có liên quan đến việc không thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô. Bác sỹ Trần Bá Biên - Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện HNĐK Nghệ An cho rằng, trong số những ca tai nạn giao thông có liên quan đến ô tô nói chung, dù nặng hay nhẹ, chúng tôi không phân loại nguyên nhân nhưng thực tế nếu thắt dây an toàn thì giảm được thiệt hại rất lớn. Bởi dây đai an toàn bảo vệ người ngồi trên xe bằng cách giữ người lại trong trường hợp tai nạn có khả năng khiến họ bay về phía kính chắn gió. Dây đai an toàn cũng giữ cho người ngồi trên xe an toàn tại chỗ trong trường hợp phanh gấp hoặc va chạm.
Cũng bởi thực tế đó, trước đây Nghị định 171/2013/NĐ-CP chỉ bắt buộc người lái xe ô tô và người ngồi ở ghế cạnh lái xe phải thắt dây an toàn. Hiện nay, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt yêu cầu tất cả người ngồi trên xe ô tô đều phải thắt dây an toàn. Đây là quy định nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người trên xe, song trên thực tế khá nhiều lái xe và người ngồi trên xe ô tô vẫn chưa thực sự quan tâm, cho rằng bất tiện, vướng víu...
Anh Nguyễn Lam Hồng ở phường Lê Lợi (TP. Vinh) cho biết, đã từng đọc một nghiên cứu của nước ngoài, cứ 100 trường hợp tai nạn thì 70 trường hợp sẽ giữ được tính mạng nếu thắt dây an toàn, trường hợp ngồi ghế sau nếu không thắt dây an toàn có thể bị chấn thương nghiêm trọng gấp 8 lần. Tuy vậy, theo anh Hồng, do thường xuyên đi xe trong khu vực thành phố với tốc độ thấp nên bản thân cũng chủ quan và cũng ít nhắc nhở người ngồi phía sau.
Khó khăn khi xử lý vi phạm
Theo thống kê của Phòng CSGT (Công an tỉnh), từ ngày 16/12/2018 - 15/2/2019, qua tuần tra, kiểm soát phát hiện 6.400 trường hợp vi phạm các lỗi thì có gần 1.000 trường hợp vi phạm không thắt dây an toàn, trong đó phần lớn lỗi thắt dây an toàn được phát hiện thông qua kiểm tra các lỗi khác của tài xế.
Đại úy Phạm Tiến Lực - Trạm CSGT Diễn Châu cho biết, đơn vị vẫn thường xuyên xử phạt lỗi không thắt dây an toàn khi xe đang lưu thông, theo quy định trước kia là đối với người ngồi trước, còn quy định mới là với tất cả những ai ngồi trên xe tại vị trí có trang bị dây an toàn. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, xử phạt cũng gặp không ít khó khăn. Ngoài thực tế do kính trước của xe ô tô phản chiếu ánh sáng bị mờ, khó quan sát, còn do hầu hết xe ô tô hiện nay đều dán kính đen hoặc tấm chống nắng, nên từ ngoài nhìn vào trong rất khó phát hiện người trên xe có thắt dây an toàn không.
Cảnh sát giao thông Công an TP Vinh tăng cường tuần tra kiểm soát việc thực hiện thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô. Ảnh: Đ.C |
Cùng quan điểm, Trung tá Nguyễn Duy Hà - Đội trưởng Đội CSGT Công an TP.Vinh cho biết thêm: Ngay cả khi phát hiện và ra hiệu lệnh dừng xe, tài xế thường cãi cự là có thắt dây an toàn nhưng vừa tháo ra để xuống xe làm việc với lực lượng. Vì không đủ bằng chứng, cơ sở để xử lý nên nhiều trường hợp, đội chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ quy định của pháp luật và những nguy hiểm mà tài xế và người ngồi trên xe phải đối diện khi xe gặp sự cố rồi cho phép tiếp tục hành trình.
Thông qua tuần tra, kiểm soát, nhiều CSGT còn cho hay, thông thường các dòng xe ô tô đời mới được trang bị hệ thống cảnh báo thắt dây an toàn, hệ thống này có thể phát ra âm thanh báo hiệu cho lái xe cũng như những người khác biết mình chưa thắt dây an toàn mỗi khi lên xe. Tuy nhiên, nhiều người sử dụng xe ô tô lại cảm thấy hệ thống cảnh báo này rất “phiền” và đã mua cả chốt cắm thay thế dây an toàn bán trên thị trường lắp thẳng vào khe cắm có sẵn trên ô tô. Khi cắm vào, hệ thống điện trên ô tô sẽ “bị đánh lừa”, nhận diện nó chính là dây đai an toàn đã được cắm, từ đó không phát ra cảnh báo nữa.
Việc thắt dây an toàn trên ô tô dù ngồi ở vị trí nào cũng chính là bảo vệ bản thân. Ảnh: Hải Vương |
Với thực tế trên, Thượng tá Nguyễn Nam Hồng - Phó phòng CSGT (Công an tỉnh) cho rằng, bên cạnh việc phát hiện, xử lý vi phạm, chúng tôi sẽ kết hợp tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, tạo thói quen thắt dây an toàn khi tham gia giao thông tương tự như việc đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, về phía người dân tham gia giao thông cần chủ động để hình thành thói quen tốt.
Quả vậy, khi tham gia giao thông ai cũng muốn được an toàn là trên hết chứ không phải là để tránh cảnh sát giao thông hay lách luật. Chính vì vậy mà ý thức tự giác của người tham gia giao thông là quan trọng nhất. Việc thắt dây an toàn trên ô tô dù ngồi ở vị trí nào cũng chính là bảo vệ bản thân, hạn chế thương tích nếu không may xảy ra. Vì vậy, mọi người tham gia giao thông cần tuân thủ và chấp hành nghiêm chỉnh. Về phía các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt thật nặng đối với hành vi vi phạm. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm hoặc vi phạm nhiều lần, cần xem xét tăng gấp đôi mức phạt hoặc kèm theo những chế tài bổ sung để đảm bảo tính răn đe.
Điểm K, Điểm L, Khoản 1, Điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/8/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm các hành vi: Không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy; chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy. |