Đại dự án thất bại ở nước ngoài: Tỷ USD mang đi, những trái đắng nhận về
- 10:21 20-03-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài thất bại, mất vốn
Dự án Junin 2 tại Venezuela do Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí - PVEP (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) là chủ đầu tư (40% vốn) cùng với Tổng công ty dầu khí Venezuela triển khai. Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 1,8 tỷ USD cho giai đoạn 1 từ 2010-2015, bao gồm cả phần hơn 500 triệu USD phí hoa hồng tham gia dự án.
Đến nay, PVEP đã rót tới hơn 400 triệu USD vào dự án. Thế nhưng, dự án đã tạm dừng triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo ngày 2/12/2013 của Văn phòng Chính phủ. Hàng nghìn tỷ đổ vào dự án mà chưa kịp thu được giọt dầu nào.
Đó chỉ là một trong số 11 dự án đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn dầu khí gặp khó khăn, nguy cơ mất vốn đầu tư.
PVN đã rót hàng tỷ đô la đầu tư ra nước ngoài. |
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang tham gia 13 dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí. Các dự án này được PVN ủy quyền cho PVEP thực hiện.
Trong số 13 dự án đầu tư ra nước ngoài, chỉ có 2 dự án có dòng tiền chuyển về nước hoặc có hiệu quả kinh tế. Có tới 11 dự án của PVN ở nước ngoài gặp khó khăn vướng mắc.
Không riêng gì PVN, từ năm 2015, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng “rót” hàng nghìn tỷ đầu tư bên Lào, đó là dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali với số vốn đầu tư khoảng hơn 10.000 tỷ đồng.
Song, theo kết luận thanh tra của Bộ Công Thương, đến nay dự án đã phải tạm dừng, nằm đắp chiếu và có khả năng dừng hẳn.
“Số phận” của dự án được đề cập đến tại một báo cáo gần đây của Bộ Công Thương. “Hiện nay do giá muối kali giảm sâu, dự án không có hiệu quả kinh tế”, Bộ này tuyên bố dù trước đó dự án từng được giới thiệu là có hiệu quả.
Vì thế, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã báo cáo, đề xuất Ban cán sự Đảng Chính phủ, Bộ Chính trị về việc lựa chọn dừng thực hiện dự án và xây dựng dự thảo phương án xử lý dự án trình Bộ Chính trị xem xét.
Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng có dự án đầu tư ra nước ngoài bị “điểm mặt” là không hiệu quả. Kết luận thanh tra tại TKV và một số đơn vị thành viên, được Thanh tra Chính phủ công bố, cũng cho thấy, cả ngàn tỷ đồng được tập đoàn đầu tư trong giai đoạn 2010-2015 không phát huy hiệu quả, có khả năng mất trắng. Trong đó, có nhiều khoản đầu tư ra nước ngoài.
Đơn cử, TKV đầu tư vào Công ty Southern Mining Co., Ltd số tiền khoảng 4,39 triệu USD. Thế nhưng, đến thời điểm thanh tra không có hiệu quả, có khả năng mất toàn bộ vốn đầu tư.
Chưa kể, một số khoản đầu tư khác cũng không hiệu quả, có nguy cơ mất toàn bộ vốn đầu tư. Có thể kể đến khoản góp vốn 111,45 tỷ đồng vào Công ty liên doanh Stung Treng để khai khoáng tại Campuchia; góp 184,784 tỷ đồng vào liên doanh Alumina Campuchia; góp 37,9 tỷ đồng vào Công ty TNHH Vinacomin Lào để khai thác mỏ muối; góp 69 tỷ đồng vào khai thác mỏ sắt Phu Nhuom, Lào.
Như vậy, TKV đã đầu tư khoảng 303 tỷ đồng ra nước ngoài nhưng không phát huy hiệu quả, đối mặt với nguy cơ mất vốn. Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Bộ Công an vào cuộc.
Đầu tư 7 tỷ USD, nhưng hơn 5,5 tỷ USD chưa thu hồi
Báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2011-2016 của Chính phủ đã phác họa tình hình đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước.
Tổng vốn đầu tư đăng ký đầu tư nước ngoài của các dự án lên tới 12,6 tỷ USD. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có số vốn đăng ký lớn nhất, chiếm hơn một nửa nguồn vốn. Trong tổng số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài là 12,6 tỷ USD thì các doanh nghiệp đã giải ngân hơn một nửa.
Cụ thể, đến hết 2016, các DNNN đã mang 7 tỷ USD đi đầu tư ở nước ngoài. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí nhiều nhất với hơn 3,4 tỷ USD.
Đáng lưu ý, với hơn 7 tỷ USD đầu tư ra nước ngoài thì hết năm 2016 mới chỉ có 4/18 DNNN có phát sinh số tiền thu hồi vốn đầu tư từ các dự án đầu tư tại nước ngoài. Số tiền thu hồi vốn là trên 1,5 tỷ USD, bằng 22% vốn đầu tư thực hiện.
Báo cáo của Chính phủ đánh giá: Hiệu quả kinh tế của hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DNNN thời gian qua còn thấp.
Cụ thể, có tới 25,5% dự án báo lỗ năm 2016; có tới 29% dự án lỗ lũy kế tính đến hết 2016; đáng lưu ý là có gần một nửa dự án không có báo cáo về doanh thu - lợi nhuận.
Ngoài ra, theo báo cáo, lợi nhuận được chia cho phía Việt Nam “không đáng kể”. Năm 2016 chỉ được chia 145 triệu USD - tương đương 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài.
Đến hết 2016, có trên 7 tỷ USD đầu tư cho dự án ở nước ngoài nhưng còn hơn 5,5 tỷ USD chưa thu hồi.
“Nhiều dự án đang tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại (như bị rút ngắn thời gian triển khai dự án, tranh chấp đất đai) và rủi ro thị trường (giá đầu ra giảm mạnh), ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án. Có dự án bị ngừng cấp bảo lãnh Chính phủ dẫn tới việc phải dừng dự án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả dự án”, báo cáo của Chính phủ khái quát tình hình đầu tư ra nước ngoài.
Trả lời PV.VietNamNet, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng: Việc đầu tư ra nước ngoài thất bại phản ánh năng lực của các tập đoàn nhà nước hạn chế. Đó là điều dễ thấy rồi. Nhưng quan trọng là một dự án đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn kinh tế nhà nước thì đều phải có sự đồng ý về chủ trương của các cấp rất cao vì các mục tiêu được cho là chiến lược quốc gia. Theo đó thì các dự án mà các tập đoàn nhà nước đầu tư đều phải được thông qua ở cấp chính sách cao nhất.
Cho nên theo vị chuyên gia này, nếu truy trách nhiệm trong những dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả, nằm đắp chiếu thì đương nhiên những người cầm tiền đi đầu tư, các lãnh đạo tập đoàn sẽ phải chịu trách nhiệm thôi. Đó là một nguyên lý mang tính thị trường. Song câu chuyện có thể không đơn giản như thế khi soi vào cách mà Việt Nam đã và đang đầu tư ra nước ngoài, vì trong nhiều trường hợp các nguyên tắc thị trường không được đặt lên hàng đầu.
Ông Nguyễn Đức Thành nhận định với việc đầu tư ra nước ngoài theo kiểu tầm nhìn hạn chế, chủ quan duy ý chí, thì sẽ tiếp tục còn nhiều dự án lâm cảnh khó khăn. Cho nên việc này cần phải được nhìn nhận, đánh giá lại, đầu tư trên cơ sở tầm nhìn thực tế, dài hạn, tôn trọng các nguyên tắc thị trường và thông lệ kinh doanh quốc tế, đặt mục tiêu hiệu quả lên trước hết.