Hàng nghìn nạn nhân bị ép triệt sản ở Nhật được bồi thường
- 16:28 18-03-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khoảng 16.500 người, phần lớn là phụ nữ khuyết tật, đã trở thành nạn nhân của luật pháp Nhật Bản từ năm 1948 đến năm 1996. Luật này nhằm ngăn chặn những đứa trẻ được miêu tả là "hạ cấp" ra đời.
Các nạn nhân còn sống sẽ sớm nhận được "lời xin lỗi sâu sắc" và khoản bồi thường 3,2 triệu yen (khoảng 28.700 USD) theo dự luật sẽ được đệ trình lên Quốc hội Nhật vào tháng 4 tới.
Động thái được cho là bước tiến đáng hoan nghênh sau nhiều năm im lặng của chính phủ. Tuy nhiên, các nạn nhân và nhiều người ủng hộ đòi quyền lợi cho họ cho rằng gói bồi thường nói trên không thỏa đáng.
"Các cá nhân này đã bị vi phạm quyền sinh con và nuôi con của mình, vì vậy khoản tiền 3,2 triệu yen thanh toán một lần sẽ không có nghĩa lý gì so với thiệt hại của họ", ông Paji Niisato, luật sư đại diện cho một số nạn nhân, nói với Guardian.
Nạn nhân Junko Iizuka (nhân vật đã được đổi tên) bị triệt sản vào năm 1963 khi mới 16 tuổi bằng cách thắt ống dẫn trứng. Ảnh: Guardian. |
Tuy nhiên, chủ tịch nhóm liên đảng soạn thảo dự luật trình quốc hội cho rằng các nạn nhân cần được bồi thường khẩn cấp. "Họ đang già đi, vì vậy chúng tôi muốn làm gì đó cụ thể", cựu bộ trưởng y tế Hidehisa Otsuji nói với các phóng viên.
Tờ Mainichi dẫn lời ông Otsuji cho rằng "nếu chúng tôi đợi đến khi có thể đưa ra giải pháp hoàn hảo, chúng tôi sẽ không thể làm được gì" cho các nạn nhân.
Vào năm ngoái, làn sóng kêu gọi bồi thường cho các nạn nhân đã bùng nổ khi họ bắt đầu khởi kiện chính phủ Nhật Bản. Từ năm 1948 đến 1996, khoảng 25.000 người đã bị triệt sản theo luật, trong đó có 16.500 người không đồng ý với thủ tục này. Những nạn nhân trẻ nhất chỉ mới 9 hoặc 10 tuổi. Khoảng 70% các trường hợp liên quan đến phụ nữ hoặc trẻ em gái.
Năm 2018, tờ Guardian nêu lên trường hợp của hai nạn nhân nữ, bao gồm Yumi Sato (nhân vật đã được đổi tên), bị triệt sản vào năm 1972 khi bà mới 15 tuổi. Trường hợp còn lại là Junko Iizuka bị triệt sản vào năm 16 tuổi bằng cách thắt ống dẫn trứng.
Hiện các yêu cầu bồi thường nhiều hơn gói hỗ trợ của chính phủ vẫn đang được tòa án Nhật Bản xem xét.