Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Dự án tỷ USD ở Venezuela: Chưa làm gì, PVN 'hoa hồng' ngay trăm triệu USD

Số tiền "phí hoa hồng" tham gia dự án Junin 2 lên đến 584 triệu USD. Bộ Công an đang điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật tại dự án này.

Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an (C03) vừa có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) xác minh một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong thực hiện dự án đầu tư liên doanh phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2 tại Venezuela của Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thuộc PVN.

Một "biện pháp" nhỏ, biến thành dự án không xin ý kiến Quốc hội

Năm 2008, Việt Nam và Venezuela đã ký 15 Hiệp định, thoả thuận hợp tác, trong đó có Hợp đồng giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc thiết lập liên doanh khai thác dầu khí công suất 200.000 thùng/ngày tại vành đai Orinoco thuộc Venezuela, nơi được coi là khu vực có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới.

 PVN vẫn chưa hết sóng gió.

Trong một báo cáo gửi Thủ tướng vào tháng 8/2010 về xem xét thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án lô Junin 2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nói rõ về quá trình đưa số vốn đầu tư của dự án từ 1,24 tỷ USD lên hơn 1,8 tỷ USD.

Bộ KH-ĐT cho hay: Tháng 11/2008, Bộ KH-ĐT đã có cuộc họp thẩm định báo cáo việc đầu tư này với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành và có tờ trình Thủ tướng xin phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư hơn 1,24 tỷ USD.

Bộ này xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho dự án trên cơ sở ý kiến "chấp thuận đầu tư dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng Junin 2 Venezuela" của Thủ tướng. Tuy nhiên vẫn còn vướng mắc về việc ghi vốn đầu tư khi ngoài 1,24 tỷ USD số tiền rót vào dự án, PVN còn trả thêm tiền hoa hồng là 584 triệu USD.

Do đó, Bộ KH-ĐT đã họp các bộ, ngành và các ý kiến đều thống nhất phải ghi tổng mức đầu tư đầy đủ gồm cả tiền hoa hồng là 1,825 tỷ USD để "phản ánh thực chất lượng vốn đầu tư ra nước ngoài, thuận lợi cho việc triển khai dự án và theo dõi quyết toán các nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm về tài chính của chủ đầu tư trước Nhà nước".

Với mức đầu tư tới hơn 1,82 tỷ USD và phần vốn góp của PVN vào dự án vượt 30% nên phải xin ý kiến của Quốc hội. Với tư cách cơ quan thẩm tra hồ sơ xin cấp phép đầu tư, Bộ KH-ĐT đã báo cáo Thủ tướng và kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét đặc cách với dự án để sớm cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Trả lời bằng văn bản sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không đồng ý đề xuất này, yêu cầu Chính phủ có tờ trình chính thức gửi Ủy ban làm rõ phần vốn nhà nước góp vào dự án. Trường hợp dự án sử dụng từ 30% vốn nhà nước trở lên thì Chính phủ phải trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, đáng chú ý là tại báo cáo tháng 5/2009 của Chính phủ gửi cơ quan thường trực Quốc hội sau đó về dự án Junin 2, cơ cấu phần vốn góp Nhà nước tại dự án được thay đổi. Phần vốn góp từ vốn chủ sở hữu của PVN giảm từ 956 triệu USD dự kiến ban đầu, xuống còn 547 triệu USD, tức chỉ còn 29,9% tổng chi phí góp vốn của phía Việt Nam.

Điều này đồng nghĩa dự án đầu tư không còn nằm trong diện phải báo cáo Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư (dự án có mức góp vốn 30% trở lên).

Mặt khác, khi dự án chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư thì ngày 29/6/2010, Hợp đồng thành lập, quản lý Công ty liên doanh Khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2 Venezuela (Petromacareo) đã được ký kết giữa PVEP (công ty con của PVN) và CVP (công ty con của Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela - PDVSA).

Trên cơ sở hợp đồng chính thức ký với đối tác, PVEP đã bổ sung và hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư gửi Bộ KH-ĐT.

Phân tích nhiều yếu tố nội tại Venezuela, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảnh báo dự án phải được cân nhắc hết sức thận trọng, đặc biệt khi nó được đầu tư bằng vốn nhà nước và vốn vay của doanh nghiệp nhà nước.

Lạ lùng tiền phí hoa hồng 584 triệu USD

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng bày tỏ lo ngại khác là PVN/PVEP đã ký hợp đồng chính thức với đối tác Venezuela khi chưa có giấy phép đầu tư. Theo thoả thuận hợp đồng đã ký, phía Việt Nam phải thanh toán đợt đầu 300 triệu USD phí tham gia hợp đồng (phí hoa hồng - PV) trong 6 tháng. Các đợt nộp phí hoa hồng tiếp theo lần 2 và 3, mỗi đợt 142 triệu USD. Điều này đồng nghĩa khi chưa thăm dò, khai thác giọt dầu nào thì PVEP cũng phải trả đầy đủ phí tham gia hợp đồng 584 triệu USD cho đối tác ngoại.

Nếu vi phạm, phía Việt Nam sẽ bị xử lý theo các cam kết đã ký, cụ thể toàn bộ cổ phần của PVEP trong công ty liên doanh có thể tự động chuyển cho đối tác Venezuela và Việt Nam không được quyền thanh toán hoặc đền bù gì từ các khoản đã góp, vay vốn hay đầu tư ở dự án này.

Do đó, trong văn bản nêu ý kiến thẩm định giấy phép đầu tư dự án, Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng có báo cáo Bộ Chính trị xin chủ trương trình Quốc hội có cơ chế đặc cách xem xét, thông qua chủ trương đầu tư đối với dự án Junin 2 của PVN tại Venezuela ngay trong kỳ họp tháng 10/2010.

Các báo cáo tài chính sau này của PVN từ 2014 trở lại đây đã ghi nhận khoản tiền phí hoa hồng 442 triệu USD trả cho đối tác Venezuela.

Trong báo cáo gần đây, Bộ Công Thương cho hay hiện dự án đã tạm dừng triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo ngày 2/12/2013 của Văn phòng Chính phủ.