Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Người dân Nghệ An tìm lợn sạch để sử dụng

Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện 1 ổ dịch tại huyện Quỳnh Lưu, khiến người tiêu dùng có phần e ngại với thịt lợn. Tuy nhiên, trước nhu cầu cần thiết của thịt lợn hàng ngày, người dân một số vùng quê Nghệ An chọn lợn sạch nuôi trong dân để "mổ đụng"sử dụng hàng ngày.

Không quay lưng với thịt lợn

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trên địa bàn xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), thời gian này, nhu cầu sử dụng thịt lợn của người dân ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh có phần hạn chế. Tuy nhiên, không phải vì thế mà người dân "quay lưng" với thịt lợn, nhiều nơi cùng nhau "đụng lợn sạch" để phục vụ bữa ăn hàng ngày.

 Ở nhiều vùng quê Nghệ An, người dân chung đụng lợn sạch để mổ thịt. Ảnh: Việt Hùng

Có mặt tại gia đình chị Nguyễn Thị Xuân ở xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu), mặc dù đây không phải là lò mổ nhưng biết tin gia đình đang mổ con lợn của chị nuôi, bà con hàng xóm tập trung đến nhà để mua thịt.

Chị Xuân cho biết, do diện tích đất của gia đình hạn chế nên chỉ nuôi 2 - 3 con/năm. Gia đình nuôi đến 8 tháng đạt trọng lượng gần 100 kg mới mổ thịt.

Với tâm lý chọn thực phẩm sạch và rõ nguồn gốc, cho nên tuy giá cao hơn ngoài thị trường nhưng người dân vẫn chấp nhận mua về sử dụng. Theo tìm hiểu ngoài thị trường, thịt lợn nạc có giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg thì lợn sạch đụng tại nhà có giá từ 120.000 - 13.000 đồng/kg (cao hơn 20.000 – 30.000 đồng/kg).

 Người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn trước dịch tả lợn châu Phi đang lây lan. Ảnh: Xuân Hoàng.

Thời gian này, "đụng lợn sạch" để chế biến trong bữa ăn hàng ngày được người dân ở các vùng quê như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghĩa Đàn...ư thích.

Anh Nguyễn Minh Hà, người dân ở xã Diễn Hoàng (Diễn Châu) cho biết, trước nhu cầu sử dụng lợn sạch của bà con hàng xóm, anh Hà đứng ra tổ chức "đụng lợn" bằng việc liên hệ với những hộ nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn để đặt hàng.

“Nhiều nhà muốn ăn thịt lợn sạch nhưng mua cả con thì chi phí lớn và ăn không hết nên các nhà nhượng lại là hợp lý nhất" - anh Hà cho biết thêm.

Người dân các huyện khác như: Yên Thành, Tương Dương... thời điểm này cũng không quay lưng với thịt lợn. Tuy nhiên, giải pháp yên tâm nhất là chung đụng mổ lợn để chia nhau thịt về chế biến thức ăn hàng ngày.

Bà Nguyễn Thị Hợi ở xóm Phan Đăng Lưu, xã Nam Thành (Yên Thành) tận dụng thức ăn dư thừa từ phụ phẩm nông nghiệp, nuôi được 3 con lợn thịt, trọng lượng 70 kg/con trong 6 tháng. Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi, lái buôn bắt lợn với giá rẻ, nên bà rủ người thân và hàng xóm chung đụng mổ lợn. Cứ 1 tuần mổ 1 con, toàn bộ thịt lợn được tiêu thụ hết.

 Thịt lợn sạch được người dân chọn sử dụng trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp. Ảnh:Xuân Hoàng.

Đồng bào vùng cao Tương Dương những ngày này cũng cảnh giác với dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, theo tìm hiểu được biết, giá lợn hơi ở Tương Dương vẫn ở mức cao 50.000 đồng/kg. Nguyên nhân là bà con ít quan tâm đến lợn từ xuôi lên, chủ yếu mổ lợn của dân nuôi để lấy thịt.

Ông Lô Văn Tuấn ở bản Can, xã Tam Thái (Tương Dương) cho biết: Nhà nuôi được đàn lợn 5 con gần 7 tháng nay. Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi, cách đây 4 ngày ông đã mổ 1 con lợn, bà con trong bản mua hết thịt. Những ngày tới, ông sẽ mổ tiếp để phục vụ thực phẩm sạch cho bà con sử dụng.

Cần tăng cường kiểm soát nguồn gốc lợn

Việc người dân tổ chức "đụng lợn sạch" không hoàn toàn là đã quay lưng với thịt lợn được bày bán trên thị trường mà tâm lý người dân đang lo ngại về dịch tả lợn châu Phi.

Tuy nhiên, người tiêu dùng cần phải hiểu bệnh dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người, không nên lo sợ, không tẩy chay sản phẩm thịt lợn an toàn.

 Cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Xuân Hoàng

Điều quan trọng bây giờ là các cơ quan chức năng Nghệ An tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc mua, bán và vận chuyển lợn ra vào địa bàn; tăng cường kiểm tra hoạt động các lò giết mổ đảm bảo đúng quy trình, thủ tục để người dân có thể yên tâm sử dụng thịt lợn.