Người đàn bà giết chồng sau chuỗi ngày dài chịu đựng
- 09:00 16-03-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đứng trước bục khai báo là hai bị cáo, một già, một trẻ và họ cũng là hai mẹ con. Cả 2 bị cáo bị VKS truy tố về các tội danh giết người và giữ người trái pháp luật. Bị hại trong vụ án không ai khác mà chính là chồng, là cha của các bị cáo.
Phiên xử được khá nhiều người quan tâm bởi vụ án vợ giết chồng xảy ra nơi xã nghèo vốn bình yên đó vẫn còn in đậm trong tâm trí người dân. Đối với họ đó là tấm bị kịch không chỉ của riêng ai, có sự tiếc thương cho người đã chết nhưng cũng đầy sự cảm thông cho những người gây tội, bởi sự việc đau lòng xảy ra khi sự chịu đựng vượt quá sự kiểm soát.
Phiên xử diễn ra, lật lại hành vi phạm tội của Trần Thị Liên (SN 1972) và con gái Phạm Thị Thu Hoài (SN 1999), trú tại thôn 3, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, cũng như lật lại những tháng ngày đầy nước mắt của cuộc đời bị cáo.
Là phụ nữ, khi lấy chồng, ai chẳng mong có được bờ vai vững chắc để dựa vào, ai chẳng mong có được người sẻ chia những buồn vui trong cuộc sống… nhưng với cuộc đời của bị cáo Liên thì lấy chồng như rút nhầm “lá xăm” xấu.
Ngày bước vào cánh cửa hôn nhân, bà Liên nhận ra chồng mình dần thay đổi, chẳng phải vì những lời yêu thương chiều chuộng biến mất mà chồng bà thể hiện mình là người gia trưởng, vũ phu. Đời con gái khi “ván đã đóng thuyền”, mấy ai buông bỏ tháo ra làm lại, với bà Liên cũng vậy, bà chấp nhận cuộc hôn nhân của mình với suy nghĩ khi có con rồi chồng sẽ thay đổi. Bà chấp nhận và dần quen với những ngày nước mắt nhiều hơn nụ cười.
Để rồi khi 3 mặt con ở ngưỡng tuổi trưởng thành, không chỉ bà Liên nhận ra mà hàng xóm cũng đã “quen” với sự cam chịu của bà. Mà cuộc đời những điều trớ trêu không phải ít, khi bà càng cam chịu thì chồng bà lại càng lấn át, xem đó là điều “mặc định”, từ gia trưởng, vũ phu nay lại thêm say xỉn, chửi bới…
Hai bị cáo Liên và Hằng tại phiên xử. |
“Có những lúc bị cáo cũng đã nghĩ đến cảnh buông bỏ, nhưng vì thương con, bị cáo lại chịu đựng tiếp. Sống với người chồng vũ phu lại hay say xỉn khiến cho tâm lý bị cáo luôn rơi vào cảnh bất an, nơm nớp vì sợ”, bị cáo Liên khai trước tòa.
Nội dung vụ án thể hiện, vào khoảng 12h ngày 6/7/2018, Trần Thị Liên và 2 con gái đi mua đồ về thắp hương giỗ bố chồng. Khi về đến nhà thì thấy chồng là ông Phạm Anh Sơn đang uống bia.
Cả 3 mẹ con sau khi bày lễ thắp hương cho bố chồng xong thì vào nhà nghỉ ngơi, một lúc sau, ông Sơn vào nhà rủ đi Cửa Lò (Nghệ An) chơi. Biết chồng uống bia rượu vào hay gây sự, ngày giỗ bố không lo lắng lại đòi đi chơi nhưng bà Liên không nói gì chỉ từ chối không đi. Ông Sơn thấy vậy liền chửi mắng vợ con rồi bỏ đi hơn 30 phút mới về.
Đến khoảng 13h chiều cùng ngày, ông Sơn lại tiếp tục gây sự với vợ dẫn đến xô xát, đánh bà Liên và con gái.
Bực tức vì bị chồng đánh, bà Liên không nghĩ được gì khác liền gọi thêm con gái là Phạm Thị Thu Hoài khống chế và lấy dây trói tay chân ông Sơn lại rồi đưa vào giường nằm.
Khi thấy mẹ trói bố như vậy, Hoài liền hỏi bà Liên “Làm thế này có tội quá không mẹ ?”, Liên nói “tội gì mà tội, thà trói cha lại ta cho ăn, phục vụ chứ để ông thế này thì khổ lắm. Mẹ con mình giờ đi làm ai cũng có tiền cả rồi, mỗi tháng trích 1.000.000đ để nuôi cha. Sáng, tối mẹ cho cha ăn, ỉa đái mẹ lo, con không phải lo, con cho cha ăn vào buổi trưa vì buổi trưa con được nghỉ”.
Khoảng 20h cùng ngày, ông Sơn tiếp tục chửi bới nên bà Liên đã lấy dây và băng keo để bịt miệng ông Sơn lại.
Trong đêm, khi lên giường nằm nghỉ, những ấm ức dồn nén bấy lâu như ngọn lửa bùng lên trong bà Liên, người đàn bà cả đời cam chịu bỗng mất đi lý trí. Khoảng 1h sáng ngày 7/7/2018, khi con cái đã ngủ, bà Liên rón rén vào phòng và lấy chiếc áo sơ mi dài tay quấn quanh cổ ông Sơn cho ngạt thở đến chết. Hành vi phạm tội của Nguyễn Thị Liên sau đó bị phát hiện.
Bị cáo nghĩ gì về hành vi của mình? Tước đoạt đi quyền được sống của người khác là điều đúng đắn? Chủ tọa phiên tòa chất vấn.
“Bị cáo biết mình sai rồi, đến bây giờ bị cáo cũng không lý giải được tại sao lúc đó lại mất nhân tính như vậy. Bị cáo ghét ông ấy (bị hại - PV) nhưng cũng không bao giờ có suy nghĩ mong ông ấy chết đi, bị cáo không hề muốn điều đó, bị cáo không muốn…”, bà Liên lí nhí trả lời.
Có thể đó là những lời biện minh cho hành vi tội lỗi của bà Liên trước tòa, nhưng những gì thể hiện trên khuôn mặt khắc khổ của bị cáo làm cho người dự khán cảm nhận được sự chân thật, sự hối lỗi của một con người.
Nhận định hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, đang tâm tước đi quyền được sống của người khác. Các bị cáo đủ hành vi năng lực, có thể giải quyết vấn đề của mình bằng nhiều cách khác nhưng lại không làm. Hành vi của các bị cáo phải nhận một bản án nghiêm minh để răn đe giáo dục nhưng cũng xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt vì bị hại cũng có một phần lỗi, đại diện gia đình bị hại và chính quyền địa phương có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên sơ thẩm ngày 12/3 vừa qua, sau khi xem xét kỹ các tình tiết, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên phạt bị cáo Trần Thị Liên 4, 5 năm tù về tội Giết người và Giữ người trái pháp luật; bị cáo Phạm Thị Thu Hoài 6 tháng treo về tội Giữ người trái pháp luật.
Kết thúc phiên xử, những lỗi lầm đã phải trả giá, chắc rằng đằng sau bản án nghiêm minh của pháp luật còn có một bản án lương tâm đầy day dứt nữa sẽ theo các bị cáo đến hết đời. Chiếc xe thùng chở bị cáo lao vút đi, bỏ lại những ánh mắt đang cố níu giữ, trong đám đông, ai đó khẽ buông câu nói buồn bã “ đúng là phận gái 12 bến nước, trong nhờ đục chịu…”.