Vay 100 triệu cắm nhà 2 tỷ đồng: Sản nghiệp cả nhà vào tay xã hội đen
- 07:33 16-03-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ác mộng tín dụng đen
Tại Tọa đàm "Phát triển tín dụng tiêu dùng - Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen" do Báo Đầu tư tổ chức, ông Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO cho hay, có những trường hợp vay vốn mà người vay sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất vượt ngưỡng hình sự vì nhu cầu vay vốn cấp thiết và vì lợi ích thiết thực của chính họ.
Ông lấy dẫn chứng, đến hạn trả 100 triệu đồng để chuộc lại tài sản có giá 2 tỷ đồng, thì người vay sẵn sàng chấp nhận khoản vay với lãi suất vài trăm % một năm để chuộc lại tài sản rất giá trị.
Theo ông Hải, tín dụng đen có sân chơi độc quyền bởi giới cho vay bất tuân pháp luật sẵn sàng vượt qua giới hạn của điều luật nói trên. Người đi vay không hề được bảo vệ hữu hiệu trong trường hợp này bởi hệ thống pháp luật.
Tín dụng đen bủa vây khắp nơi |
Ông Trịnh Bá Việt Xô, Trưởng phòng Quản lý đối tác chiến lược, Công ty Tài chính Home Credit Việt Nam cho rằng, tín dụng đen quá dễ tiếp cận. Trên cột điện, trên tường, trên trụ điện có thể dễ dàng thấy những mẩu quảng cáo được dán chồng chồng lớp lớp mời gọi vay nóng kèm số điện thoại liên lạc.
Thực tế, tài chính nhỏ còn khá hạn chế, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, hiện nay đang thiếu hụt nguồn cung đối với các khoản vay có giá trị nhỏ (50 triệu đồng), khiến các hộ gia đình, cá nhân tiếp cận tín dụng tiêu dùng chính thức còn hạn chế.
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đánh giá, các khoản vay để mua nhà và sửa chữa nhà ở chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tín dụng tiêu dùng (khoảng 50% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng), sau đó đến các khoản vay mua đồ gia dụng, hàng hóa lâu bền, phương tiện đi lại như ô tô, xe máy (khoảng 15-20%).
Quy mô của tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn nhỏ. Tỷ trọng cho vay tiêu dùng hiện nay tại Việt Nam chiếm 19,4% tổng dư nợ nền kinh tế năm 2018, khoảng 1,4 triệu tỷ đồng. Ông Tú Anh khẳng định, tín dụng tiêu dùng vẫn còn dư địa lớn, là động lực giảm bớt việc người dân tiếp cận vốn qua tín dụng đen, đẩy lùi tín dụng đen dù tín dụng đen sẽ luôn luôn tồn tại.
Rào cản tín dụng tiêu dùng
Phát triển tín dụng tiêu dùng là xu hướng tất yếu song trong bối cảnh hiện nay nguồn vốn này còn đối mặt với nhiều khó khăn. Theo luật sư Hải, bộ luật Hình sự đã nhầm lẫn trong đấu tranh phòng chống tín dụng đen. Không có một điều luật nào đặc trưng về tín dụng đen, chống thẳng vào bản chất nguy hiểm của loại hình cho vay gây mất an toàn xã hội.
Ngược lại, quy định hiện hữu tại Điều 201 khiến cho mọi tổ chức cho vay hợp pháp chùn bước, không dám giải phóng nguồn vốn tín dụng cho những khoản vay lãi suất cao từ 100%/năm.
Kết cục dẫn đến thực tế, tín dụng đen có sân chơi độc quyền bởi giới cho vay bất tuân pháp luật sẵn sàng vượt qua giới hạn của điều luật nói trên. Người đi vay không hề được bảo vệ hữu hiệu trong trường hợp này bởi hệ thống pháp luật. Theo ông Hải, chống nhầm tín dụng đen sẽ vô tình co hẹp hoạt động của tín dụng tiêu dùng.
Nhiều người là nạn nhân của tín dụng đen (ảnh minh hoạ) |
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, quan niệm lệch lạc khi cho rằng tín dụng tiêu dùng là tín dụng đen là không công bằng. Kiến thức về tài chính-tín dụng của người dân và doanh nghiệp nhỏ Việt Nam còn hạn chế. Theo ông Lực, đà tăng trưởng cũng như hiệu quả kinh doanh của những công ty tài chính này sẽ có khó có thể giữ được mức như hiện tại.
Ông Nguyễn Thanh Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty FE Credit cho biết, khi nghe đến tiêu dùng là có gì xấu khi cả xã hội tiết kiệm, nhưng thực tế đây là một trong ba thành phần kinh tế. Tín dụng tiêu dùng hay tín dụng hộ gia đình giúp giảm thiểu tín dụng đen và phi chính thức. Không xoá được tín dụng đen mà chỉ có thể làm tốt hơn ở những hoạt động chính thức.
Để phát triển nguồn tín dụng tiêu dùng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thiện Chiến lược quốc gia về phát triển tài chính toàn diện, nhằm đồng bộ hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và giải pháp tăng khả năng tiếp cận tài chính của người dân và doanh nghiệp.
Tạo điều kiện cho các công ty tài chính mới và nhỏ có thể phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh, hạn chế sức mạnh độc tôn của một số ít công ty tài chính lớn hiện nay. Tăng cường giáo dục tài chính cho người tiêu dùng, đặc biệt là về các sản phẩm tài chính tiêu dùng, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân.
Bên cạnh đó, các công ty tài chính cần thực hiện tốt hơn việc minh bạch thông tin cho khách hàng. Những vấn đề như lãi suất, phí, cách tính, thời hạn, phương thức đòi nợ, mức phạt khi trả nợ muộn hay thanh toán trước hạn …
Để đẩy lùi tín dụng đen, cần nỗ lực từ nhiều phía, trong đó doanh nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng. Không chỉ đơn thuần cung cấp các khoản vay với thủ tục nhanh chóng, mang lại cho người dân một lựa chọn tốt, các công ty tài chính tiêu dùng còn tham gia tích cực vào các hoạt động nâng cao nhận thức cho người dân về tín dụng an toàn, có trách nhiệm với khoản vay.