Nghệ An tập trung khoanh vùng, chống dịch tả lợn Châu Phi
- 10:31 14-03-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Tối 13/3, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, ngành chức năng và chính quyền địa phương đang phong tỏa, tập trung công tác tiêu hủy khử trùng tại đây.
Xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu) lập chốt kiểm soát dịch dịch tả lợn châu Phi tại xóm 7 đối với các phương tiện vào - ra vùng dịch. Ảnh: Lâm Tùng |
Được biết, ngày 12/3, gia đình ông Hoàng Văn L. (ở xóm 7, xã Quỳnh Mỹ huyện Quỳnh Lưu) có hai con lợn nái bị bệnh, chính quyền địa phương đã lấy mẫu và tiêu hủy 2 con lợn nái này. Sau đó, kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi nên tối cùng ngày, Chi cục Thú y và huyện Quỳnh Lưu đã tiêu hủy cả đàn lợn, tiêu độc khử trùng xung quanh.
Ngày 13,14/3, công tác tiêu độc khử trùng đã được hoàn tất ở khu vực bị dịch. Xóm 7, xã Quỳnh Lỹ đã lập 2 chốt cấm ra - vào nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan.
Huyện Quỳnh Lưu có nhiều điểm tắm lợn trên quốc lộ 1A. Ảnh: Việt Hùng. |
Theo báo cáo, Quỳnh Lưu hiện có khoảng 42 nghìn con lợn, trong đó có 36 trại, gia trại chăn nuôi tập trung, chiếm tỷ lệ 22,5% tổng đàn lợn toàn huyện. Số hộ giết mổ nhỏ lẻ từ 1 - 3 con lợn/ngày đêm có hơn 87 hộ, chủ yếu giết mổ tại hộ gia đình.
Trước đó Nghệ An đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh phòng chống dịch tả lợn châu Phi công tác phòng chống dịch đã được triển khai ở các địa phương, tổ chức tốt công tác tuyên truyền. Đối với các xã chưa có dịch, huyện và các cơ quan chuyên môn cần xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh xâm nhiễm.
Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An tuyên truyền với người dân thực hiện tốt "5 không": không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn ốm, chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa xử lý nhiệt làm thức ăn cho lợn.
Bà con Nghi Lộc rắc vôi khử độc xung quang khu vực chuồng trại. Ảnh: Thu Hiền |
Nghệ An đã thành lập hai chốt kiểm dịch tạm thời ở phía Bắc của tỉnh, hoạt động trong 2 tháng bắt đầu từ 1/3 cho đến khi hết dịch.
Trước tình hình xuất hiện dịch tả lợn trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng giao huyện Quỳnh Lưu và các xã trích một phần kinh phí dự phòng mua các vật tư thiết bị để tập trung cho công tác phòng chống dập dịch. Đồng thời giao Sở Nông nghiệp và PTNN tập trung công tác phòng chống dịch, tham mưu cho UBND tỉnh các văn bản để chỉ đạo kịp thời hơn.
Sáng nay (14/3) huyện Quỳnh Lưu tổ chức họp các xã trên địa bàn về công tác phòng chống dịch.
Đến nay, Nghệ An là địa phương thứ 16 trên cả nước phát hiện có dịch tả lợn châu Phi, sau Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên, Hòa Bình, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn và Sơn La.
Nghệ An hiện có đàn lợn gần 900.000 con, đứng thứ 5 cả nước. Trong đó, có 120 trang trại chăn nuôi tập trung và gần 296.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.