Gạt bỏ can ngăn, Thủ tướng Ý quyết tham gia Vành đai Con đường
- 19:34 12-03-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte |
Trong một bước đi mà Washington cảnh báo là có thể làm tổn hại quan hệ của Ý với các nước láng giềng, chính phủ cánh hữu của ông Conte có kế hoạch cho phép các công ty Trung Quốc tiếp cận nhiều hơn cảng Trieste – một trong những cảng phồn thịnh nhất khu vực, mở lối vào Địa Trung Hải – cũng như thúc đẩy hợp tác giữa các nhà cung cấp điện của hai nước.
Phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc gia Nhà Trắng (Mỹ), ông Garrett Marquis nói rằng kế hoạch Vành đai Con đường khó có thể giúp Ý về kinh tế mà dễ làm tổn hại đáng kể hình ảnh quốc tế của nước này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ thăm Ý từ ngày 22-24/3 tới. Nhân dịp này, hai nước dự kiến sẽ ký thỏa thuận khung.
“Với tất cả những cân nhắc cần thiết, việc Ý gia nhập con đường tơ lụa mới mang lại một cơ hội cho đất nước chúng ta”, ông Conte nói cuối tuần qua.
Việc Thủ tướng Ý xác nhận sẽ dự một hội nghị thượng đỉnh về Vành đai Con đường tại Bắc Kinh trong tháng 4 này đã tạo sóng ở Brussels và Washington, vì Ý đang bước lên con đường trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 và là thành viên sáng lập EU đầu tiên gia nhập sáng kiến thương mại của Trung Quốc mà Mỹ và EU vẫn gọi là một bẫy nợ hay dự án thuộc địa mới.
Tại Rome, trong số những người ủng hộ phát triển quan hệ với Trung Quốc có Phó Thủ tướng Luigi Di Maio, nhà lãnh đạo 32 tuổi của Phong trào 5 sao.
Ông Di Maio cũng là người đứng đầu Bộ Phát triển kinh tế. Cấp phó của ông là ông Michele Geraci từng giảng dạy trong trường đại học ở tỉnh Chiết Giang và Thượng Hải, Trung Quốc, trong cả chục năm trước khi được bổ nhiệm vào Bộ.
Phụ trách thương mại quốc tế của Ý, ông Geraci được coi là nhân vật đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ của Rome với Bắc Kinh. Trong cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg năm ngoái, ông Geraci nói rằng chính quyền Ý hiện tại đang có quan điểm khác. “Chúng tôi đang cố gắng không phớt lờ Trung Quốc như từng làm trong quá khứ”, ông Geraci nói.
Phe đối lập là Ngoại trưởng Enzo Moavero Milanesi, người vừa có chuyến thăm Washington vào tháng 1 vừa qua và có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. Trong số các vấn đề, hai bên đã thảo luận chuyện cấm hãng công nghệ viễn thông Trung Quốc Huawei không được tham gia phát triển mạng di động 5G, báo chí Ý đưa tin.
Thứ trưởng Ngoại giao ý Guglielmo Picchi phơi bày những đấu tranh trong nội bộ chính trị ý khi ông chia sẻ đoạn thông điệp của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ và viết thêm: “Tôi chia sẻ những quan ngại này, không phải để làm hài lòng các đồng minh của chúng ta mà vì cần kiểm tra kỹ lưỡng #biên bản ghi nhớ với Trung Quốc”.
Vị trí cảng Trieste. (Ảnh: SCMP) |
Thủ tướng Ý cùng phe với Phó Thủ tướng nên gạt bỏ khuyên can của bộ ngoại giao, các nguồn tin từ Rome cho biết.
“Dù đây là một bước lùi tạm thời đối với bộ ngoại giao, nhưng Ý cũng sẽ được hưởng các quyền lợi kinh tế lớn hơn từ Vành đai Con đường nhờ việc thể hiện sự thân thiện sớm hơn những nước khác”, một nguồn tin từ chính phủ Ý nói.
Ông Ding Chun, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Âu tại ĐH Phúc Đán, nói rằng khủng hoảng nợ của Ý đã tạo cơ hội cho Bắc Kinh mở rộng kế hoạch Vành đai Con đường vào tận “trái tim” của các cường quốc phương Tây.
“Sự tham gia của Ý là điều có ý nghĩa lớn với Trung Quốc trong bối cảnh tư tưởng Chiến tranh Lạnh gia tăng ở Mỹ và các đồng minh phương Tây. Tỷ suất nợ trên GDP của Ý đang ở mức cao thứ hai ở EU, chỉ sau Hy Lạp. Tham gia Vành đai Con đường sẽ giúp kích thích kinh tế của họ”, ông Ding nói.
Nằm gần biên giới của Ý với Slovenia, Trieste kết nối vùng trung và đông Âu. Được mệnh danh là “thành phố khoa học”, nơi đây có nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học, trong đó có các cơ sở tập trung vào vật lý lý thuyết, đại dương, địa chất, kỹ thuật gene, công nghệ sinh học và năng lượng tái tạo.
Sự quan tâm của Ý đối với chiến lược hạ tầng và thương mại toàn cầu của Trung Quốc báo hiệu sự trỗi dậy của phe cực hữu trong lực lượng chính trị Ý và đã được duy trì qua các thời kỳ lãnh đạo.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV năm 2016, thủ tướng Ý hồi đó là ông Matteo Renzi xác nhận nước này có ý định tham gia Vành đai Con đường. 1 năm sau, người kế nhiệm ông là Thủ tướng Paolo Gentiloni đến dự mội hội nghị thượng đỉnh Vành đại Con đường tại Bắc Kinh.
“Các chính phủ Ý luôn quan tâm đến Vành đai Con đường, và ý định của chính phủ hiện tại là để tiếp nối những chính phủ trước”, ông Giovanni Andornino, một chuyên gia về Trung Quốc tại ĐH Torino ở miền bắc nước Ý, nói.
“Điều khác hiện nay là chính phủ vui hơn với việc tương tác với Trung Quốc, ngược với việc trở thành động lực cho qua trình đàm phán của cả EU với Trung Quốc”, ông Andornino nói.
Ông Wang Yiwei, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Âu tại ĐH Nhân dân Trung Quốc, nói rằng việc Rome quay lưng với Washington và một số nước châu Âu xuất phát từ phong trào dân duy với tư tưởng hoài nghi châu Âu.
“Chính phủ Ý hiện tại luôn phản đối EU, nên họ ít định kiến với sáng kiến của Trung Quốc hơn các đảng chính trị truyền thống ở châu Âu”, ông Wang nói.