Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chân dung 2 nữ tướng công an ở miền Tây

Cô Sáu Đẹp hay "nữ tướng" Bùi Tuyết Minh đều là những nữ lãnh đạo nhận được nhiều tình thương của người dân miền Tây vì những đóng góp của họ cho ngành công an.

Một buổi sáng tháng 8/2017, căn nhà của bà Huỳnh Thị Hoa (đường Phan Đình Phùng, phường An Lạc, quận Ninh Kiều) bất ngờ bốc cháy.

Hỏa hoạn nằm trong hẻm sâu, nơi dân cư đông đúc, các thành viên trong gia đình và bà con chòm xóm chỉ đủ sức nhanh chóng dùng thiết bị chữa cháy tại chỗ sơ cứu rồi báo cấp cứu

Rất nhanh chóng, cảnh sát phòng cháy với mô hình chữa cháy 12/1 đã phát huy hiệu quả, nhanh chóng dập được đám lửa, giúp đám cháy không lan rộng, cứu được cả người và tài sản.

Đây không phải lần đầu tiên sáng tạo của nữ trung tướng Trần Thị Ngọc Đẹp, Cục trưởng Cục Xây dựng Phong trào toàn dân Bảo vệ An ninh Tổ quốc (Bộ Công an) phát huy tác dụng khi bà làm Giám đốc Cảnh sát PCCC Cần Thơ.

Cô Sáu Đẹp

"Mô hình 12/1" là hình thức liên kết tự nguyện, tự giác của 12 hộ gia đình trong cùng một khu vực, thực hiện các hoạt động đảm bảo an toàn PCCC được cảnh sát xây dựng, triển khai và nhân rộng trên địa bàn TP Cần Thơ.

Đến nay, mô hình được triển khai, phát triển đều khắp từ chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, trong các cơ sở y tế, dân tộc, tôn giáo… trên địa bàn 9 quận, huyện của tình này.

 Bà Trần Thị Ngọc Đẹp, nữ trung tướng đầu tiên của lực lượng Công an. Ảnh: Bộ Công an.

Trung tướng Trần Thị Ngọc Đẹp được người dân miền Tây gọi thân thương là “Cô Sáu Đẹp”. Bà là người phụ nữ thứ hai được phong hàm cấp tướng (sau thiếu tướng Bùi Tuyết Minh, Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang) và là nữ tướng duy nhất của lực lượng Cảnh sát PCCC Việt Nam.

"Cô Sáu Đẹp" sinh năm 1960 trong một gia đình nghèo, đông con ở xã Tân Hoà (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang). Năm 15 tuổi, bà gia nhập vào lực lượng công an làm trinh sát và nổi tiếng là nữ trinh sát giỏi, dũng cảm và mưu lược.

Hơn 40 năm tôi luyện, trưởng thành trong lực lượng công an, bà tham gia phá hàng trăm vụ án, vạch trần nhiều vụ tham nhũng, hối lộ, tham ô… và đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau.

Trong đó, hơn 5 năm làm Phó giám đốc Công an TP Cần Thơ, bà phụ trách các đơn vị Cảnh sát quản lý nhà nước về trật tự xã hội. Cuối năm 2007, bà là một trong 7 phụ nữ Việt Nam được Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam.

Ngày 13/7/2011, Cảnh sát PPCC TP Cần Thơ được thành lập, bà được bổ nhiệm làm Giám đốc. Hai năm sau, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ luật học tại Học viện Cảnh sát nhân dân. Cũng trong năm này, "Cô Sáu Đẹp" được phong hàm thiếu tướng.

 Bà Trần Thị Ngọc Đẹp trong một buổi họp báo ở Cần Thơ, khi đang giữ chức Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ. Ảnh: Minh Anh.

Là chiến sĩ gương mẫu, bà đồng thời là người phụ nữ sâu sắc, giàu tình cảm được đồng nghiệp yêu mến. Năm 2018, bà được bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng Cục Xây dựng Phong trào toàn dân Bảo vệ An ninh Tổ quốc và được phong hàm trung tướng. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên trong ngành Công an được phong quân hàm trung tướng.

Nữ tướng từng "cầm quân" chữa cháy tâm sự: "Dù là phụ nữ nhưng ở cương vị lãnh đạo phải luôn gương mẫu, phấn đấu xứng đáng với vai trò của mình. Bắt tay vào công việc thì là nam hay nữ đều phải cống hiến hết sức lực và trí tuệ, phát huy tối đa năng lực sở trường và nhất là phối hợp tốt trong công tác với anh em, đồng đội".

'Nữ tướng' Bùi Tuyết Minh

Ngoài "cô Sáu Đẹp", một "nữ tiếng" khác cũng nức tiếng với người dân miền Tây là bà Bùi Tuyết Minh, Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang. Bà Minh sinh năm 1962, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng.

Song thân là cụ Bùi Nhứt Bình (bí danh Trần Bình hay Mười Bình) và cụ Nguyễn Kim Lựu (bí danh Bảy Hồng), đều là cán bộ hoạt động trong căn cứ.

Sau khi học xong cấp III, năm 1981, bà được tuyển vào lực lượng Công an, với nhiệm vụ trinh sát. Địa bàn mà nữ trinh sát 19 tuổi được phân công là Kênh Cụt (phường An Hoà, TP Rạch Giá) và một khu vực thuộc huyện Hòn Đất, đây là nơi trọng điểm của tình trạng đưa người vượt biên trái phép.

 Thiếu tướng Bùi Tuyết Minh, Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang thăm hộ gia đình chính sách. Ảnh: CAND. 

Theo lời bà kể, có lúc bám theo đối tượng, nằm địa bàn gần một tháng trời. Những ngày đầu gian khó, nguy hiểm, bà cảm thấy yêu quý màu áo ngành hơn lúc nào hết. Khi lăn lộn vào nhiệm vụ của một trinh sát ngoại tuyến, bà có thêm nhiều vốn sống thực tế bổ ích.

Đây cũng là thế mạnh, giúp bà đậu Đại học An ninh và hoàn thành xuất sắc chương trình học 5 năm. Trở về đơn vị, bà tiếp tục thể hiện năng lực qua nhiều vị trí và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong những năm sau đó, bà lần lượt được bổ nhiệm qua các vụ trí công tác như: Đội phó Đội Trinh sát ngoại tuyến trực thuộc Giám đốc, Phó trưởng phòng Tham mưu Ban Chỉ huy an ninh, Trưởng phòng Công tác chính trị, Trưởng phòng Tổ chức.

Năm 2004, bà được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang với cấp hàm thượng tá. Năm 2007, bà được cử tri tín nhiệm vào Quốc hội khóa XII. Đại biểu Quốc hội là Công an có tất cả 17 người, bà là nữ đại biểu duy nhất của lực lượng vũ trang, khoá XII.

Năm 2011, bà được Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm, giữ chức Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, thăng quân hàm đại tá trước thời hạn một năm, thay thế thiếu tướng Lê Văn Thi được HĐND tỉnh bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang.

Ngày 13/7/2013, bà được phong hàm thiếu tướng và là nữ thiếu tướng đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.