Hàng loạt vụ việc thầy giáo dâm ô học sinh: Nỗi đau trong lòng con trẻ
- 07:33 06-03-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều vụ việc xảy ra trước đó đã tạo nên những “vết đen” trong ngành giáo dục. Những kẻ biến thái đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, song nỗi ám ảnh trong lòng con trẻ sẽ khó có thể phai mờ trong một sớm một chiều.
Trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang nơi xảy ra sự việc thầy giáo dâm ô học sinh. Ảnh: Trường Sơn |
Chuyện không dễ nói
Bản án 6 năm tù giam cho hành vi nhiều lần dâm ô với 7 học sinh nữ dành cho bị cáo Nguyễn Đình Lê - giáo viên trường Tiểu học An Thượng A (huyện Hoài Đức) giữa năm 2018 có lẽ chưa đủ mạnh để răn đe những kẻ biến thái trong trường học. Liên tiếp sau đó, hàng loạt vụ việc được đưa ra ánh sáng như: Thầy giáo hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn (Phú Thọ) xâm hại tình dục học sinh nam nhiều năm liền, một thầy giáo bị tố hiếp dâm học sinh lớp 8 tại Gia Lai…
Nhận định về những vụ việc trên, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội Khuất Thu Hồng cho hay, để xảy ra những chuyện nhà giáo xâm hại học sinh như thời gian qua là do đạo đức xã hội đang bị sa sút và ngành giáo dục cũng chịu tác động. Thực tế, đầu vào của ngành giáo dục lâu nay bị buông lỏng, tuyển chọn không tốt, đào tạo không đến nơi đến chốn. Đặc biệt là những quy định về đạo đức, về người thầy chuyên nghiệp đã không được chú ý. Câu chuyện thành tích của các trường cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà giáo xâm hại học trò. Vì bệnh thành tích mà nhà trường đã lơ là bỏ qua các biểu hiện không đúng chuẩn mực của người thầy để đến khi bùng phát mới xử lý.
Ám ảnh tinh thần
TS Xã hội học Thân Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển Tri thức ITCD chia sẻ, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra lạm dụng tình dục trẻ em sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến thể xác và tinh thần ở trẻ. Trong đó, những hậu quả về tinh thần có ảnh hưởng lâu dài thậm chí trong suốt cuộc đời con người. Đó chính là sự tổn thương lớn về mặt tâm lý: Trẻ bị lạm dụng tình dục dễ bị xung động bạo lực, thậm chí có ý định tự tử; xuất hiện những cảm xúc tiêu cực là tiền đề cho trầm cảm và rối loạn lo âu. Trẻ em bị lạm dụng tình dục trong thời gian dài sẽ dậy thì sớm từ 8 - 12 tháng so với những đứa trẻ bình thường. Bên cạnh đó, trẻ thường có nhiều hành vi lệch chuẩn trong tương lai thậm chí không coi trọng chính bản thân mình, dễ chấp nhận lối sống buông thả, để lại nỗi đau, sự ám ảnh trong suốt cuộc đời.
Theo TS Thân Trung Dũng, lỗ hổng lớn về giáo dục giới tính trong các nhà trường phổ thông ở Việt Nam hiện nay là một trong những nguyên nhân gây ra các sự việc trên. “Không chỉ học sinh mà ngay cả phụ huynh và nhiều thầy cô giáo vẫn có nhận thức chưa cao về giới tính, tình dục, chưa nói đến các kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Đây là vấn đề cần được ngành giáo dục, truyền thông đại chúng vào cuộc” - TS Dũng nhấn mạnh. Đồng tình với quan điểm này, TS Khuất Thu Hồng chỉ ra, những năm qua, các nhà trường đã nhồi nhét cho học sinh nhiều kiến thức khoa học nhưng lại bỏ qua kỹ năng sống, làm người. Luật Trẻ em 2016 đã có hiệu lực từ 1/6/2017 thế nhưng lại chưa được tuyên truyền mạnh đến học sinh dẫn đến các em đã không biết dấu hiệu bị xâm hại tình dục để bảo vệ mình.
Vai trò của nhà trường và gia đình
Việc liên tiếp xảy ra các vụ việc trên cho thấy có một bộ phận những thầy giáo có hành vi, tư tưởng tha hoá, lệch lạc. Trước mắt, để tránh các vụ việc tương tự xảy ra, có hai vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất, hỗ trợ nhận thức để các em hiểu lạm dụng, xâm hại tình dục là điều không tốt, không đúng để từ đó sẽ lên tiếng và tìm người hỗ trợ. Thứ hai, trang bị cho các em một số kỹ năng để tự bảo vệ mình.
Cô Vũ Thu Hà - chuyên gia tâm lý học đường, trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) cho rằng, để học sinh nhận biết dấu hiệu xâm hại tình dục có thể xảy ra cần sự giáo dục từ phía nhà trường, phụ huynh, học sinh. Ngoài ra, các em học sinh có thể tìm nguồn tài liệu về sinh sản, sức khỏe vị thành niên trong đó nói rõ cơ thể của mình không ai được phép đụng chạm, xâm phạm.
Các chuyên gia tâm lý cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của bố mẹ trong việc bảo vệ con em. Phụ huynh phải nói với con câu chuyện sức khỏe vị thành niên, đặc biệt là quan sát các con hàng ngày. Ví dụ, khi con có dấu hiệu sức khỏe, tinh thần không tốt có nghĩa đang gặp phải vấn đề nào đó. Đặc biệt, bố mẹ dạy các con cách thức không để ai đụng chạm vào cơ thể mình. Nếu người nào đó đụng vào cơ thể con có nghĩa họ không tốt, cần phải thông báo với người lớn. “Thực ra, đây là những vấn đề về cảm xúc, tế nhị mà bố mẹ khó có thể bày tỏ với con. Nhưng, bố mẹ phải là người chủ động chia sẻ trước thì các con mới bày tỏ dễ dàng hơn” - cô Hà nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Công ty Luật TNHH Hừng Đông, Hà Nội Lên án mạnh mẽ hành vi dâm ô trẻ em Hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi cần phải lên án mạnh mẽ và phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tùy theo mức độ vi phạm mà người vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Nếu chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Trường hợp người vi phạm đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý theo Điều 146 Bộ luật Hình sự về tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Cụ thể: Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, bị phạt tù từ 3 - 7 năm: Phạm tội có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Đối với 2 người trở lên; Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 - 60%; Tái phạm nguy hiểm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, bị phạt tù từ 7 - 12 năm: Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân tự sát. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm. (Hồng Thái ghi) |