Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Lợi nhuận tăng kỷ lục, Vietcombank vẫn đứng trước thử thách nợ xấu tăng

Kết thúc năm 2018, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank có dấu hiệu tăng. Tính đến cuối năm, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này là 6.215 tỷ đồng.

Năm 2018 một số nhà đầu tư dự báo, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam – Vietcombank (mã CK: VCB) sẽ đạt từ 15.000 - 16.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, gần 18.300 tỷ đồng là con số lợi nhuận trước thuế mà VCB đã đạt được, tăng trưởng 61,4% so với con số lợi nhuận 11.341 tỷ đồng của năm 2017.

Con số này gần gấp ba lần so với quy mô lợi nhuận cách đây 3 năm khi VCB bắt đầu chuyển sang giai đoạn tái cơ cấu, và cũng là cao nhất trong những năm trở lại đây. Những con số này được thể hiện rất rõ trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2018 mà ngân hàng này đã công bố.

 Báo cáo tài chính quý IV/2018 của Ngân hàng Vietcombank.

Kết thúc năm 2018, tổng tài sản của VCB tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2017; dư nợ tín dụng tăng 14,9% - dưới mức trần định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Dư nợ khách hàng là 632.632 tỷ đồng, tăng trưởng 16,4%; huy động tiền gửi khách hàng đạt 802.222 tỷ đồng, tăng 13.2% so với cuối năm 2017.

Tín dụng tăng, tỷ lệ nợ xấu của VCB cũng có dấu hiệu tăng. Tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ nợ xấu của VCB là 6.215 tỷ đồng, trong đó, nợ nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn tăng từ 1.940 tỷ đồng lên 4.767 tỷ đồng, gấp 2,45 lần so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1% tổng dư nợ.

Cuối năm 2018, tỷ trọng dư nợ bán lẻ của VCB là 46% trong khi năm 2017 là 40%. VCB triển khai 3 trọng tâm chiến lược xoay trục kinh doanh. Một là dịch chuyển tín dụng từ bán buôn sang bán lẻ, hai là tăng cường hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, ba là tăng thu dịch vụ qua phát triển các tiện ích sản phẩm và mở rộng khách hàng sử dụng. Chiến lược này góp phần gia tăng tỷ trọng từ phi tín dụng và lợi nhuận đã không còn dựa quá nhiều vào cho vay.

Cuối năm 2018, VCB là một trong số ít ngân hàng thương mại Việt Nam tạo được sự dịch chuyển cơ cấu thu mạnh sang phi tín dụng, với tỷ trọng trên 40%.

Tuy nhiên trong báo cáo tài chính quý IV/2018, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh của VCB lỗ 67,544 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 87,216 tỷ đồng. Lũy kế tới cuối năm 2018, hoạt động này của VCB đạt 249,401 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2017.

Năm 2018, cơ cấu tín dụng của Vietcombank đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ giữa các ngành nghề. Theo đó, cho vay lĩnh vực xây dựng đã "nhường" vị trí tỷ trọng cao nhất trong dư nợ khách hàng cho lĩnh vực khác khi chỉ còn chiếm 4,57% dư nợ, trong khi năm trước là 27,19%. Thay vào đó, lĩnh vực sản xuất và gia công chế biến được nhà băng này chú trọng hơn thông qua việc tăng tỷ trọng cho vay từ 5,91% lên mức 25,89%.

Bên cạnh đó, đối với lĩnh vực sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước, ngân hàng cũng giảm tỷ trọng cho vay từ 21,81% xuống chỉ còn 4,64%. Ngược lại, cho vay thương mại, dịch vụ lại tăng từ 4,24% lên 19,01% tổng dư nợ Vietcombank.