Những lý do bất ngờ dẫn đến việc học sinh lớp 6 không thể đọc viết
- 14:03 05-03-2019
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo bà B.T.V (mẹ học sinh Q.V.S), gia đình bà là người dân tộc Mường, di dân từ tỉnh Hòa Bình vào xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê. Bà cũng cho biết, dù đã lớp 6 nhưng S. vẫn chưa đọc thông, viết thạo. Khi viết rất chậm, phải nhìn chữ mới viết được và lúc đọc phải đánh vần từng từ.
Chia sẻ bất ngờ của nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT cũng khẳng định, câu chuyện ngồi nhầm lớp đã từng không phải hiếm: “Trước đây, trường hợp này cũng có xuất hiện rồi, có đợt đi công tác ở Tuyên Quang, tôi còn thấy ở một trường phổ thông dân tộc nội trú, học sinh học hết lớp 9 rồi vẫn chưa biết đọc, biết viết.
Tìm hiểu lý do, phát hiện do cơ chế thi đua, nếu giáo viên miền xuôi lên miền ngược dạy mà tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 100% thì sau 3 năm sẽ được về lại miền xuôi. Do đó, người giáo viên đó nghĩ về quyền lợi của họ, sớm được trở về miền xuôi giảng dạy.
Chính vì vậy, dẫn đến nhiều trường hợp học sinh ngồi nhầm lớp. Không biết chữ vẫn cho lên lớp. Từ một người đầu tiên cho lên lớp thì các học sinh khác ở tình trạng đó vẫn cho lên lớp. Nhiều bạn không biết gì vẫn có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Câu chuyện trên có thể cũng nằm trong tình thế tương tự”.
Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: “Trước hết, cần giáo dục người giáo viên tôn trọng nhân cách của họ, làm tròn trách nhiệm với học sinh. Những cơ chế khuyến khích dạy tốt là điều đáng hoan nghênh nhưng đồng thời phải quản lý chặt chẽ để không có “kẽ hở”, xảy ra những hiện tượng như thế này. Hiệu trưởng phải quản lý chặt chẽ công tác dạy và học trong trường, người giáo viên có nhân cách đúng đắn sẽ không bao giờ làm như vậy”.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, cần thắt chặt quản lý hoặt động giảng dạy, giáo dục đạo đức nhà giáo. |
Đối mặt thực chất, quản lý chặt chẽ
Trước câu chuyện về nam học sinh này, thầy Vũ Khắc Ngọc, hệ thống giáo dục HOCMAI đánh giá: “Đây không phải trường hợp đầu tiên học sinh học hết cấp 1 vẫn chưa biết đọc biết viết, có khá nhiều nhưng có thể do dư luận chưa biết đến. Nguyên nhân chính của tình trạng này xuất phát từ rất nhiều lý do.
Theo thầy Vũ Khắc Ngọc, để ngăn chặn những câu chuyện ngồi nhầm lớp, bệnh thành tích tiếp diễn, trước hết, quan niệm trong xã hội cần được thay đổi, nhìn thẳng, đối mặt với chất lượng thực học của học sinh. Phải có sự kiểm tra, đánh giá học sinh thường xuyên để có cái nhìn công bằng, trung thực với năng lực. Quá trình đào tạo cũng cần có sự giám sát, đánh giá cả quy trình.
Thầy nhận định: “Giáo viên không thể nâng một học sinh trung bình lên giỏi, không thể đưa một học sinh lưu ban lên lớp nếu không có mục đích quyền lợi phía sau. Phụ huynh muốn con mình ở lại lớp, có thể đó là nguyện vọng chưa đúng. Nếu thực sự muốn như vậy, phụ huynh đã có thể can thiệp từ bước khởi đầu lớp 1, lớp 2 đã xin cho con ở lại học kỹ hơn chứ không chờ đến lớp 5, lớp 6 mới lên tiếng”.
Thầy cũng phân tích thêm: “Hiện nay, nhà trường có thể không cần để học sinh đó lưu ban, nhưng ít nhất, phải tiến hành đào tạo bổ sung, kèm cặp để bạn đó theo kịp chương trình, lấp những “lỗ hổng” đang tồn tại.
Nhân câu chuyện này, bộ GD&ĐT cũng nên nhìn lại, có nên nới lỏng các điều kiện xét tốt nghiệp hay không, có cần đưa ra cơ chế để kiểm định năng lực học sinh một cách thường xuyên hay không”.
Ngồi nhầm lớp, câu chuyện thành tích ảo
Chữ viết của học sinh lớp 6 Q.V.S. |
Cách đây 20 năm, ở các cấp học, thậm chí ngay trong các trường cấp 1 cũng đã có khá nhiều học sinh phải thi lại, học thêm giai đoạn hè để thi tiếp trước khi lên lớp, nếu vẫn không đạt thì buộc phải lưu ban. Còn hiện nay, học sinh lưu ban là gần như không có. Đặc biệt ở thành phố, khi tỷ lệ học sinh giỏi các cấp, hoặc ngay ở tiểu học đã chiếm đến 80-90%, dường như là một con số khá phi lý.
Thầy Ngọc phân tích: “Câu chuyện mang tên bệnh thành tích này sâu xa hơn nằm ở chính quan niệm của xã hội trong việc chấp nhận kết quả học tập của học sinh đến đâu.
Trên thế giới, vẫn có nhiều quốc gia có tỷ lệ học sinh lưu ban cao, như Pháp chẳng hạn. Họ chấp nhận việc học sinh lưu ban là điều tối thiểu, khi học sinh không theo kịp chương trình và chưa đủ kiến thức để vượt qua bậc học đó.
Căn bệnh thành tích của giáo viên thực chất lại xuất phát từ chính quan điểm, suy nghĩ của phụ huynh, mong muốn của phụ huynh, dẫn đến tình trạng “lạm phát” điểm số, “lạm phát” học sinh giỏi.
Thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng lạm phát điểm số có thể xuất phát từ chính quan điểm của xã hội về năng lực của học sinh. |
Nhiều phụ huynh có nguyện vọng nâng điểm số, nâng kết quả, nhiều trường hợp, con không được học sinh giỏi, phụ huynh gây sức ép. Học sinh lưu ban thì bị phụ huynh cho rằng thầy cô không tạo điều kiện, và quá khắt khe đối với con mình, cho rằng thầy cô thiên vị.
Một trường có tỷ lệ học sinh lên lớp cao, học sinh giỏi cao chắc chắn được nhiều phụ huynh tin tưởng đăng ký cho con, đó cũng là một nguyên nhân khiến tiêu cực xuất hiện trong trường học”, thầy Ngọc phân tích.
“Có thể giải thích rằng để học sinh đó ở lại lớp sẽ khiến học sinh tự ti, nhưng thực chất có như vậy? Hay người giáo viên đó chỉ nghĩ rằng để học sinh lưu ban lại thì giảm thành tích thi đua? Nếu vậy, quyết định đó hoàn toàn vì quyền lợi cá nhân, vì bản thân nhiều hơn, không phải vì trách nhiệm thương yêu học sinh, vì tương lai học sinh”, nguyên Thứ trưởng nhấn mạnh.