Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Rời ghế Chủ tịch Vinhomes, tỷ phú Phạm Nhật Vượng để lại di sản "khủng" cỡ nào?

Sau hơn 10 năm, từ một doanh nghiệp có vốn 300 tỷ đồng, Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng "lớn nhanh như thổi", trở thành doanh nghiệp bất động sản có quy mô tới 14 tỷ USD.

Ngày 28/2, Hội đồng quản trị CTCP Vinhomes (VHM) đã thông qua việc bầu Chủ tịch HĐQT, miễn nhiệm, bổ nhiệm Tổng giám đốc và thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh.

Theo đó, HĐQT Vinhomes quyết định bầu bà Nguyễn Diệu Linh - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty làm Chủ tịch HĐQT thay cho ông Phạm Nhật Vượng, theo đề nghị của chính ông này. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành 28/2.

 Ông Phạm Nhật Vượng vừa rời ghế Chủ tịch HĐQT CTCP Vinhomes.

Hiện tại, ông Vượng vẫn là Thành viên HĐQT của VinHomes và là Chủ tịch HĐQT của Vingroup - công ty mẹ của Vinhomes.

Vừa lên sàn đã trở thành quán quân lợi nhuận

Tiền thân của Công ty CP Vinhomes là CTCP Đô thị BIDV – PP, được thành lập vào đầu năm 2008 với vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 300 tỷ đồng.

Đến tháng 03/2009, Công ty đổi tên thành CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội và thực hiện đăng ký giao dịch cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (UPCoM) với mã chứng khoán là NHN vào tháng 11/2011.

Bắt đầu từ năm 2018, Tập đoàn Vingroup tiếp tục thực hiện kế hoạch tái cơ cấu toàn Tập đoàn, Vinhomes là công ty phụ trách mảng hoạt động đầu tư và kinh doanh bất động sản nhà ở, văn phòng và các hạng mục liên quan. Hiện tại, Vingroup đang nắm giữ tới gần 70% vốn tại Vinhomes.

 Vingroup đang nắm giữ tới gần 70% vốn tại Vinhomes.

Với vốn điều lệ lên tới 33.495 tỷ đồng, Vinhomes hiện cũng là doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn thứ 2 trên thị trường Việt, lên tới 324.000 tỷ đồng (tính đến cuối tháng 2.2019). Mức vốn hóa này chỉ xếp sau chính công ty mẹ - Vingroup. Chỉ tính riêng 2 công ty này đã chiếm 1/5 tổng vốn hóa của sàn HoSE.

Ngày 17/5/2018, Vinhomes chính thức niêm yết cổ phiếu VHM trên sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE). Sau khi lên sàn, tổng số cổ phiếu niêm yết của Vinhomes vượt xa mã VIC của công ty mẹ là Vingroup tới gần 42 triệu cổ phiếu.

Trong phiên giao dịch đầu tiên vào sáng 17/5, VHM được niêm yết với giá tham chiếu là 92.100 đồng cho gần 2,68 tỉ cổ phiếu.

Tuy nhiên, khi chính thức giao dịch được 20 phút đầu tiên, VHM đã tăng trần tới 18.000 đồng, đạt 110.500 đồng/cổ phiếu, với biên độ tăng lên đến 20%.

 Ngày 17/5/2018, cổ phiếu VHM của Vinhomes chính thức được giao dịch trên sàn HoSE.

Năm 2018 cũng đánh dấu bước phát triển vượt bậc của Vinhomes khi vượt qua các tên tuổi lớn như Vietcombank, PV Gas để trở thành quán quân lợi nhuận năm 2018.

Không chỉ nằm trong Top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất thị trường năm 2018, Vinhomes dưới sự điều hành của ông Phạm Nhật Vượng còn là đơn vị tăng trưởng mạnh nhất.

Theo báo cáo tài chính tự lập, Vinhomes ghi nhận doanh thu tăng trưởng 150% đạt 38.806 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế (LNST) thu về 14.754 tỷ đồng, gấp 9,4 lần năm 2017.

Năm 2018, CTCP Vinhomes đạt doanh thu thuần 38.806 tỉ đồng, biên lãi gộp cả năm đạt 25%.

Lợi nhuận này phần lớn đến từ hai dự án Vinhomes Golden River và Vinhomes Metropolis Liễu Giai. Riêng hai dự án này đã mang lại lần lượt 7.881 tỷ đồng và 3.060 tỷ đồng trong quý IV/2018. Doanh thu quý IV chiếm 42% doanh thu cả năm của Vinhomes.

Doanh thu tài chính 14.679 tỉ đồng, phần lớn là lợi nhuận được chia từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tập đoàn Vingroup (công ty mẹ) cho mục đích phát triển các dự án bất động sản Vinhomes Riverside 2 The Hamony, Vinhomes Imperia Hải Phòng, Vinhomes Dragon Bay và Vinhomes Star City (lợi nhuận này trong năm 2018 là 9.549 tỉ đồng thu bằng tiền). Ngoài ra một phần doanh thu tài chính đến từ thanh lý các khoản đầu tư và lãi tiền gửi.

Năm 2018, Vinhomes nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 4.640 tỉ đồng và báo lãi 14.754 tỉ đồng sau thuế, EPS 4.551 đồng.

Báo cáo tài chính, lợi nhuận trước thuế năm 2018 của Vinhomes đạt hơn 19.600 tỷ đồng, giữ vị trí quán quân lợi nhuận trên sàn chứng khoán. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 14.234 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản Vinhomes đạt 117.808 tỷ đồng, trong đó 25.385 tỷ đồng đặt cọc hợp tác đầu tư; hàng tồn kho gần 27.300 tỷ đồng là bất động sản xây dựng hoặc mua để bán, bao gồm: Vinhomes Green Bay, Vinhomes Metropolis, Vinhomes Golden River, VinCity Ocean Park, Vinhomes West Point, Vinhomes Central Park…

 Vinhomes Central Park.

Giá trị xây dựng dở dang cuối kỳ 22.685 tỷ đồng, lớn nhất là dự án Khu đô thị Cần Giờ 12.400 tỷ đồng, các dự án VinCity Củ Chi và VinCity Sportia đang được triển khai…

Vốn chủ sở hữu Vinhomes tính hết năm 2018 đạt 48.119 tỷ đồng.

Ngoài ra, Vinhomes cũng đang cho khá nhiều công ty khác cùng tập đoàn như BĐS Thăng Long, BĐS Xavinco, Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Thương mại Thành phố... vay số tiền từ hàng chục tới hàng trăm tỷ đồng.

Hút vốn đầu tư từ Chính phủ Singapore

Theo thông tin tin từ CTCP Vinhomes, quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore đã mua vào 153,85 triệu cổ phiếu Vinhomes, tương ứng tỷ lệ sở hữu 5,74% và trở thành cổ đông lớn kể từ ngày 20/4/2018.

Trước đó, vào giữa tháng 4, Vinhomes cho biết sẽ GIC sẽ đầu tư tổng cộng 1,3 tỷ USD (tương đương 29.500 tỷ đồng) dưới 2 hình thức là đầu tư mua cổ phần của Vinhomes và cung cấp một công cụ nợ cho Vinhomes (như khoản cho vay) để thực hiện các dự án. Credit Suisse (Singapore) Limited là đơn vị tư vấn của thương vụ này.

GIC là một trong 3 nhánh đầu tư của Chính phủ Singapore và hiện trở thành một trong những nhà đầu tư tài chính lớn nhất trên thị trường vốn Việt Nam. Hiện tại, những khoản đầu tư chính của GIC tại Việt Nam gồm có Masan Group (~5% cổ phần), Vietjet Air (~5%), Vinamilk (0,7%), FPT (3,5%), PAN Group, Vinasun... với tổng giá trị vào khoảng gần 15.000 tỷ đồng.

Vinhomes được tách ra từ lĩnh vực bất động sản của Tập đoàn Vingroup – đơn vị đang triển khai nhiều dự án tại gần 40 tỉnh thành trên cả nước. Với hậu thuẫn mạnh mẽ từ Vingroup, Vinhomes hiện sở hữu lợi thế nổi bật về quỹ đất.

Mặc dù rút lui khỏi chức Chủ tịch nhưng ông Vượng vẫn đại diện cho Vingroup nắm giữ 34,83% vốn Vinhomes. Ông cũng là người giàu nhất Việt Nam trên thị trường chứng khoán khi sở hữu lượng lớn cổ phần Vingroup, Vincom Retail và nằm trong top 200 người giàu nhất thế giới theo danh sách mới nhất của Forbes với tổng tài sản 7,7 tỷ USD.